Sẽ có hơn 400 dự án thủy điện nhỏ bị cắt giảm

Theo Bộ trưởng, các công trình thủy điện lớn đang giải quyết rất tốt việc cắt lũ, điều tiết nước cho mùa hạn. Tuy nhiên, những dự án thủy điện nhỏ không đáp ứng được yêu cầu này. Vì vậy, quan điểm của Bộ Tài nguyên Môi trường là "không khuyến khích phát triển bằng mọi giá các dự án thủy điện nhỏ".
25/10/2020 06:35

Sáng 24/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, đợt lũ lịch sử ở khu vực miền Trung vừa qua có nguyên nhân do biến đổi khí hậu. Đây là "thiên tai mang tính chất cực đoan, tổ hợp các loại thiên tai cùng lúc" với chỉ số đều vượt những đợt lũ trong lịch sử.

"Quốc hội khóa XIII đã thảo luận về vấn đề này. Chúng tôi và các bộ, ngành hữu quan đã tham mưu để cắt giảm hơn 400 dự án thủy điện nhỏ trong thời gian qua", ông Hà nói.

Bộ Tài nguyên Môi trường thấy không nên tiếp tục phát triển các thủy điện nhỏ. Nếu có phải chú ý phương án công nghệ, tính toán các vấn đề môi trường, dòng chảy, đường đi của cá, duy trì phù sa... khi các đập thủy điện được xây dựng để đảm bảo hài hòa với môi trường.

bo truong tnmt

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Hoàng Phong

Người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường cho rằng, các sự cố thiên tai đã được điều chỉnh trong luật Phòng chống thiên tai. Dự Luật Bảo vệ môi trường 2020 điều chỉnh các sự cố nhân tai từ dự án phát triển gây suy thoái, ô nhiễm môi trường. Dự thảo luật không đặt mục tiêu giải quyết trực tiếp các vấn đề thiên tai mà giải quyết bài toán rất xa là biến đổi khí hậu; đưa ra các công cụ để quản lý, kiểm soát, giải quyết một cách căn cơ vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông mong muốn, các công cụ quản lý đánh giá tác động môi trường, quy chuẩn môi trường sẽ dần đưa môi trường dần trở lại trạng thái tự nhiên. "Con người phải sống hài hòa tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên", ông nêu quan điểm.

Dự Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cũng khoanh vùng các dự án có quy mô chất thải lớn, phạm vi tác động rộng để tập trung quản lý; đồng thời tháo gỡ thủ tục hành chính không cần thiết, mang tính hình thức với dự án thân thiện môi trường để các dự án này đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội.

Dự án luật Bảo vệ môi trường trình xin ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2020), dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 11/11.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer