Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Sơn La: Cây ăn quả phủ xanh đất dốc tại huyện Mường La

Trong 10 năm qua, chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đã tạo nên cuộc “cách mạng xanh” ở Mường La, người nông dân đã chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
13/05/2025 16:15

Trước năm 2016, nông nghiệp huyện Mường La gặp nhiều khó khăn, do canh tác cây trồng ngắn ngày trên đất dốc, đất dễ bị xói mòn, bạc màu; cùng với tập quán canh tác phụ thuộc vào thiên nhiên, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản thấp.

8

Nông dân xã Mường Bú bao quả xoài, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu (Ảnh: Báo Sơn La)

Thực hiện Chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, huyện Mường La đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân và cụ thể hóa bằng các kế hoạch phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, như phát triển trồng cây xoài, nhãn, chuối tại các xã Mường Bú, Tạ Bú, Pi Toong, Mường Chùm; cây sơn tra tại các xã vùng cao Ngọc Chiến, Chiềng Ân, Chiềng Công... Nhờ đó, chủ trương được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, mở ra một cuộc “cách mạng xanh” tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện đầu tư hơn 28,8 tỷ đồng trồng mới trên 700 ha cây ăn quả; hỗ trợ 7,2 tỷ đồng để cải tạo vườn, mua bao bì, tem truy xuất nguồn gốc và phát triển sản phẩm OCOP. Toàn huyện hiện có 7.200 ha cây ăn quả các loại, tăng 4.850 ha so với năm 2015. Sản lượng đạt khoảng 33.000 tấn, tăng hơn 24.400 tấn so với năm 2015.

9

Gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX Đoàn Kết, xã Mường Bú, huyện Mường La (Ảnh: Báo Sơn La)

Mường Bú nổi tiếng là vựa cây ăn quả lớn nhất huyện, sở hữu 1.600 ha đa dạng các loại cây trồng, từ xoài, nhãn, mít, táo, bưởi, mận, cam, vải thiều đến chuối, mang lại sản lượng ấn tượng trên 11.500 tấn quả mỗi năm. Nông dân Mường Bú đã chủ động liên kết sản xuất, thành lập 9 hợp tác xã trồng cây ăn quả. Sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trên địa bàn xã có gần 300 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, trên 100 ha xoài, nhãn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Các hợp tác xã này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương và đảm bảo thu mua sản phẩm tươi cho các hộ nông dân trên địa bàn.

10

Mô hình trồng Xoài Đài Loan của nông dân bản Lâm, xã Chiềng San, huyện Mường La (Ảnh: Báo Sơn La)

Ông Nguyễn Đình Hướng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Hưng Thịnh, tiểu khu II, xã Mường Bú, cho biết: HTX  hiện có 20 thành viên, canh tác 81 ha cây ăn quả các loại, sản lượng khoảng 1.200 tấn mỗi năm, doanh thu đạt 28 tỷ đồng. Từ khi thành lập, HTX đã được địa phương hỗ trợ về cây giống, cải tạo vườn tạp, xây dựng thương hiệu và tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, sản phẩm táo đại của HTX đã đạt OCOP 3 sao. Các thành viên tuân thủ quy trình VietGAP, chuyển dần sang sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. HTX hiện tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

10 năm “xanh hóa” đất dốc đã đưa huyện Mường La chuyển mình mạnh mẽ, nâng cao đời sống cho bà con vùng cao, vùng sâu, vùng xa, xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Theo Báo Sơn La

comment Bình luận