Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong các trường đại học, cao đẳng đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay

Sáng ngày 20/12/2024, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng phối hợp với Trường Đại học Hải Phòng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: “Vai trò lãnh đạo của Đảng trong các trường Đại học, Cao đẳng đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế và văn hóa”.
21/12/2024 08:44

Tham dự Hội thảo có Ông Đào Văn Hoàn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng; Ông Lê Văn Bằng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương; Bà Phạm Thị Sen Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng; PGS. TS Vũ Thị Loan, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Thành phố Hải Phòng; PGS. TS Nguyễn Thị Hiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hải Phòng; PGS. TS Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng; đại diện lãnh đạo các học viện, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài thành phố Hải Phòng; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, khoa, trung tâm trong toàn trường; các nhà khoa học, giảng viên đến từ các học viện, trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

QUANGCANHHOITHAO

Quang cảnh Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Vai trò lãnh đạo của Đảng trong các trường Đại học, Cao đẳng đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế và văn hóa”.

Phát biểu đề dẫn và khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thị Hiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hải Phòng nhấn mạnh: Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội, ngay từ khi tiến hành đường lối đổi mới (1986), đặc biệt khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm đến đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay, để theo kịp tốc độ phát triển của cuộc cách mạng 4.0 và tiếp tục đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc quan tâm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề mang tính thời sự và cấp thiết.

NGUYENTHIHIEN

PGS.TS Nguyễn Thị Hiên, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hải Phòng phát biểu đề dẫn và khai mạc Hội thảo          

Do vậy, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược góp phần tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, tạo động lực đưa đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Thực hiện chủ trương của Đảng, thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học, cao đẳng ngày càng được quan tâm và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học, cao đẳng còn tồn tại không ít khó khăn hạn chế. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề mới, đòi hỏi cần phải làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế và văn hóa tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

Với mục đích làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong các trường đại học, cao đẳng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và văn hóa. Đồng thời tạo diễn đàn chuyên môn, học thuật nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học và các giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước trong điều kiện hiện nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng phối hợp với Trường Đại học Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Vai trò lãnh đạo của Đảng trong các trường Đại học, Cao đẳng đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế và văn hóa”. Việc nghiên cứu vấn đề này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay.

VUTHILOAN

PGS.TS Vũ Thị Loan - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến tại hội thảo

Tại Hội thảo các nhà khoa học, các giảng viên đang trực tiếp giảng dạy tập trung, trao đổi, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với phát triển kinh tế và văn hóa; vị trí, vai trò của các trường đại học trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay. Trong đó tập trung vào 5 nội dung lớn: Quan điểm của Đảng về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế và văn hóa; Thực trạng và kinh nghiệm về chủ trương chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng trong các trường đại học, cao đẳng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Ý nghĩa, giá trị lý luận và thực tiễn về vai trò lãnh đạo của Đảng trong các trường đại học, cao đẳng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay; Những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay…

Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay, các nhà khoa học đã thống nhất đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới:

Thứ nhất, Tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong các trường đại học, cao đẳng (đảng bộ và chi bộ). Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ Trường và nâng cao chất lượng đào tạo, Đảng bộ Nhà trường và Chi bộ các khoa chuyên môn cần xây dựng hoàn thiện những định hướng chiến lược về phát triển các ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương, đất nước và hội nhập quốc tế. Xây dựng và bổ sung các nghị quyết, quyết định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý và phát triển đào tạo, cũng như quan tâm đến việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện học tập, nghiên cứu, giảng dạy.

Đảng bộ Nhà trường và Chi bộ đơn vị phối hợp hoạch định chiến lược đào tạo rõ ràng, gắn liền với nhu cầu thực tế, cập nhật thông tin về nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Chi bộ các đơn vị chủ động tham mưu, đề xuất công tác giảng dạy chuyên môn, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng cao, kết hợp chặt chẽ lý thuyết với thực hành, trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức thực tập, tạo cơ hội cho sinh viên được làm việc thực tế…

DAOVANHOAN

Lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Thành ủy Hải Phòng phát biểu bế mạc Hội thảo

Thứ hai, Tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, liên kết đào tạo trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Thông qua các hình thức đào tạo liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, chương trình đào tạo sẽ thường xuyên được điều chỉnh, cập nhật mang tính ứng dụng thực tiễn hơn, cập nhật được nhiều cái mới, hiện đại hơn, thích ứng với trình độ công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và tính sáng tạo của sinh viên, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đối với các trường Đại học, quá trình đào tạo cần gắn chặt với nhu cầu xã hội thông qua các đơn “đặt hàng” của các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế xã hội, song cần phải bảo đảm sự cân đối giữa các ngành, nghề tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Để giải quyết triệt để tình trạng nêu trên, đòi hỏi tại các đơn vị đào tạo, mỗi trường, mỗi ngành và các đơn vị sử dụng lao động đề ra chỉ tiêu phù hợp trên cơ sở nhu cầu thực tế, nhưng cần phải tính đến nhu cầu trước mắt cũng như nhu cầu lâu dài, trong đó phải chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho tương lai như công nghệ Nano, công nghệ sinh học, Vi mạch bán dẫn, điện nguyên tử, hàng không vũ trụ,….

Thông qua hợp tác, liên kết giáo dục sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của người dạy, đồng thời nâng cao chất lượng của người học, từ đó đào tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình hợp tác, liên kết có thể thực hiện theo nhiều cách thức khác nhau: tổ chức các buổi hội thảo về chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiến hành trao đổi giảng viên, sinh viên giữa các trường trong và ngoài nước, cử giảng viên đi học tập nâng cao trình độ tại các trường danh tiếng, hợp tác đào tạo theo mô hình 2 + 2 với các trường đại học nước ngoài… Để thực hiện được điều này, đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế chính sách phù hợp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”

Thứ ba, Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên giỏi về chuyên môn và nhiệt huyết về lý tưởng. Đảng bộ Nhà trường và Chi bộ các khoa chuyên môn cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến chính sách đãi ngộ, tạo động lực để thu hút và giữ vững những người có năng lực, cũng như đơn giản hóa thủ tục hành chính, để những nhà khoa học, chuyên gia uy tín có thể thuận lợi về giảng dạy và nghiên cứu tại trường được nhiều hơn.

Đảng bộ Nhà trường cần lãnh đạo, duy trì, thực hiện đầy đủ chế độ sinh hoạt đảng tại các chi bộ, cũng như đa dạng hóa hình thức sinh hoạt, gắn nội dung sinh hoạt với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, công tác xây dựng Đảng và đoàn thể trong nhà trường, để xây dựng khối đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh việc phát huy vai trò nêu gương của đảng viên - giảng viên đối với sinh viên, quần chúng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu. Đảng viên - giảng viên cần xây dựng vị thế và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến sinh viên về tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm tương lai, để khơi dậy khát vọng mạnh mẽ của sinh viên về xây dựng quê hương, đất nước.

Thứ tư, Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo. Đảng bộ và Ban Giám hiệu nhà trường cần chỉ đạo các đơn vị cấp khoa thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo theo hướng gắn liền với đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của khoa học công nghệ, khuyến khích giảng viên áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, đa dạng hình thức, như học tập dựa trên dự án, học trực tuyến (E-learning), nhằm tăng tính linh hoạt và hiệu quả cho người học, chương trình đào tạo nên theo hướng ứng dụng thực tiễn, áp dụng và tích hợp các công nghệ mới như e-learning, LMS, AI, IoT, Big Data, trí tuệ nhân tạo AI vào giảng dạy các môn học. Theo đó, cũng cần đa dạng hóa hình thức đánh giá kết thúc học phần, không chỉ kiến thức lý thuyết mà còn cần đánh giá kỹ năng thực hành, thực tiễn, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo, cũng như tăng cường sử dụng các công cụ đánh giá trực tuyến, tự động, độc lập hóa quá trình đánh giá, để hạn chế sự cảm tính trong đánh giá và thông qua đó nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên.

Thứ năm, Tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ có thể đat được  khi cơ sở vật chất tại các trường đại học được đảm bảo. Hệ thống phòng học đi đôi với các thiết bị dạy học, thư viện, thư viện điện tử,  các phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu chuyên biệt và các cơ sở phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập của sinh viên và học viên phải đảm bào được nâng cấp theo các tiêu chuẩn đặt ra.

Từ những kiến nghị đề xuất nêu trên, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay không chỉ là nhiệm vụ của các đảng bộ, chi bộ trong nhà trường, mà còn là trách nhiệm trực tiếp của đội ngũ giảng viên đang trực tiếp giảng dạy trên lớp. Để thực hiện được điều đó, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, sự kết hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường, giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp, các đơn vị liên kết hợp tác trong và ngoài nước, trong đó vai trò của các nhà khoa học, các giảng viên đang trực tiếp giảng dạy góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng. Họ phải thường xuyên trau dồi kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị, không ngừng đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn nhằm tạo ra sản phẩm là những bài giảng có chất lượng, hiệu quả, có tính thực tiễn cao. Qua đó, góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực có tri thức, nhân cách, đủ đức, đủ tài đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, tạo động lực đưa nước ta bước vào “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” Việt Nam.

Vũ Văn Chương

comment Bình luận

largeer