Thanh Hóa: Phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế tại Phòng khám đa khoa Việt Pháp III

Qua thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa đã chỉ ra nhiều hạn chế tại Phòng khám đa khoa Việt Pháp III.
30/09/2024 09:21
Phòng khám Đa khoa Việt Pháp III tại thôn Hữu Lộc, phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa

Phòng khám Đa khoa Việt Pháp III tại thôn Hữu Lộc, phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa

Phát hiện nhiều hạn chế

Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa vừa ban hành kết luận số 105/KL-TTr về việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đối với Phòng khám Đa khoa Việt Pháp III, địa chỉ tại khu dân cư thôn Hữu Lộc, phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Kết luận thanh tra nêu rõ, Phòng khám Đa khoa Việt Pháp III có hồ sơ pháp lý đầy đủ như: Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hợp đồng xử lý rác thải y tế; Giấy phép an toàn bức xạ; hồ sơ phòng cháy, chữa cháy. Phòng khám cũng bố trí các bàn khám, bộ phận phù hợp với phạm vi chuyên môn; các thiết bị y tế có hợp đồng mua bán, có đầy đủ giấy chứng nhận; nhân sự làm chuyên môn đều có chứng chỉ hành nghề.

Bên cạnh những ưu điểm, qua thanh tra cũng phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế tại cơ sở này. Cụ thể, trên một số bảng kê thanh toán chi phí khám chữa bệnh, bác sĩ ký chưa phù hợp với phạm vi chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề.

Có 850 trường hợp bệnh nhân dưới 16 tuổi do bác sĩ có chứng chỉ hành nghề không có phạm vi chuyên môn chuyên khoa nhi thực hiện khám hoặc áp mã thanh toán tiền khám không đúng chuyên khoa, với tổng số tiền khám bệnh là 23.175.380 đồng. Trên sổ thủ thuật soi cổ tử cung, quý 2/2023 có 54 lượt ghi người thực hiện điều dưỡng.

Hồ sơ bệnh án ngoại trú và các giấy tờ có liên quan ghi tên cơ quan chủ quản là Sở Y tế Thanh Hóa không đúng quy định về công tác văn thư. Áp không đúng chuyên khoa như: Chẩn đoán thuộc bệnh lý chuyên khoa sản nhưng áp thanh toán khám ngoại, khám nội; cChẩn đoán bệnh lý thuộc chuyên khoa tai mũi họng nhưng áp thanh toán khám nội; Chẩn đoán bệnh thuộc bệnh lý chuyên khoa ngoại nhưng áp thanh toán khám nội...

Tính tiền khám nhiều chuyên khoa trong một lần khám chưa phù hợp với mã chẩn đoán bệnh: Thanh toán tiền khám 2 chuyên khoa nhưng có bệnh lý của 1 chuyên khoa; Thanh toán tiền khám 3 chuyên khoa nhưng chỉ có bệnh lý 2 chuyên khoa.

Chỉ định CĐHA và TDCN chưa phù hợp với mã chẩn đoán bệnh: Chỉ định điện tim mã chẩn đoán không có bệnh lý tim mạch; Chỉ định chụp X- Quang ngực thẳng mã chẩn đoán không có bệnh lý liên quan; Chỉ định chụp X- Quang xương cẳng chân mã chẩn đoán không có bệnh lý liên quan đến xương,...

Một số trường hợp chỉ định xét nghiệm sinh hoá máu: Glucose, Acid Uric, Creatinin, Urê, Triglycerid, Cholesterol toàn phần, đo hoạt độ ALT (GPT), AST (GOT) chưa phù hợp với mã chẩn đoán bệnh.

Một số trường hợp chỉ định thuốc không đúng tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Thông tư 52/2017/TT-BYT; thuốc không đúng hạng sử dụng quy định tại thông tư 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế. Kê đơn thuốc điện tử chưa đúng quy định của Bộ Y tế về quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.

Chưa mở sổ theo dõi nhập, xuất, tồn hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán, phim XQ. Phần mềm chưa theo dõi số lô sản xuất và hạn sử dụng của thuốc; số lượng tồn một số thuốc, vật tư y tế tồn kho thực tế và trên hệ thống phần mềm quản lý không khớp nhau. Kết quả xét nghiệm chưa liên thông trực tiếp từ thiết bị y tế vào hệ thống phần mềm KCB BHYT của cơ sở.

Chỉ rõ trách nhiệm

Sai sót trong thanh toán chi phí KCB BHYT như thanh toán khám bệnh nhiều chuyên khoa, chưa phù hợp giữa mã chẩn đoán, mã người hành nghề thực hiện và chỉ định cận lâm sàng, dẫn đến bị từ chối thanh toán chi phí KCB BHYT qua các kỳ giám định. Trách nhiệm của phụ trách chuyên môn, các bác sỹ tham gia khám bệnh tại các bộ phận của phòng khám.

Trùng liên viện do không khai thác kỹ lịch sử bệnh nhân, dẫn đến không phát hiện được các trường hợp bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khác, đồng thời do dữ liệu KCB BHYT của cơ sở KCB khác chưa được đẩy lên cổng tiếp nhận dữ liệu thông tin giám định BHYT dẫn đến trùng liên viện. Trách nhiệm thuộc về phòng khám, cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh có thẻ BHYT.

Chưa thực hiện tốt quản lý thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán, sai sót trong sử dụng thuốc dẫn đến xuất toán tiền thuốc. Trách nhiệm thuộc về các bác sĩ, phụ trách bộ phận dược của phòng khám.

Qua đó, thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa kiến nghị lãnh đạo Sở này chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường tập huấn, hướng dẫn và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường giải pháp quản lý, kết nối công nghệ thông tin cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trích chuyền dữ liệu điện tử đầu ra kịp thời để tăng cường quản lý, phòng ngừa vi phạm.

Yêu cầu Phòng khám đa khoa Việt Pháp III nghiêm túc khắc phục những tồn tại đã nêu trong kết luận thanh tra. Thực hiện đúng các quy chế chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện tốt công tác quản lý thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm; chỉ định kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng và sử dụng thuốc phù hợp, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi người bệnh có thẻ BHYT và an toàn quỹ BHYT.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer