Thách thức khi chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19

Các nước muốn chủ động sản xuất vaccine phải đảm bảo được các điều kiện khắt khe về cơ sở hạ tầng, vệ sinh và nguyên vật liệu.
27/05/2021 22:12

 Đầu tháng này, Tổng thống Joe Biden ủng hộ từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Trước đó, nhiều bên đã kêu gọi Mỹ ra quyết định này để cung cấp nhiều vaccine hơn cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong bối cảnh 80% liều vaccine toàn cầu được triển khai ở các nước giàu.

i1

Nhân viên làm việc trong nhà máy Pfizer tại Đức hồi tháng ba

Động thái của chính quyền Mỹ được nhiều người ca ngợi là "mốc lớn trong cuộc chiến chống COVID-19". Tuy nhiên, chỉ việc từ bỏ bằng sáng chế là không đủ để sản xuất thêm vaccine. Đây không phải là bước ngoặt trong đại dịch trừ khi các quốc gia giàu có tích cực hỗ trợ giải quyết các rào cản khác đối với sản xuất vaccine.

Các quốc gia muốn sản xuất vaccine COVID-19 đối mặt với nhiều trở ngại về hậu cần. "Phần lớn quốc gia trên thế giới thiếu khả năng sản xuất và phân phối vaccine, đặc biệt là ở quy mô cần thiết để kiểm soát đại dịch", Richard Marlink, giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Rutgers, nói. "Họ cần kinh phí, cơ sở sản xuất, nguyên liệu thô và nhân viên phòng thí nghiệm với chuyên môn công nghệ cần thiết".

Hồi tháng 4, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã kiểm tra nhà máy Emergent BioSolutions ở Baltimore và sau đó dừng hoạt động sản xuất ở cơ sở này vì phát hiện một loạt vấn đề.

Nhà máy không duy trì được tình trạng vệ sinh sạch sẽ, xử lý chất thải không phù hợp vì chất thải phát sinh được vận chuyển qua nhà kho trước khi xử lý, có thể gây ô nhiễm cho các khu vực khác. Nhân viên còn kéo những túi chất thải y tế chưa niêm phong từ khu vực sản xuất qua nhà kho.

Tường nhà máy bị bong tróc, sàn bị hư hỏng và bề mặt gồ ghề nên không thể được làm sạch và vệ sinh triệt để. Các nhân viên còn cởi bỏ quần áo bảo hộ ở nơi cất giữ nguyên liệu thô dành cho sản xuất.

Nhà máy được cho là đã làm hỏng khoảng 15 triệu liều Johnson & Johnson, và hơn 100 triệu liều đang bị giữ khi cơ quan quản lý kiểm tra xem chúng có nhiễm tạp chất hay không.

"Vaccine là sản phẩm sinh học phức tạp. Nó phức tạp hơn nhiều so với thuốc và cần được sản xuất trong các cơ sở có tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cao nhất", William Moss, giám đốc điều hành Trung tâm Tiếp cận Vaccine Quốc tế tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nói. "Tác dụng phụ liên quan đến một lô vaccine được sản xuất kém hoặc nhiễm tạp chất sẽ tác động nghiêm trọng đến lòng tin của công chúng vào vaccine".

Việc chuyển giao các kỹ năng và công nghệ sản xuất vaccine cho bên thứ ba không phải là điều đơn giản. Phát ngôn viên của Pfizer nói rằng vaccine Pfizer-BioNTech yêu cầu 280 thành phần có nguồn gốc từ 86 nhà cung cấp ở các quốc gia khác nhau. Việc sản xuất vaccine đòi hỏi thiết bị chuyên dụng cao và chuyển giao công nghệ phức tạp. "Chuỗi cung ứng hóa chất, vật tư và thiết bị sẽ rất cần thiết", Moss nói.

Những bên muốn sản xuất vaccine cần có thiết bị thích hợp để kiểm tra chất lượng và tính đồng nhất của quá trình sản xuất. WHO hiện có kế hoạch tạo điều kiện thành lập các trung tâm công nghệ để chuyển giao "một gói công nghệ toàn diện và cung cấp đào tạo phù hợp" cho các nhà sản xuất từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Ngoài ra, sản xuất vaccine chỉ là một bước trong quá trình tiêm chủng cho người dân toàn cầu, phân phối vaccine là một trở ngại khác. "Nhiều quốc gia trông đợi vào Covax, cơ chế hợp tác toàn cầu để phân phối vaccine COVID-19 công bằng hơn trên toàn thế giới", Marlink nói. "Nhà cung cấp lớn nhất duy nhất cho Covax là Ấn Độ, nhưng nước này đã đình chỉ xuất khẩu kể từ tháng ba vì khủng hoảng COVID-19 trong nước".

"Năng lực sản xuất là trở ngại chính hiện nay trong việc tăng nguồn cung vaccine COVID-19 toàn cầu, tiếp theo là khả năng tiếp cận hóa chất, vật tư và thiết bị", Moss nói. "Chính phủ Mỹ có thể hỗ trợ thông qua đầu tư xây dựng nhà máy và đào tạo nhân sự, đồng thời có thể tạo điều kiện để các nước tiếp cận nguồn vật tư thiết yếu bằng cách nới lỏng các hạn chế xuất khẩu".

Giới chuyên gia cho rằng chính phủ Mỹ nên khuyến khích và tài trợ việc chuyển giao công nghệ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, cũng như tạo điều kiện cung cấp thiết bị và nguyên liệu thô. "Ngoài việc tăng nguồn cung vaccine toàn cầu, cần phải đầu tư để hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình xây dựng năng lực", Moss nói.

Tăng cường quy mô sản xuất ở các nhà máy sẵn có và phân phối liều dư thừa chỉ là giải pháp tạm thời. Tháng trước, chính phủ Mỹ đã cam kết tài trợ 60 triệu liều Oxford-AstraZeneca. Tổng thống Joe Biden gần đây thông báo họ cũng sẽ chia sẻ 20 triệu liều vaccine COVID-19 trước cuối tháng 6.

"Tặng vaccine là không đủ với các nước nghèo có hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng khiêm tốn", Marlink nói. "Chính phủ Mỹ có thể và nên làm việc với chính phủ của các nước nghèo hơn để tạo ra các nỗ lực y tế công cộng song phương, giống như họ đã làm trong nỗ lực chống HIV/AIDS".

Nếu đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine được thông qua, nguồn cung vaccine toàn cầu có khả năng tăng lên đáng kể sớm nhất vào năm 2022. Tuy nhiên, chắc chắn còn nhiều việc phải làm để giải quyết tình trạng bất bình đẳng vaccine.

"Việc từ bỏ bằng sáng chế chỉ là một trong những điều cần làm", Marlink nói. "Các nước đang phát triển sẽ cần các phương pháp kỹ thuật, kỹ năng và vật liệu phù hợp, cùng các quy tắc nghiêm ngặt để sản xuất vaccine an toàn, đáng tin cậy, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất một cách hiệu quả".

(Theo vnexpress)

comment Bình luận

largeer