Thanh Hóa tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm

UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm (ATTP).
19/01/2023 17:56

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở giết mổ tập trung được chứng nhận đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, có 1.422 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó chỉ có 72% số cơ sở giết mổ trên địa bàn có bố trí được nhân viên thú y cơ sở và được thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Chỉ trong tháng 1/2023 đoàn kiểm tra chuyên ngành tổ chức thực hiện kiểm tra tại 20 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh, đã có 7 cơ sở vi phạm quy định trong hoạt động giết mổ. Các vi phạm chủ yếu là trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y trong quá trình giết mổ động vật; không lập sổ sách, ghi chép, lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc động vật; người trực tiếp tham gia giết mổ động vật không đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế và vệ sinh thú y trong quá trình thực hiện...

Đổ tổ chức triển khai hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/1/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 283 /KH-UBND ngày 13/12/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023; các văn bản hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và PTNT, ngành Y tế, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhà nước, pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quyết định phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn, bảo đảm có kiểm soát thú y, không để lây lan dịch bệnh, bảo đảm môi trường và an toàn thực phẩm. Trực tiếp chỉ đạo, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở, dây chuyền giết mổ động vật theo hướng hiện đại; có chính sách nâng cấp các cơ sở giết mổ được sắp xếp trong mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Xây dựng lộ trình các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát của chính quyền địa phương và của cơ quan thú y và có giải pháp quyết liệt để quản lý, kiểm tra việc thực hiện; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Hằng năm, xây dựng và triển khai các chương trình giám sát, kế hoạch thanh, kiểm tra các cơ sở giết mổ đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý KSGM và quy trình KSGM của nhân viên thú y được giao nhiệm vụ tại cơ sở giết mổ.

Tổ chức đánh giá điều kiện vệ sinh thú y, ATTP đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thực hiện di dời, đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP vào các cơ sở giết mổ tập trung, các mô hình giết mổ ATTP đã được cấp có thảm quyền kiểm tra đánh giá, thẩm định. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không thuộc diện phải di dời, xóa bỏ, yêu cầu nâng cấp cải tạo đáp ứng các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại khoản 2, Điều 69, Luật Thú y năm 2015.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố trong việc xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật có kiểm soát thú y, không để lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe động vật, ATTP và bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, ATTP đối với cơ sở giết mổ động vật; giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP; xử lý theo thẩm quyền hoặc xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, nhân viên thú ý thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đối với cơ sở giết mổ động vật; cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý KSGM động vật, sản phẩm động vật; xây dựng và sớm đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm trực tuyến để quản lý cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan tổ chức kết nối các tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm; phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố cải tạo chợ theo quy hoạch, chợ tạm; tổ chức đánh giá và công nhận chợ tạm theo quy định.

Sở Y tế chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nhiễm, nghỉ nhiễm các loại bệnh lây từ động vật sang người, bệnh truyền qua thực phẩm có nguồn gốc động vật, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.

Công an tỉnh tăng cường công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng về KSGM động vật làm lây lan dịch bệnh, gây mất ATTP.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, thông tin, tuyên truyền cho người dân việc kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn địch bệnh, ATTP.

Sở Tài chính tham mưu bố trí kinh phí cho các sở, ngành để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm ATTP thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở giết mổ, chợ các hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định và xây dựng các công trình xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường; phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và các chợ kinh doanh gia súc, gia cầm theo quy định.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

Các sở, ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 9/2/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện, quản lý có hiệu quả các cơ sở giết mổ động vật nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn môi trường, ATTP và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức, đoàn thể tăng cường phối hợp với chính quyền các cẤp vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tự giác tuân thủ, thực hiện tốt trong công tác quản lý thú y, ATTP đối với cơ sở giết mổ động vật.

Theo Báo Thanh Hóa

comment Bình luận

largeer