Thiên tai hoành hành từ châu Á đến châu Mỹ

Trung Quốc đối mặt mối đe dọa lũ lụt gia tăng trong những thập kỷ qua, một phần do hoạt động xây đê và đập diện rộng làm đứt kết nối dòng chảy sông - hồ
22/07/2021 10:51

 

Nhiều khu vực của tỉnh Hà Nam - Trung Quốc chìm trong mưa lũ vào ngày 21-7 khiến giao thông rơi vào trạng thái tê liệt khi nhiều dịch vụ đường sắt và xe buýt bị hoãn, nhiều tuyến đường cao tốc bị đóng, hàng loạt chuyến bay bị hủy trong lúc đường sá tại hàng chục thành phố bị tàn phá nặng nề.

Chính quyền TP Trịnh Châu, Hà Nam, cùng ngày thông báo mưa lũ đã khiến ít nhất 25 người thiệt mạng và gần 200.000 người sơ tán.

Theo đài Al Jazeera, hàng ngàn lính cứu hỏa và binh sĩ đã được điều động đến Trịnh Châu để hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ, sau khi giới chức Trịnh Châu, nơi sinh sống của hơn 12 triệu người, cho biết đây là đợt mưa lớn nhất kể từ khi họ bắt đầu lưu trữ dữ liệu cách đây 60 năm. Trong vòng 3 ngày, thành phố này ghi nhận lượng mưa tương đương lượng mưa trung bình của cả năm.

16-chot-lu-lut-tq-1626877639842947057375

Mưa lớn bất thường khiến đường sá TP Trịnh Châu - Trung Quốc ngập lụt hôm 20-7 Ảnh: REUTERS

Hà Nam đã hứng bão kể từ cuối tuần rồi trong một mùa mưa lớn bất thường khiến nước sông tràn bờ, đường sá ngập lụt ở hàng chục thành phố và làm ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày của hàng triệu cư dân.

Lu-Lu-Trung-Quoc2

Hàng chục hồ chứa và đập trên địa bàn Hà Nam đã vượt mức cảnh báo vào ngày 21-7 giữa lúc mưa lũ được dự báo tiếp diễn trên khắp tỉnh này trong 3 ngày tới. Tại TP Lạc Dương, phía Tây của Trịnh Châu, giới chức địa phương cho biết mưa lớn đã gây ra một vết nứt dài 20 m tại đê Yihetan và con đê này "có thể vỡ bất cứ lúc nào".

Lu-Lu-Trung-Quoc10

Lũ lụt thường xuyên xảy ra trong mùa mưa ở Trung Quốc, khiến đường sá, nhà cửa và mùa màng thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, theo Reuters, thực trạng này đã tồi tệ hơn trong những thập kỷ qua, một phần do hoạt động xây đê và đập diện rộng làm đứt kết nối dòng chảy sông - hồ, phá vỡ các bãi bồi giúp hấp thụ lượng nước dâng vào mùa hè.

Trong khi đó, theo AP, khói và bụi cháy rừng ở Canada và miền Tây nước Mỹ đã bay đến bờ Đông nước Mỹ, khiến không khí tại nhiều thành phố bị ô nhiễm nặng nề. Bầu trời TP New York đã chuyển màu vào ngày 20-7 khi gió mạnh đưa đến đây khói bụi từ các đám cháy ở California, Montana và các bang khác như Oregon, nơi đang hứng chịu vụ cháy nghiêm trọng nhất cả nước trong 2 tuần qua.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) đối với hạt mịn ở New York có thời điểm lên đến 170, mức bị xem là nguy hiểm kể cả với người khỏe mạnh và cao gấp 9 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chỉ số này tại TP Philadelphia, bang Pennsylvania, là 172.

Ở các thành phố khác của Đông Bắc Mỹ, bao gồm Boston (bang Massachusetts) và Hartford (bang Connecticut), chỉ số AQI tại vùng nguy hiểm đều trên 150. Hơn 80 đám cháy lớn ở 13 bang phía Tây của Mỹ trong những tuần gần đây đã thiêu tụi 526.090 ha thảm thực vật khô hạn, lớn hơn diện tích của bang Delaware.

Tại Canada, các khu vực phía Tây và miền Trung đang đối mặt với hàng trăm đám cháy, bao gồm 86 đám cháy bị liệt vào nhóm "vượt tầm kiểm soát" tại tỉnh bang British Columbia vào ngày 20-7. Cùng ngày, chính quyền British Columbia ban bố tình trạng khẩn cấp, dự kiến có hiệu lực trong ít nhất 14 ngày. British Columbia là một trong những tỉnh bang ở Tây Canada trải qua đợt nắng nóng chưa từng thấy vào tháng rồi vì điều mà giới chuyên gia mô tả là "mái vòm nhiệt". 

Cũng trong ngày 21-7, Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN cho biết bão In-Fa đang di chuyển đến vùng ven biển của Chiết Giang và Phúc Kiến ở phía Đông Trung Quốc, dự kiến gây ra mưa to và gió lớn khi đổ bộ các tỉnh này vào ngày 25-7.

 

Trần Vũ - TH

comment Bình luận

largeer