Tái phân bổ nguồn lực điều trị COVID-19 tại bệnh viện và cộng đồng

Phần lớn những bệnh nhân COVID-19 có thể được hướng dẫn chữa trị một cách an toàn tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Điều này vừa giúp giảm tải số lượng người bệnh ùn ứ tại các bệnh viện, vừa giảm bớt áp lực cho đội ngũ y bác sỹ và nguồn lực điều trị COVID-19 sẽ tái phân bổ được cho nhiều bệnh viện và cộng đồng.
22/09/2021 19:35

Tại buổi tọa đàm trực tuyến: “COVID-19: Tái phân bổ nguồn lực trong điều trị tại bệnh viện và cộng đồng” do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp với Liên minh Sức khoẻ Toàn cầu thuộc Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) tổ chức, Đại sứ Anh tại Việt Nam - ông Gareth Ward nhận định, trong bối cảnh lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta, vaccine chỉ là một nửa của thách thức.

Bên cạnh đó, trong suốt 18 tháng kể từ khi bắt đầu đại dịch, NHS đã và đang tiếp tục đánh giá cũng như rút kinh nghiệm để thích ứng với những chuyển biến của đại dịch trên toàn cầu. Sự kiện này là một diễn đàn ý nghĩa nhằm trao đổi cởi mở, từ đó tối đa hoá hiệu quả của các bài học thực tiễn và kinh nghiệm từ Vương quốc Anh và Việt Nam. Sự kiện cũng thảo luận cách biến đại dịch COVID-19 thành cơ hội để thay đổi hệ thống y tế ở tất cả các cấp, từ tổ chức cán bộ y tế cho tới chuyển đổi số, và quan trọng là phân bổ nguồn lực y tế xuống cơ sở chăm sóc ban đầu.

Empty

Điều này mở ra tiềm năng để tăng cường khả năng chống chịu với đại dịch trong tương lai và cho phép các quốc gia hồi phục nhanh chóng hơn để ứng phó với những thách thức lâu dài về sức khỏe và hệ thống y tế. Một trong số đó là sự khó khăn của việc điều trị các bệnh không lây nhiễm gây ra bởi đại dịch.

"Trong khi đó, việc có một cách tiếp cận tăng cường và toàn diện nhằm tái cấu trúc công tác điều trị tại bệnh viện và tại nhà là rất quan trong với lộ trình mở cửa lại đất nước cũng như kế hoạch sống chung với COVID-19 của Việt Nam. Kinh nghiệm của Vương quốc Anh đã chứng minh rằng một chiến lược toàn diện sẽ giúp giảm được áp lực cho bệnh viện, bảo vệ hệ thống y tế và hỗ trợ phục hồi kinh tế," Đại sứ Gareth nhấn mạnh. 

Còn theo GS. Matt Inada-Kim, Giám đốc Quốc gia về Truyền nhiễm, Kháng kháng sinh & suy giảm chức năng của NHS, phần lớn những bệnh nhân COVID-19 có thể được chữa trị một cách an toàn tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Bệnh nhân có thể học cách tự theo dõi tại nhà những triệu chứng nào cần chú ý, khi nào thì nên lo lắng, và nếu họ được sử dụng máy đo oxy xung, thì ở những cấp độ nào cần có cách tiếp cận cho phù hợp.

“Điều này không phụ thuộc vào tiền bạc và nguồn lực mà phụ thuộc vào việc trao quyền cho bệnh nhân và dạy họ cách tự chăm sóc bản thân, giúp bảo toàn được khả năng tiếp nhận của hệ thống y tế và nguồn lực để tập trung vào những người đang trở nặng, trong khi vẫn có thể bảo vệ được bệnh nhân,” GS Matt Inada-Kim cho biết.

Nhấn mạnh về tình hình hiện nay, TS. Kevin Miles, Giám đốc Liên minh Sức khoẻ Toàn cầu của NHS khẳng định kinh nghiệm của Vương quốc Anh đã và đang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống y tế bền vững hơn, công bằng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và người dân. “Tầm quan trọng của việc hợp tác toàn cầu, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi để ứng phó với những thách thức này chưa bao giờ quan trọng đến thế,” TS Kevin chia sẻ.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Anh, NHS đã phải chịu nhiều áp lực bởi số lượng bệnh nhân nhập viện cao chưa từng có, đặc biệt trong làn sóng Covid-19 lần thứ nhất (Quý 1 năm 2020) và lần thứ hai (Quý 1 năm 2021). Tình trạng này khiến NHS phải nhìn nhận lại cách đánh giá, phân loại, và điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Một trong số những sáng kiến được đưa ra là COVID@Home (điều trị Covid tại nhà). Theo báo cáo đánh giá chương trình Oximetry@Home (sáng kiến cung cấp máy đo oxy xung để hỗ trợ theo dõi nồng độ oxy cho bệnh nhân Covid-19 từ xa), sáng kiến này giúp giảm một nửa số ca cấp cứu hồi sức tích cực và giảm 70% tỉ lệ tử vong trung bình trong 30 ngày.

DIEUTRITAINHA

Tại Việt Nam, việc điều trị và chăm sóc F0 tại nhà đã bước đầu được áp dụng tại TP HCM. Mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” do Trường Đại học Y Dược TP HCM đề xuất đã được chính quyền TP triển khai, bước đầu đã có những kết quả khả quan tại quận 10, quận 8… Đây là mô hình chăm sóc F0 tại nhà kết hợp giữa chăm sóc trực tuyến và đội cấp cứu ngoại viện. Việc triển khai mô hình tuân thủ hai nguyên tắc, đó là đưa F0 ra khỏi nhà khi có chuyển biến xấu và cấp cứu kịp thời; mỗi F0 được kết nối thường xuyên để thực hiện linh hoạt nhiều biện pháp tư vấn, chăm sóc toàn diện.

Một trong những ưu điểm nổi trội của mô hình này là có thể chăm sóc số lượng lớn F0 tại nhà và thực hiện cá thể hóa việc chăm sóc theo hình thức bác sỹ gia đình và phát hiện sớm, cấp cứu nhanh nhất trường hợp chuyển nặng. Bên cạnh đó mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” còn sàng lọc, chuyển bệnh đúng tầng điều trị, tránh chuyển sai tầng gây quá tải cho các cơ sở điều trị.Nhiều F0 tại nhà được tiếp cận nhanh với dịch vụ y tế hay các xe cấp cứu ngoại viện đều có chung sự phấn khởi, vững tin. Những người không triệu chứng được thăm hỏi, tư vấn qua điện thoại không còn lo âu, đối diện và vượt qua dịch bệnh.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer