Sở Y tế Hà Nội đã giao tự chủ chi thường xuyên cho 36/41 bệnh viện của ngành

Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đã giao tự chủ chi thường xuyên cho 36/41 bệnh viện của ngành, (gần 90% đơn vị), chỉ có 5 bệnh viện chuyên khoa đặc thù về phục hồi chức năng, tâm thần, Bệnh viện 09 hiện vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
15/09/2023 11:53

Đối với các trung tâm y tế huyện, Sở Y tế Hà Nội đã ban Kế hoạch số 846/KH-SYT ngày 3/3/2023 triển khai việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính giai đoạn 2022- 2025 theo lộ trình đề ra.

p1

(Ảnh: VTV)

Để thực hiện tự chủ một cách bền vững và thực chất cần có những giải pháp thật sự hiệu quả.

Một là, thay đổi nhận thức, nhất là nhận thức của người đứng đầu. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị.

Từ việc thay đổi nhận thức, lãnh đạo các đơn vị phải biến nhận thức thành hành động cụ thể, xây dựng chiến lược, kế hoạch để triển khai, đồng thời tạo lập mô hình quản lý chuyên môn, quản trị tài chính, tài sản, hạch toán kế toán đảm bảo được tính đồng nhất, có thể hợp nhất và liên thông được với nhau.

Hai là, tăng nguồn thu tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể: hoàn thiện các quy định về giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ; đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công theo hướng chuyên sâu, chất lượng cao.

Chủ động tăng nguồn thu trong hoạt động của đơn vị và trong phạm vi quy định của pháp luật theo hướng nguồn thu được sẽ tái sử dụng để phát triển cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đem đến một môi trường chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao cho người bệnh. Đơn vị có cơ sở vật chất tốt nhất, đảm bảo lợi ích hài hoà, quyền lợi của người bệnh cũng như sự phát triển của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ba là, triển khai các biện pháp để tiết kiệm chi, cụ thể: bố trí, sắp xếp lại vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn bộ máy; xây dựng cơ chế chi thu nhập theo mức đóng góp của người lao động; tăng cường kiểm soát chi, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Bốn là, chuyên nghiệp hoá các khâu trong quản trị tài chính bằng cách lập, thực hiện và quyết toán thu chi.

Cần xây dựng một quy trình cụ thể, chi tiết các bước trong các khâu quản trị: lập, thực hiện và quyết toán để triển khai thực hiện; đồng thời cần phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và thời gian hoàn thành cho từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện các khâu trong quản trị tài chính.

Năm là, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị tài chính tại các đơn vị.

Các phần mềm hiện nay sẽ giúp các đơn vị có thể tối đa hoá công tác quản lý các hoạt động chủ chốt như: kế toán, phân tích tài chính, quản lý hàng tồn kho, các chỉ tiêu cân đối thu chi,... Thông qua các nền tảng này, lãnh đạo đơn vị sự nghiệp có thể thấy được bức tranh tài chính tổng thể của đơn vị và có những đánh giá, phân tích, điều chỉnh kịp thời trong công tác thu chi của đơn vị; từ đó đưa ra những quyết định chính xác nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí (thời gian, nhân lực, vật lực), tăng doanh thu.

Sáu là, hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến quản trị tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập như các quy định về cơ chế tài chính; cơ chế thanh toán bảo hiểm; cơ chế, chính sách về xã hội hoá trong lĩnh vực y tế; cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút, phát triển  đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác tài chính kế toán và đội ngũ nhân viên y tế.

Bảy là, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản trị tài chính tại các đơn vị. Quản trị tài chính trong các đơn vị cần đi đôi với việc phát huy dân chủ, thực hiện tốt Quy chế dân chủ để tăng cường việc giám sát, chất vấn của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị với lãnh đạo đơn vị.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer