Thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 346.6 triệu ca mắc COVID-19

Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác trong khu vực ASEAN, số ca mắc mới vẫn liên tục tăng cao.
22/01/2022 10:11
75

Ảnh minh họa

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8h sáng 22/1 (giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 346.671.476 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.603.718 ca tử vong. Số ca hồi phục là  276.530.360 ca.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới với 71.298.284 ca mắc và 887.513 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 38.901.485 ca mắc và 488.911 ca tử vong; Brazil với 23.757.741 ca mắc và 622.647 ca tử vong...

Tính đến hết ngày 21/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 60.751 ca mắc mới COVID-19 và 359 ca tử vong.

Tổng số ca mắc COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á đã vượt 16.022.729 trường hợp và 311.569 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước.

Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và nhất là số ca mắc mới tăng vọt trong khu vực.

Ngày 21/1, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) thông báo biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện là biến thể chiếm ưu thế lây lan trong Liên minh châu Âu và Khu vực Kinh tế Châu Âu (EAA).

Trong bản cập nhật hàng tuần về các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm, ECDC, có trụ sở tại Stockholm, nêu rõ: "Danh mục lây truyền đối với Omicron ở EU / EEA đã thay đổi từ cộng đồng thành chiếm ưu thế." EEA bao gồm Iceland, Liechtenstein và Na Uy.

ECDC cho biết Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, hiện "chiếm ưu thế ở phần lớn các nước EU / EEA," với "tỷ lệ phổ biến chung là 78%". Theo dữ liệu của AFP, COVID-19 hiện đang lây lan mạnh trên khắp châu Âu, với số ca mắc bệnh tăng 9% trong khu vực trong tuần qua.

Tại Bỉ, Ủy ban tham vấn về COVID-1) (CODECO) của nước này đã thông qua việc áp dụng phong vũ biểu kể từ ngày 28/1 và có hiệu lực đến hết ngày 30/6. Đây là chủ đề gây nhiều tranh cãi tại Bỉ trong thời gian qua.

Phong vũ biểu quy định phân màu các vùng dịch thành 3 màu vàng, cam và đỏ để giúp người dân hiểu rõ mức độ dịch tại từng vùng cũng như làm căn cứ để giới chức đưa ra những quyết định phòng dịch phù hợp.

Cụ thể, màu vàng tương đương với hạn chế ở mức thấp; màu cam yêu cầu tuân thủ các quy định kèm theo các hạn chế; trong khi màu đỏ là hạn chế chặt chẽ. 

Hiện tình hình dịch bệnh ở Bỉ đang ở mức cao với số ca mắc mới tăng nhanh từng ngày. Trong 24 giờ qua nước ngày ghi nhận 67.448 ca mắc mới, tăng mạnh so với mức 53.852 ca của một ngày hay 37.435 ca của hai ngày trước đó. 

Tuy nhiên, dịch bệnh lây lan mạnh cũng không ngăn giới chức Bỉ quyết định nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Cụ thể, Bỉ cho phép mở lại các sự kiện văn hóa và thể thao cả trong nhà và ngoài trời với số lượng khán giả tối đa 200 người và những người tham gia phải có giấy chứng nhận an toàn với COVID-19.

Các nhà hàng ăn uống được mở cửa muộn hơn đến nửa đêm, thay vì 23h như hiện nay. Các hoạt động hội nhóm như phong trào thanh niên và tập luyện thể thao không chuyên cũng được phép tổ chức với không quá 80 người tham gia ở không gian kín và 200 người ở không gian mở. Các hoạt động trại thanh thiếu niên được cho nghỉ lại qua đêm.

Ngoài ra, nhiều không gian công cộng khác cũng được mở trở lại cho công chúng như công viên giải trí, sân chơi trong nhà, vườn thú, bể bơi, sân chơi bowling, phòng chơi bida, sòng bạc... 

Bên cạnh nới lỏng các quy định trên, CODECO cũng quyết định thay đổi các quy tắc liên quan đến chứng nhận an toàn với COVID-19 (CST).

Cụ thể, thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận tiêm chủng sẽ giảm từ 270 ngày xuống 150 ngày kể từ ngày 1/3, nhưng liều tăng cường sẽ không bị giới hạn về thời gian hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ ai đã tiêm một liều vaccine của Janssen hoặc 2 liều vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca trước ngày 1/10/2021 sẽ phải tiêm liều tăng cường trước ngày 1/3 tới.

Hiện có 52% dân số Bỉ (khoảng 6 triệu người) được tiêm liều tăng cường, góp phần giảm mạnh số ca bệnh nặng, dù Bỉ hiện vẫn chưa qua đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron hiện nay.

Tại Ireland, một thành viên nội các nước này cho biết kể từ 22/1, Ireland sẽ bãi bỏ gần như tất cả các hạn chế COVID-19, bao gồm các hạn chế số người dự tiệc, giới hạn về các sự kiện thể thao và yêu cầu về bằng chứng tiêm chủng tại các địa điểm trong nhà.

Trong  video đăng trên mạng xã hội Instagram sau cuộc họp chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Ireland Helen McEntee cho biết chính phủ sẽ giữ nguyên quy định người dân phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cửa hàng cho đến cuối tháng 2 năm nay và một số biện pháp trong trường học

Tại Mexico, bất chấp việc chính phủ liên tục hạ thấp mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron, các số liệu chính thức cho thấy số ca nhập viện vì COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này đã tăng gấp 3 chỉ trong gần 1 tháng.

Theo thống kê của hệ thống thông tin Red IRAG của Bộ Y tế Mexico, từ ngày 25/12/2021 đến 19/1/2022, số ca nhập viện vì COVID-19 theo ngày đã tăng từ 1.961 người lên 6.306 người. Đáng chú ý là so với các làn sóng lây nhiễm trước đây, tốc độ gia tăng số ca nhập viện đã có sự thay đổi. Số ca nhiễm tăng lên nhanh chóng, nhưng đến nay vẫn chưa thể ước lượng bao giờ đợt dịch này sẽ đạt đỉnh, số ca nhiễm cao nhất và mức độ nghiêm trọng của dịch.

Nhiều chuyên gia cho rằng số ca nhiễm, nhập viện và tử vong không tăng đồng thời, mà sẽ có khoảng trễ từ 7-14 ngày kể từ khi một người có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính phải nhập viện, trong khi các ca tử vong có thể xảy ra trong giai đoạn này, hoặc người nhiễm COVID-19 thể nặng phải mất tới 1 tháng điều trị đặc biệt.

Trong khi đó, Ai Cập ngày 21/1 thông báo triển khai các quy định thắt chặt mới tại sân bay, hải cảng và cửa khẩu trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 hàng ngày tăng mạnh.

Quyền Bộ trưởng Y tế Ai Cập Khaled Abdel-Ghaffar cho biết, kể từ ngày 22/1, công dân Ai Cập hồi hương và khách du lịch nước ngoài tới nước này, ngoại trừ trẻ em dưới 12 tuổi, sẽ cần có chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Giấy chứng nhận tiêm chủng phải chứng minh rằng khách du lịch đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 loại một liều hoặc liều cuối của vaccine 2 mũi ít nhất 14 ngày trước khi đến Ai Cập. Trong khi đó, các xét nghiệm COVID-19 cần phải được thực hiện trong vòng 72 giờ trước trước khi nhập cảnh vào Ai Cập. 

Người đứng đầu Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế Ai Cập, ông Amr Qandil cho biết những du khách có các xét nghiệm COVID-19 hoặc giấy chứng nhận tiêm vaccine không phù hợp tiêu chuẩn đã được quy định sẽ phải thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Trong trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, du khách sẽ phải tự cách ly tại khách sạn hoặc nơi cư trú trong vòng 5 ngày. Đến ngày thứ 6, họ sẽ tiến hành xét nghiệm PCR và sẽ được phép kết thúc cách ly nếu có kết quả âm tính và không có các triệu chứng nhiễm bệnh. Nếu vẫn tiếp tục xét nghiệm dương tính, du khách sẽ phải cách ly thêm 5 ngày và kết thúc cách ly trong ngày thứ 6.

Ai Cập đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng dần những tuần gần đây, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này phải đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 4 kể từ tháng 8/2021. Theo số liệu thống kê mới nhất, Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng hơn 405.390 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 22.260 ca tử vong.

Theo Vietnam+

comment Bình luận

largeer