Thế giới tâm linh và chuyện cúng Rằm tháng 7

Mỗi khi đến mùa Vu lan - Báo hiếu tháng 7 âm lịch nhiều người dân đốt vàng mã rất nhiều. Vấn đề này sẽ được TS Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ ứng dụng tin học UIA lý giải.
14/08/2021 17:36

Ý nghĩa ngày lễ Vu lan - Xá tội vong nhân

Theo TS Vũ Thế Khanh, tháng 7 âm lịch được gọi là tháng Vu lan - Báo hiếu trùng với ngày Xá tội vong nhân, về bản chất không trùng. Tuy nhiên, có phần bên ngoài giống nhau, như cùng làm vào tháng 7, cùng làm vào ngày Rằm, cúng bái. 

Bản chất của ngày Vu lan là lấy theo gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên năm xưa, từ thời đức Phật còn tại thế. Khi đức Mục Kiền Liên tu hành đã thành đạo, ngài dùng thần nhãn để soi thấy mẹ mình còn đang trong địa ngục. Ngài đã dùng thần thông, dâng cho mẹ của mình một bát cơm. Khi nhìn thấy bát cơm, bà Thanh Đề - mẹ của ngài Mục Kiền Liên một tay bốc ăn, một tay che đi sợ các chúng sinh khác cướp mất, nhưng cơm vừa đến miệng hóa lửa, thì lại không ăn được.

Tien-si-KhanhJPG

TS Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ ứng dụng tin học UIA

Một người con có hiếu như ngài Mục Kiền Liên nhìn thấy mẹ ăn cơm mà hóa lửa, thì đau xót vô cùng, ngài liền đến bạch với đức Phật chỉ cách cứu mẹ. Đức Phật liền nói rằng: "Cho dù có thần thông cũng không thể cứu mẹ bằng thần thông". Ngài đã phải mời các vị Chánh tăng 10 phương, tu hành chánh đạo để lập đàn chẩn tế cho mẹ của mình. 

Trước kia, bà Thanh Đề đã gặp phải phàm tăng, nhìn cái gì cũng màu xám xịt, sân hận, xan tham, nên sinh ra tâm phá Tam Bảo, nên bị vào địa ngục. Bây giờ phải nhờ các vị Chánh tăng để chuyển hóa tâm thức của bà. Sau khi các vị Chánh Tăng thiết lập trai đàn thanh tịnh chẩn tế , hồi hướng công đức cho bà Thanh Đề, thì lập tức bà thoát khỏi địa ngục và trở về cõi Trời an lành. và từ đó những người con hiếu hạnh, học tập theo ngài Mục Kiền Liên là tổ chức lễ Vu lan giống như vậy để cứu cha mẹ mình.

Ngày Rằm tháng 7 - Tết Trung nguyên - Ngày Xá tội vong nhân là phong tục của người phương Đông. Người ta nghĩ rằng, trong 1 năm thì tất cả những vong linh trong tù ngục, địa ngục được giải phóng, tự do một ngày, ra ngoài xã hội được cho ăn, bố thí không thì sẽ phá phách. Người dân thường cúng cháo lá đa, làm các thứ cúng cho cô hồn. Tuy cùng làm một ngày  – nhưng  bản chất lại là  hai sự kiện khác nhau: một bên chỉ mục đích bố thì cho cô hồn để mong họ khỏi phá phách, nhưng với tinh thần của Phật Giáo thì thiết lễ Vu Lan cúng dường Tam Bảo, làm các việc lành hồi hướng công đức cho gia tiên để họ được sinh về cõi an lành.

Việc đốt vàng mã thì người âm có nhận được không?

Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng (UIA) cùng  Viện Khoa học hình sự (Bộ Công An) và Trung tâm Bảo trợ Văn hóa Kỹ thuật truyền Thống đã thực hiện đề tài Nghiên cứu về các khả năng đặc biệt. Từ kết quả nghiên cứu, giao lưu với thế giới tâm linh ta thấy:

Đốt vàng mã “người âm tuy nhận được, nhưng không dùng được”.

Ngoài ra, đốt vàng mã, đốt “hình nhân thế mạng…” là cổ súy cho tư tưởng bất nhân, bởi hành vi này gây tác hại sâu xa, khiến người ta cho rằng “có thể ủy thác cho người khác gánh thay trách nhiệm thay  mình”, đó là tư duy của  “Lý Thông”, tư duy bất hiếu.

Đốt vàng mã là nuôi dưỡng tư tưởng giả tạo, bởi các thế giới khác nhau, các cảnh giới khác nhau thì không thể có chung môt loại phương tiện. Ví dụ, với thế giới trần gian thì dùng tiền để lưu thông trao đổi giá trị sức lao động, nhưng ở cõi giới khác họ không thể dùng đồng tiền như trần gian… Như vậy, đốt vàng mã không chỉ lừa dốt thế giới Tâm linh mà còn lừa dối chính chúng ta, và đó là đồng lõa với hành vi mê tín dị đoan.

Cha mẹ qua đời phần lớn là đau ốm, bệnh tật, phiền não. Do vậy, những người còn sống phải làm lễ Vu lan để đưa hương linh cha mẹ ra khỏi cảnh giới khổ đau – Đó mới là người con hiếu thảo. Và khi ông bà cha mẹ đã được về cảnh giới an lành thì cho dù con cháu không cầu xin gì thì họ vẫn phù hộ cho chúng ta.

Không có công đức nào lớn hơn việc báo hiếu cha mẹ, giúp đỡ người thân, không có việc thiện nào tốt đẹp hơn là giúp đỡ những người khó khăn, nhưng những việc đó không phải là đốt vàng mã tràn lan hay làm các khóa lễ cúng cầu hàng trăm triệu đồng. Đó có thể chỉ là việc gắng tu sửa nếp sống của bản thân, hoặc nấu một bữa cơm đơn giản giúp cha mẹ, hay một chút quà nhỏ biếu ông bà, tham gia tình nguyên viên, giúp đỡ trẻ mồ côi khó khăn. Việc giúp đỡ người khác, thì không cần những hành động đao to búa lớn, bởi lẽ hành động thiện thì không bao giờ chia lớn nhỏ. Báo hiếu thì cũng không bao giờ phân biệt sang giàu.

Phúc Hưng

comment Bình luận

largeer