Thái Bình: Đoàn người bị mắc kẹt trên cầu Triều Dương khi trở về địa phương

Dù tỉnh Thái Bình đã có quy định không đón người về địa phương nhưng đoàn người từ Hà Nội vẫn trở về và mắc kẹt tại cầu Triều Dương.
30/08/2021 18:51

Ông Phạm Quang Hòa - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình cho biết: Ban chỉ đạo tỉnh này đã nắm được thông tin sự việc hàng chục người dân quê Thái Bình bị "mắc kẹt" lại trên cầu Triều Dương (nối tỉnh Thái Bình với tỉnh Hưng Yên) vì về từ Hà Nội - nơi đã đang thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Empty

Có cả người già và trẻ em

Cũng theo ông Hòa, không chỉ ở cầu Triều Dương, theo báo cáo từ cán bộ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh ở các cửa ngõ ra vào tỉnh Thái Bình báo về, hiện nay tại các chốt như cầu Tân Đệ, cầu La Tiến, cầu Thái Hà... đều xuất hiện tình trạng tương tự.

"Bây giờ giải quyết như thế nào với những người dân này thực sự là rất khó. Chính phủ, Bộ Y tế rồi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh đã có hàng loạt công văn, chỉ đạo yêu cầu "ai ở đâu ở đó" rồi; các cấp ngành, tổ chức xã hội cũng đã cố gắng hỗ trợ, cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu để người dân ở nơi giãn cách yên tâm ở lại nhưng người dân vẫn tìm cách đổ ra đường, vẫn cố tình về quê" - ông Hòa chia sẻ.

Trước đó, từ đêm qua 29.8 đến hôm nay 30.8, trên mạng xã hội Facebook tại Thái Bình xôn xao, bàn tán chia sẻ một số hình ảnh, clip ghi lại việc hàng chục người dân từ đàn ông đến phụ nữ, người già đến trẻ em trải chiếu, che bạt nằm, ngồi tại làn phía ngoài cùng dành cho xe thô sơ trên cầu Triều Dương hướng từ tỉnh Hưng Yên sang tỉnh Thái Bình vì "mắc kẹt".

Empty

Đáng chú ý, trong số những người dân này, có trường hợp ông V.V.Đ (47 tuổi, trú xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, Thái Bình) vì không thể qua chốt để về quê cũng như không thể quay lại Hà Nội đã phải ngủ lại 1 đêm trên cầu.

Đến sáng nay, ông Đ. lên cơn co giật từng cơn, có biểu hiện giống như trúng gió, mất ý thức tạm thời, đầu đập vào thành cầu gây xây xước.

Sau khi nắm thông tin, cán bộ chốt kiểm soát dịch bệnh Triều Dương đã tiến hành đưa ông Đ. vào Bệnh viện Đa khoa Hưng Nhân sơ cứu, test nhanh COVID-19, báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, đồng thời gọi xe cứu thương đưa ông Đ. về Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải để chuyển vào khu vực cách ly chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm nhằm kịp thời cấp cứu, chụp chiếu.

Vẫn theo ông Phạm Quang Hòa - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình, trước mắt quan điểm của địa phương là vẫn phải thực hiện nghiêm chỉ đạo, quy định không nhận người về từ vùng dịch, tỉnh cũng chưa có phương án nào tốt nhất để "giải cứu" những người đang "mắc kẹt".

"Người này về được thì những người khác sẽ lại tìm cách gây sức ép để được về, như vậy không những tăng nguy cơ dịch xâm nhập về tỉnh, tăng áp lực lên các khu cách ly, điều trị. Thế nên chúng ta phải cương quyết, nghiêm túc thực hiện, không còn cách nào khác" - ông Hòa nói.

Trung Du

comment Bình luận

largeer