Sự phục hồi toàn cầu bị đe dọa do bất bình đẳng trong phân phối vaccine

Số ca Covid-19 trên thế giới đang có xu hướng giảm, nhưng sự phân bố vaccine không đồng đều sẽ làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
05/02/2021 15:22

 

Dựa trên báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn cầu ghi nhận 3,7 triệu ca nhiễm nCoV mới trong tuần cuối tháng 1, giảm 13% so với tuần trước đó. Số ca tử vong trong tuần cũng giảm 1%. So với số ca mắc dự kiến ở mức 5,5 triệu mỗi tuần, đây là một tín hiệu đáng mừng, nhưng hơn 3 triệu người nhiễm nCoV vẫn là con số quá lớn, ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nhận xét. "Cơn mưa đã ngớt dần nhưng mặt trời vẫn chưa ló rạng", ông Ryan phát biểu trong một cuộc hỏi đáp tại trụ sở WHO ở Geneva.

Các chuyên gia y tế cảnh báo biến thể nCoV mới phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil có thể đổ thêm dầu vào lửa, làm trầm trọng thêm tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia. Biến thể mới khiến số ca nhiễm gia tăng và nhiều người phải nhập viện hoặc thiệt mạng hơn. Tuy nhiên, theo bà Maria Van Kerkhove, trưởng đơn vị về bệnh trên động vật và bệnh mới nổi của WHO, ngay cả ở những khu vực nơi biến thể virus nổi lên, số người mắc Covid-19 đã giảm.

Tại Anh, số ca nhiễm mới đã giảm 31% trong tuần cuối tháng 1. Nam Phi cũng ghi nhận mức giảm 44%. "Điều này có ý nghĩa quan trọng vì mọi người thường sợ hãi khi nghe tới biến thể hay virus, nhưng chúng ta sẽ không buông bỏ vũ khí lúc này", bà Kerkhove cho biết.

Sự xuất hiện của các biến thể nCoV không khiến giới khoa học bất ngờ, bởi virus có thể biến đổi khi lây lan. Điều họ lo ngại là các biến thể, đặc biệt là B.1.351 ở Nam Phi, có thể giảm hiệu quả của vaccine. Dù các công ty dược phẩm khẳng định vaccine Covid-19 của họ có thể chống lại những biến thể mới, các chuyên gia y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn virus lây lan và thay đổi, song song với triển khai vaccine.

vaccine

Một điểm tiêm phòng Covid-19 ở Sân vận động Gillette ở Foxborough, Massachusetts (Mỹ). Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, không phải nước nào cũng tiếp cận được với vaccine. Các quốc gia bắt đầu chương trình tiêm chủng đều thuộc nhóm có thu nhập cao hơn, theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. WHO kêu gọi các nước khác đăng ký Covax, một chương trình hướng tới cung cấp vaccine cho những nước nghèo, với kì vọng sẽ phân phối 2,3 tỷ liều cho đến cuối năm 2021.

Các nhà điều hành Covax thông báo rằng họ đã phân bổ ít nhất 330 triệu liều cho các nước nghèo hơn và hy vọng sẽ bắt đầu chuyển giao vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Những liều vaccine đầu tiên sẽ dành cho nhóm có nguy cơ cao nhất như nhân viên y tế.

Ông Ryan nhận định chương trình sẽ giúp các quốc gia mở lại nền kinh tế, đồng thời giảm gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được khi tất cả các nước đã có lượng vaccine tối thiểu. "Để quay trở lại cuộc sống bình thường, chúng ta cần một sân chơi công bằng. Ngay lúc này đây, sự phân phối vaccine không đồng đều là một điều bất công", ông Ryan cho hay.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer