Thanh Hóa: Đảm bảo vận hành tốt các thủy điện, chủ động phòng chống hạn hán

Để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022; các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tổ chức tưới luân phiên trên các cấp kênh trong từng hệ thống, đảm bảo nguồn điện, vận hành tốt các thủy điện …
23/03/2022 17:55

 Điều hành tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT: Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh có khả năng thiếu nước vụ Đông Xuân và đầu vụ Mùa năm 2022 từ 27.000-32.000/195.250 ha. Trong đó, diện tích có khả năng xảy ra hạn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng từ 13.900-16.410 ha, tập trung vào các khu vực (vùng tưới hồ, đập lớn từ 6.300-7.610 ha; vùng tưới bằng bơm điện từ 4.800 - 6.000 ha; vùng tưới bằng hồ, đập, công trình thủy lợi nhỏ miền núi và trung du khoảng 2.800 ha),

Để chủ động ứng phó với hạn hán và thiếu nước các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra các giải pháp cụ thể như: Theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn; kiểm tra, nắm chắc tình hình nguồn nước, khu tưới, đánh giá, cân đối khả năng cấp nước của từng công trình đầu mối. Có kế hoạch bố trí lịch thời vụ phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, vận hành, sử dụng nước tiết kiệm, chống lãng phí, trữ nước các ao, hồ, kênh mương, các trục kênh tiêu,...; tổ chức tưới luân phiên trên các cấp kênh trong từng hệ thống; công khai lịch tưới, phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau, nhất là vào thời kỳ căng thẳng về nguồn nước, cụ thể:

Đối với vùng tưới hồ, đập lớn: Điều hòa phân phối nước hợp lý, tiết kiệm trên cơ sở kế hoạch tưới được xây dựng chi tiết đến từng tiểu vùng đảm bảo lịch cấp nước cho hệ thống, tránh tình trạng tranh chấp nước trên hệ thống, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí. Chỉ đạo các nhà máy Thủy điện Cửa Đạt, Dốc Cáy vận hành phát điện đảm bảo nguồn nước cho các hệ thống Bái Thượng, kênh Bắc sông Chu-Nam sông Mã hoạt động phục vụ sản xuất; có biện pháp điều hòa, bổ sung nguồn nước giữa các công trình, các hệ thống công trình có liên quan như bổ sung nguồn nước tưới giữa hệ thống sông Mực và hệ thống Bái Thượng qua kênh N8, sử dụng trạm bơm tưới Trường Minh để tưới cho vùng đuôi kênh Nam hồ sông Mực, dành nước hồ sông Mực để cấp cho hồ Yên Mỹ và kênh Bắc,....

47

Điều hành tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau

Đối với vùng tưới bằng trạm bơm điện: Căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn và kinh nghiệm trong quản lý tưới, làm tốt công tác dự báo, dự đoán tình hình, có phương án vận hành đối với các trạm bơm khó khăn về nguồn nước. Đồng thời tăng cường bơm nước vào giờ thấp điểm, tranh thủ bơm nước trữ vào đồng để tránh tình trạng gây hạn giả tạo vào thời kỳ đổ ải tập trung và thời kỳ khô hạn cuối tháng 3, đầu tháng 4, kéo dài cho đến đầu vụ Mùa năm 2022.

Đóng, mở cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn; xác định chính xác độ mặn để có kế hoạch lấy nước tưới phù hợp và biện pháp xử lý nhiễm mặn kịp thời.

Ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngay từ đầu năm 2022, Sở đã tham mưu cụ thể các phương án ứng phó khẩn cấp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để UBND tỉnh ban hành kế hoạch. Theo đó, phương châm là điều hành tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau. Bên cạnh đó, đảm bảo nguồn điện, vận hành tốt các thủy điện; chủ động lắp đặt máy bơm dầu, dã chiến để bơm nước phục vụ công tác chống hạn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân hiểu tác động của biến đổi khí hậu đến tình trạng hạn hán.

Đảm bảo nguồn điện, vận hành tốt các thủy điện

Bên cạnh đó cũng đảm bảo nguồn điện cho các trạm bơm chịu ảnh hưởng của thủy triều, xâm nhập mặn vận hành, nhất là các trạm bơm Cống Phủ, Châu Lộc, Đại Lộc và hệ thống cấp nước Đông kênh De bơm nước tiếp nguồn, đồng thời tận dụng tối đa thời gian, tranh thủ bơm nước trữ vào kênh tiêu và ruộng để đảm bảo đủ nước tưới, chống hạn.

 

46

Nạo vét khơi thông dòng chảy đảm bảo tưới tiêu

Nắm bắt kịp thời lịch vận hành phát điện của các nhà máy Thủy điện để chủ động vận hành các trạm bơm trên dòng chính sông Mã đảm bảo lấy, trữ nước phục vụ tưới và chống hạn.

Tiếp tục triển khai thực hiện công tác nạo vét kênh dẫn, cửa lấy nước để trữ nước phục vụ công tác tưới và chống hạn; chủ động thời điểm đắp đập tạm trên kênh tiêu, sông nội địa để lấy và dâng nước cho các trạm bơm hoạt động.

Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị của các trạm bơm điện, nhất là các trạm bơm dự kiến được tưới thay thế bằng hệ thống kênh Bắc sông Chu-Nam sông Mã để sẵn sàng phục vụ chống hạn.

Khi mực nước xuống thấp hơn mực nước kiệt thiết kế của các trạm bơm điện, căn cứ tình hình thực tế cần đào sâu bể hút và nối ống hút sẵn sàng phục vụ tưới, có kế hoạch lắp đặt bổ sung máy bơm dã chiến để bơm chuyền, bơm tiếp nguồn. Đối với các trạm bơm không còn khả năng bơm, cần lắp đặt máy bơm có cột nước cao thay thế các máy bơm cũ để kịp thời bơm nước chống hạn.

Chủ động lắp đặt máy bơm dầu, dã chiến để bơm nước phục vụ công tác chống hạn, khi mực nước trong hồ, đập nhỏ miền núi và trung du xuống thấp hơn mực nước chết.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiểu tác động của biến đổi khí hậu đến tình trạng hạn hán, thiếu nước và tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm, tính tất yếu của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời phổ biến các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học nhằm tiết kiệm nước.

Vận động người dân tích cực tham gia làm thủy lợi mùa khô, phát dọn kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có.

Khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát, thiếu nước khu vực cuối kênh.

Theo TNVMT

comment Bình luận

largeer