Số ca mắc mới ở TPHCM vẫn ở cấp độ nguy cơ cao, lập thêm bệnh viện dã chiến

Số ca mắc mới của TPHCM vẫn ở cấp độ nguy cơ cao, Sở Y tế cho biết đang chuẩn bị thành lập các trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến trước một bước, trên một mức để chủ động ứng phó với dịch bệnh.
16/11/2021 16:21

 

33

TPHCM đang lên phương án sẵn sàng để ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh

Số ca mắc mới ở mức độ 3

Theo công bố ở tuần thứ 3, TPHCM tiếp tục ở cấp độ dịch 2, tuy vậy, số ca mắc mới vẫn đang ở cấp độ 3 - nguy cơ cao.

Kết quả thực hiện các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch của toàn thành phố về tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần như sau: Số ca mắc mới trong tuần đánh giá từ ngày 6-12.11 là 7.752 ca, số ca mắc mới của tuần trước từ ngày 29.10 - 5.11 là 6.622 ca.

Dân số trên địa bàn thành phố là 9.145.000 người (số liệu thực tế người dân đang cư trú, do Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp).

Như vậy, tổng số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/tuần trên địa bàn Thành phố được tính cụ thể như sau: (7.752+6.622) / (2 x 9.145.000) × 100.000 = 79,4.

Do đó, tiêu chí 1 đạt mức độ 3 (50 - <150).

Về tiêu chí 2, độ bao phủ vaccine COVID-19 (tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều). Tính đến hết ngày 12.11, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 99,77% (đạt mức trên 70%); tỉ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều là 96,49% (đạt trên 80% số liệu thực tế người dân đang cư trú).

Tiêu chỉ 3 là đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các tuyến. Thành phố đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tỉnh hình dịch ở cấp độ 4.

Các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ôxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) để đáp ứng khi có dịch xảy ra theo công văn số 7629/SYT-NVY ngày 17/10/2021 của Sở Y tế về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

33

Đáng giá cấp độ dịch của TPHCM

Chuẩn bị phương án ứng phó

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, đơn vị này đã có đề xuất triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0.

Ông Hưng nhận định, hiện nay, tình hình dịch của TPHCM tương đối ổn định, dù một số quận, huyện có sự gia tăng F0 nhưng vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát. Tuy vậy, theo sự quán triệt quan điểm của Ban Chỉ đạo quốc gia, thành phố vẫn phải chuẩn bị trước 1 bước, trên 1 mức để chủ động ứng phó với bất kì tình huống nào có thể xảy ra đối với dịch bệnh.

Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm 2021, 16 bệnh viện dã chiến cấp thành phố sẽ được thu hẹp và chỉ còn 3 bệnh viện. Do đó, để chăm sóc kịp thời các trường hợp F0 khi cần thiết, Sở Y tế đề nghị thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận - huyện, xem đây là tầng 2. Hiện tại, 8 bệnh viện dã chiến đã được thành lập với quy mô từ 300 -500 giường để sẵn sàng thu dung, điều trị F0 có triệu chứng vừa và nhẹ.

Trước thực trạng nhiều trường hợp mắc COVID-19 nhưng không đủ điều kiện để áp dụng cách ly tại nhà, sở cũng đề xuất triển khai lại các khu cách ly tại các địa phương (xem như là tầng 1) để tiếp nhận những đối tượng này. Hiện tại, toàn thành phố có 62 khu cách ly để tiếp nhận F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.

32

Bản đồ COVID-19 tại TPHCM

Đối với công tác sắp xếp lại các trạm y tế lưu động, ông Nguyễn Hữu Hưng cho hay, hiện nay, quy mô các trạm không giống như giai đoạn dịch cao điểm, lực lượng chi viện cũng đã rút quân. Do đó, tuỳ theo diễn biến dịch bệnh, thành phố đang có kế hoạch duy trì, thành lập mới trạm y tế lưu động sao cho tương xứng với số F0 tại các địa phương. Vì vậy, nhân sự huy động hỗ trợ cũng sẽ có thay đổi.

Theo đó, Sở Y tế sẽ tăng lực lượng chuyên môn, mỗi trạm tăng cường 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng; các địa phương chịu trách nhiệm huy động một số tình nguyện viên để hỗ trợ các công việc khác.

Trong những ngày gần đây, 70 trạm y tế lưu động đã được tăng cường cho những khu vực có số ca F0 tăng cao. Hiện các địa phương cũng đang xây dựng kế hoạch, kịch bản, tình huống liên quan để Sở Y tế lên danh sách cán bộ y tế sẵn sàng điều động khi có nhu cầu.

Theo Lao Động

comment Bình luận

largeer