Tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông về an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Ngày 3/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức tập huấn báo chí nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông về an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
05/12/2021 12:48

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin cơ bản cho các cơ quan báo chí Việt Nam về một số khuyến nghị đưa tin bài chất lượng cao về đại dịch COVID-19 và vaccine. Đây cũng là dịp để những người làm công tác tuyên truyền về báo chí thảo luận về các tiếp cận mới, các bài học kinh nghiệm, khuyến cáo của báo chí Việt Nam liên quan tới việc truyền thông về COVID-19, đặc biệt trong việc tiêm chủng vaccine.

Chủ trì hội thảo, Bà Joy Rivaca - Trưởng Nhóm truyền thông của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm chủng vaccine để phòng, chống COVID-19. Việc tiêm chủng các loại vaccine có tính an toàn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả phòng COVID-19, đóng vai trò quan trọng giúp chấm dứt giai đoạn lây nhiễm cấp tính của đại dịch. Với thực trạng virus SARS-CoV-2 đang lưu hành ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, cộng với công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 trên diện rộng đang triển khai, việc đưa tin tức kịp thời đảm bảo chất lượng trên các kênh truyền thông là vô cùng quan trọng.

Bà Joy Rivaca - Trưởng Nhóm truyền thông của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chù trì hội thảo

Bà Joy Rivaca - Trưởng Nhóm truyền thông của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chù trì hội thảo

Trong khi đó, hiện nay, những tác động của dịch COVID-19 lên sức khỏe tâm thần ở mọi lứa tuổi, mọi quốc gia ngày càng gia tăng. Trong hoàn cảnh mạng xã hội tràn ngập thông tin, việc công chúng được cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ, chính xác dựa trên cơ sở thực tế về dịch bệnh sẽ giúp giảm sự hoang mang và gánh nặng tinh thần với người dân. “Các nhà báo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin đến công chúng về các sự kiện, bằng chứng khoa học và những tiến bộ quan trọng có thể đem lại lợi ích không chỉ cho sức khỏe thể chất mà còn cho sức khỏe tinh thần của cộng đồng”, bà Joy Rivaca nhận định.

Theo báo cáo của WHO, đến nay đã có hơn 5,2 triệu người trên thế giới chết vì mắc COVID-19. Hiện hơn 7,4 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu. Thực tế chứng minh, lợi ích của tiêm chủng để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong vượt xa so với những rủi ro của việc tiêm vaccine. Những bài báo chất lượng đến từ nguồn tin tin cậy về các chủ đề nhạy cảm như là biến cố bất lợi xảy ra sau khi tiêm chủng (AEFI), thông tin về vaccine… là kênh thông tin vô cùng quan trọng đối với công chúng.

Do đó, khi đưa tin về những trường hợp này, bài báo cần giải thích rõ ràng về các tình huống có phản ứng sau tiêm chủng, tránh làm người đọc hoang mang, đặc biệt người viết báo không được “tô hồng” hay “bôi đen” vấn đề. Đồng thời, các bản tin về tiêm chủng cần giải thích rõ ràng, đơn giản các thuật ngữ khoa học, dù thuật ngữ được dùng thường xuyên để đảm bảo mọi người đọc hiểu rõ các thuật ngữ đó. Việc lựa chọn hình ảnh về dịch bệnh đưa lên tin cần đảm  hài hòa, không chọn ảnh thiên lệch, tập trung, nhấn mạnh vào đối tượng, vật thể gây hiểu lầm bởi hình ảnh là kênh cung cấp thông tin trực quan để người xem có thêm thông tin về dịch bệnh.

Trao đổi về những thách thức mới nổi trong truyền thông, các thành viên tham dự tập huấn đã đưa ra ý kiến về các vấn đề thông tin trên báo chí. Khẳng định báo chí chính thống đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại thông tin sai lệch, đội ngũ phóng viên, nhà báo trong mảng y tế cần lắng nghe, chủ động truyền thông theo cách tạo dựng lòng tin, loại bỏ "sự ồn ào" trong dư luận, phối hợp với các đối tác để có thông tin chính xác, đồng thời sáng tạo trong cách thể hiện, phân tích, phản ứng với các tin đồn, thông tin sai lệch, thông tin giả mạo. Các nhà báo tham dự tập huấn đã đóng góp những ý kiến để ngành Y tế và báo chí có thể phối hợp tốt hơn trong việc truyền thông cho nhân dân về dịch COVID-19.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer