Thế giới đã nỗ lực gấp trăm lần để tìm cách kiểm soát COVID-19

Thế giới đã nỗ lực gấp trăm lần để tìm cách kiểm soát COVID-19. Nhờ đó, hàng tỷ USD chi ra với mục đích loại bỏ đại dịch đã có tác động không ngờ tới toàn bộ nền y học và khoa học.
14/03/2022 11:25

Khi Tom Pooley (21 tuổi) trở thành người đầu tiên nhận loại vaccine thử nghiệm chống lại bệnh dịch hạch vào mùa hè năm ngoái, anh được truyền cảm hứng bởi suy nghĩ mình góp công loại bỏ “kẻ giết người” tàn bạo trong lịch sử nhân loại.

“Họ bảo tôi là người đầu tiên”, anh Pooley nói. “Họ làm an toàn nhất có thể. Sẽ có rủi ro, nhưng họ đều là những người tài giỏi, nên tôi thấy vinh dự khi là người đầu tiên”.

Mũi tiêm dựa trên công nghệ Chadox được phát triển bởi Oxford Vaccine Group và AstraZeneca, chỉ mất chưa đầy 5 giây để đưa vào cơ thể. Đêm hôm đó, anh cảm thấy không khỏe, nhưng vẫn ổn trong vòng ba tiếng đồng hồ.

Đây chỉ là một ví dụ về việc giới khoa học xem xét dùng phương pháp điều trị COVID-19 cho các bệnh khác. Thử nghiệm dự kiến phát triển các loại thuốc tương tự chống bệnh sốt xuất huyết hay Zika. Nghiên cứu về loại vaccine chống Ebola đang được thử nghiệm trên người.

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra nỗ lực toàn cầu chưa từng có. Hàng tỷ USD cả tiền công lẫn tiền tư bơm vào hàng loạt nghiên cứu trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục.

Những phát triển vượt bậc trong suốt 2 năm qua không thể có nếu như COVID-19 không xuất hiện - đóng vai trò như chất xúc tác khổng lồ mở ra công nghệ, dữ liệu và nghiên cứu khác nhau, cung cấp hiểu biết sâu sắc về các loại bệnh khác.

Những bài học - và những chuẩn mực mới - sẽ thay đổi nền y khoa học mãi mãi. Thế giới hiện đứng trước một số đột phá tiềm năng đáng kể, chủ yếu nhờ vào nghiên cứu về vaccine công nghệ cao, mang lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư và toàn bộ bệnh truyền nhiễm.

Trong khi đó, các nghiên cứu mới về di chứng hậu COVID-19 giúp giới khoa học hiểu hơn về quá trình đông máu hay hội chứng mệt mỏi mạn tính. Số hóa và tăng cường hợp tác xuyên biên giới có thể sớm gặt hái được thành công.

Kích thích áp dụng lý thuyết vào thực tiễn

“COVID-19 kích thích chuyển dịch lý thuyết đi vào thực tiễn”, Deenan Pillay - thành viên của Nhóm Cố vấn Khoa học Độc lập cho các Trường hợp Khẩn cấp - cho biết. “Phát triển khoa học cần nhiều năm và cần cơ hội để thực hiện. COVID-19 cung cấp môi trường quản lý dễ dàng hơn, các thử nghiệm được theo dõi nhanh chóng, như phát triển vaccine chẳng hạn”.

Ông cho biết thêm trước COVID-19, phải mất khoảng một thập niên để một loại vaccine hoặc thuốc điều trị trải qua giai đoạn phát triển và quản lý. Giờ đây, vaccine được tung ra thị trường trong vòng 12 tháng kể từ khi có phát hiện đầu tiên về COVID-19.

Chỉ 5 năm trước, nhiều người còn do dự đầu tư vào các loại thuốc thử nghiệm sử dụng phân tử tổng hợp hướng dẫn tế bào của con người tạo ra protein cụ thể chống lại bệnh tật.

Không có sản phẩm nào dựa trên công nghệ mRNA từng được phê duyệt, nhưng trong vòng hai năm, sự phát triển nhanh chóng và thành công của Pfizer/BioNTech và Moderna đã thay đổi cuộc chơi.

teim

Vaccine COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA đã mở ra một cánh cửa mới trong nghiên cứu phát triển vaccine

“Đây quả là lợi ích không lường trước được của đại dịch, bởi công nghệ mRNA đã được nghiên cứu trong ít nhất 10 năm”, Richard Bucala - trưởng khoa y học Yale về bệnh thấp khớp - cho biết.

Ông nói thêm rằng việc phát triển vaccine gặp nhiều rủi ro nên không ai thực sự muốn tham gia nghiên cứu và phát triển: “Sẽ không thể nào biết được đó là sản phẩm thất bại, trừ khi đã bỏ hàng chục triệu USD thử nghiệm. Nhưng sự thành công của mRNA đã thay đổi cái nhìn đó”.

Cơ quan quản lý và công chúng chấp thuận với công nghệ mới đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư. Điều này có thể mở ra khả năng tiếp tục phê duyệt những loại vaccine thử nghiệm mới.

Hiện có loại vaccine sốt rét được nhiều người để mắt tới. Sốt rét là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm toàn cầu vào năm ngoái với hơn 600.000 người, thường là trẻ nhỏ, qua đời.

Nhóm của ông Bucala, hợp tác với công ty dược phẩm Novartis, thành công trong việc phát triển RNA "tự khuếch đại" (còn được gọi là saRNA).

Công nghệ này bắt nguồn từ một loại vaccine sốt rét RNA thành công trên chuột phát triển tại Yale và đang trong quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng. Vaccine này có thể thử nghiệm lần đầu tiên trên người trong vòng hai năm.

Thậm chí, công nghệ này áp dụng để chữa trị một loại bệnh khác sớm hơn. Đầu tháng 2, Moderna bắt đầu thử nghiệm vaccine HIV dựa trên công nghệ mRNA tương tự như vaccine COVID-19. Nếu thành công, một mũi tiêm có thể bảo vệ cơ thể suốt đời.

Hiện công nghệ này cũng được nghiên cứu để xem liệu có thể kiểm soát phần lớn các bệnh kháng liệu pháp điều trị, như dại, Zika và ung thư ruột kết, da, vú và các bộ phận khác của cơ thể.

Kết nối giới khoa học toàn cầu

Trong khi đó, giới nghiên cứu tập trung nhiều hơn vào việc làm thế nào để giải quyết tình trạng béo phì khi căn bệnh này là yếu tố hàng đầu khiến người mắc COVID-19 nhập viện. 78% người Mỹ nhập viện từ tháng 3-12/2020 bị thừa cân.

Vào tháng 6, loại thuốc điều trị béo phì đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận kể từ năm 2014 được tung ra thị trường.

Semaglutide, còn được gọi là Wegovy, hiệu quả gấp đôi so với các loại thuốc trước đây, sau khi nghiên cứu trên gần 2.000 bệnh nhân thấy những người tham gia giảm trung bình 15% trọng lượng cơ thể.

Phiên bản tổng hợp loại hormone làm giảm cảm giác thèm ăn sử dụng với liều lượng thấp hơn nhiều để điều trị bệnh tiểu đường loại 2.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy giảm cân giảm mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19, cơ quan quản lý đã chuyển hướng.

COVID-19 cũng làm sáng tỏ những lợi ích tiềm năng của vitamin D. Ở Na Uy, Phần Lan và Iceland, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp hơn so với các quốc gia Bắc bán cầu ít tập trung vào chất từ ánh nắng Mặt Trời.

Giữa cuộc đua tìm kiếm yếu tố khiến một số người dễ mắc COVID-19 hơn những người khác, từ việc tập trung vào vitamin D, một bài báo xuất bản trên Lancet đã tìm ra vấn đề gốc rễ sự phát triển của nhiều bệnh. Có một số cơ chế tiềm năng mà vitamin D có thể bảo vệ trước bệnh ung thư và tỷ lệ tử vong do tim mạch.

Xét nghiệm tại nhà đạt tiến bộ đáng kể, bởi điều này cho phép mọi người tự chẩn đoán hiệu quả, từ đó hạn chế tiếp xúc với người khác, giúp đánh giá lâm sàng một cách nhanh chóng. “COVID-19 đã đưa ra tầm nhìn về cách tốt nhất để áp dụng khoa học vào vấn đề sức khỏe trong tương lai”, ông Pillay nói.

Thăm khám sức khỏe kỹ thuật số cũng nhận sự quan tâm hàng đầu. “Mọi người ngày càng quen với việc nhận tư vấn lâm sàng từ xa, thông qua tư vấn ảo, trong khi thông tin khác thu thập trên ứng dụng của các chuyên gia y tế”, ông nói thêm.

Các nghiên cứu chuyên sâu về di chứng hậu COVID-19 làm sáng tỏ nhiều căn bệnh, trong đó có Hội chứng mệt mỏi mạn tính (ME/CFS). Mối liên hệ ở đây là các cục máu đông siêu nhỏ, lĩnh vực mà Resia Pretorius - trưởng khoa khoa học sinh lý tại Đại học Stellenbosch, Nam Phi - đã khám phá từ lâu.

Tuy nhiên, nhu cầu tìm hiểu trở nên cấp bách hơn do COVID-19. Mô hình đang được nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất rằng các cục máu đông nhỏ trong mao mạch ngăn oxy đến các mô có thể gây ra triệu chứng hậu COVID-19.

Các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy phương pháp điều trị chống đông máu có thể làm giảm di chứng hậu COVID-19. Bà cho biết có điểm giống nhau giữa bệnh nhân ME/CFS và người gặp di chứng hậu COVID-19, đó là nếu không điều trị sớm khi bệnh khởi phát, cơ thể dễ trở nên quá tải bởi các phân tử gây viêm.

COVID-19 đã đoàn kết giới học thuật và nghiên cứu quốc tế.

“Đó là khoảng thời gian kinh hoàng với rất nhiều người. Nhưng tôi hy vọng một số tiến bộ khoa học đạt được trong giai đoạn này có thể giúp chúng ta điều trị những căn bệnh khác, để ít nhất cũng có tia hy vọng thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện tại”, David Braun, nhà khoa học tập trung vào liệu pháp miễn dịch ung thư tại Trung tâm Ung thư Yale ở New Haven, nhận định.

(Theo Guardian)

comment Bình luận

largeer