Thí điểm cách ly F0 tại nhà ở TP. Hồ Chí Minh

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn cách ly, điều trị F0 tại nhà thí điểm ở TP.HCM trong thời gian sớm nhất.
13/07/2021 15:27

Trưa 13/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, cho biết để hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, cơ quan này sẽ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể và chi tiết về việc thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM.

Theo vị lãnh đạo này, một số F0 có thể được thí điểm cách ly tại nhà gồm nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2, các bệnh nhân sau thời gian cách ly và không còn khả năng lây nhiễm; những người trẻ, khỏe, có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

pgs-nguyen-truong-son-du-dung-cu-phong-ho-de-bao-ve-nhan-vien-y-te

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Phương án cách ly F0 tại nhà trước mắt được triển khai thí điểm tại TP.HCM. Dự kiến, hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế được ban hành vào hôm nay (13/7).

Ngày 12/7, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ phận thường trực đặc biệt, Thứ trưởng Sơn cho biết trong đợt dịch COVID-19 bùng phát ở Bắc Giang, Bộ Y tế đã thay đổi nhiều chiến lược, với đợt dịch tại TP.HCM thì phải thay đổi quyết liệt hơn. Về trang thiết bị, test nhanh hay nhân lực y tế, nếu TP.HCM thiếu, Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ ngay.

Là một trong những chuyên gia đầu tiên đề xuất phương án điều trị F0 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đánh giá trong đợt dịch này cơ quan chức năng cần chú trọng đến công tác điều trị, không để hệ thống bệnh viện quá tải mà bỏ hết các dịch vụ chăm sóc bệnh lý cấp thiết khác.

Vì vậy, ông cho rằng ngành y tế cần sớm phân loại F0 để có hình thức chăm sóc, theo dõi phù hợp.

"Không nên coi tất cả người dương tính với SARS-CoV-2 đều là bệnh nhân. Bệnh viện chỉ tiếp nhận những người thực sự cần chăm sóc y tế, khoảng tối đa là 20% số người dương tính", ông nói.

Để làm được điều đó, chuyên gia này cho rằng Bộ Y tế cần có kế hoạch đầy đủ, hướng dẫn khoa học chi tiết và quy trình kết nối trong và ngoài bệnh viện thông suốt, sử dụng toàn bộ nhân lực thầy thuốc tư nhân, y tế cơ sở, người tình nguyện, áp dụng công nghệ thông tin, phương tiện chuyên chở và các phương tiện cấp cứu cơ bản. Đặc biệt, phương pháp này cần có sự tham gia đắc lực của người dân.

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mới cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 cập nhật lần thứ 5 của Bộ Y tế, về tiêu chuẩn xuất viện, người bệnh cần có đủ các tiêu chuẩn: hết sốt, triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện.

Ngoài ra, người bệnh được xuất viện khi đã qua cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày từ thời điểm có triệu chứng lâm sàng đầu tiên. Đồng thời, những người này phải có tối thiểu 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau 48-72 giờ) có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp rRT-PCR; thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.

Sau khi xuất viện, người bệnh cần được cách ly tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác, người bệnh phải đến khám lại ngay tại các cơ sở y tế.

Bích Huệ

comment Bình luận

largeer