Thời gian sử dụng công nghệ kỹ thuật số không ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ em

Theo kết quả từ một nghiên cứu của các nhà khoa học về di truyền học hành vi tại Đại học Colorado Boulder về việc sử dụng thiết bị công nghệ ở học sinh cho thấy thời gian sử dụng thiết bị công nghệ không ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ.
23/09/2021 18:30

Các nhà khoa học về di truyền học hành vi tại Đại học Colorado Boulder dẫn đầu đã kiểm tra, phân tích dữ liệu từ gần 12.000 trẻ em 9 - 10 tuổi. Những trẻ này sử dụng màn hình trung bình từ 4 - 5 giờ mỗi ngày. Thời gian này không bao gồm việc sử dụng thiết bị công nghệ cho các hoạt động liên quan đến học tập.

Trẻ em trai dành nhiều hơn khoảng 45 phút mỗi ngày để sử dụng màn hình so với trẻ em gái. Các bé gái có xu hướng sử dụng màn hình cho mạng xã hội. Trong khi đó, các bé trai dành nhiều thời gian để chơi điện tử.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ rất nhỏ giữa thời gian lớn sử dụng thiết bị hằng ngày với điểm kém, ngủ ít hoặc các hành vi như tăng động giảm chú ý (ADHD). Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, tình trạng kinh tế - xã hội có ảnh hưởng nhiều tới trẻ hơn là thời gian sử dụng thiết bị công nghệ.

sudungthietbicongnghe

John Hewitt - tác giả cấp cao của nghiên cứu - cho biết: “Sử dụng dữ liệu mở rộng này, chúng tôi nhận thấy, có các mối quan hệ giữa thời gian sử dụng thiết bị và kết quả tiêu cực, nhưng chúng không nhiều và không nghiêm trọng”.

Nghiên cứu cũng cho thấy, mối quan hệ giữa thời gian sử dụng thiết bị và các vấn đề hành vi nhất định, như ADHD, là không rõ ràng. Điều thú vị là, thời gian sử dụng thiết bị nhiều hơn sẽ đồng nghĩa rằng, trẻ có mạng lưới tình bạn lớn hơn.

Tuy nhiên, ông Craig Sewell từ Đại học Pittsburgh cho rằng, thường có sự khác biệt lớn giữa thời gian mọi người đặt mục tiêu sử dụng thiết bị công nghệ và lượng thời gian họ thực sự bỏ ra. Ông Sewell nhận định, các dữ liệu tự báo cáo được sử dụng trong nghiên cứu có thể không đáng tin cậy.

Sewell và đồng nghiệp đã xem xét mối quan hệ giữa việc sử dụng thiết bị công nghệ và sức khỏe tâm thần ở thanh niên. Điểm mới của nghiên cứu là tập trung vào dữ liệu được thu thập từ ứng dụng “Thời gian sử dụng thiết bị” của Apple.

“Việc sử dụng nhiều hơn không liên quan đến việc gia tăng trầm cảm, lo lắng hoặc suy nghĩ tự tử. Thực tế, những người sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên hơn có mức độ trầm cảm và lo lắng thấp”, ông Sewell cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, những kết quả này cho thấy, phụ huynh nên tập trung vào thời điểm và cách thức trẻ sử dụng thiết bị công nghệ, thay vì chỉ tính khung thời gian sử dụng mỗi ngày.

Cẩm Đào (dịch)

comment Bình luận

largeer