Thời tiết chuyển lạnh số trẻ bị viêm da cơ địa tăng cao

Thời tiết khô hanh bắt đầu chuyển lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cùng sự sụt giảm độ ẩm không khí là tác nhân khiến không ít người dân gặp các bệnh lý về da. Trong đó, số bệnh nhi mắc viêm da cơ địa thường gia tăng trong khoảng thời gian này.
01/12/2023 15:09

Tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), trong thời gian gần đây tiếp nhận rất nhiều trẻ em bị viêm da cơ địa. Trung bình 1 ngày có từ 9-12 trẻ, điển hình như ngày 28/11/2023 số trẻ bị viêm da cơ địa vào khám là 15 trẻ.

Theo BSCKI Trịnh Thị Tâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cho biết: Bước vào mùa thu đông, làn da trở nên hanh khô, giảm sức đề kháng dẫn đến da bị suy yếu, kích ứng hay gặp các bệnh lý như viêm da, chàm, dị ứng, nấm da, vảy nến... Thống kê sơ bộ cho thấy, thời điểm này tình trạng trẻ mắc viêm da cơ địa gia tăng đáng kể. Đa phần có biểu hiện da khô quá, ngứa ngáy khó chịu và càng gãi càng ngứa, gây tổn thương da trầm trọng hơn.

20190603_091056_878117_viem-da-co-dia-o-tr.max-1800x1800

(Ảnh: Vinmec)

Bác sĩ Tâm cho biết thêm: Ban đầu trẻ có thể chỉ nổi những mẩn đỏ li ti trên mặt, sau đó là các vùng đỏ lớn hơn, khô sần, thậm chí chảy nước, đặc biệt vùng má. Khi vết chàm trên má đỡ, trẻ sẽ tiếp tục bị chàm ở các nếp gấp như nách, khuỷu tay – chân, cổ tay – chân… Thậm chí có những trẻ bị toàn thân. Trẻ sẽ bị ngứa ở các vết chàm và tìm cách gãi, cào hoặc cọ sát để bớt ngứa. Điều này khiến các vùng da chàm có thể bị loét và nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây bệnh

Di truyền, môi trường và rối loạn đáp ứng miễn dịch khiến trẻ mắc phải viêm da cơ địa.

Cơ địa của trẻ có thể do trong nhà có người mắc các bệnh dị ứng do cơ địa như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen suyễn…

Việc sử dụng xà phòng, tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa cũng làm bệnh viêm da cơ địa nặng lên. Các yếu tố điều kiện vệ sinh kém,nhiễm khuẩn, thức ăn... cũng làm khởi phát đợt cấp của viêm da cơ địa.

Nhiều trẻ bị viêm da cơ địa có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh này hoặc mắc các bệnh dị ứng khác như: Hen suyễn, viêm mũi dị ứng, mày đay, dị ứng theo mùa...

Cách phòng ngừa viêm da cơ địa ở trẻ

Bệnh viêm da cơ địa không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây ngứa nhiều, có thể làm cho trẻ bị mất ngủ; việc tái phát, điều trị lâu dài ảnh hưởng đến phát triển thể chất của trẻ. Khi bệnh tiến triển nếu không được chẩn đoán, điều trị và chăm sóc đúng, bệnh viêm da cơ địa ở trẻ có thể gây tổn thương da, bội nhiễm vi khuẩn (tụ cầu), virus (HSV), nấm… làm bệnh viêm da cơ địa trầm trọng hơn, khó điều trị cũng như tiên lượng.

Do đó khi trẻ bị viêm da cơ địa cha mẹ cần cho tới cơ sở y tế để được thăm khám và có kế hoạch quản lý bệnh hiệu quả, hạn chế đợt bùng phát của bệnh. Vì vậy, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần tránh, phòng ngừa cho trẻ các yếu tố khởi động nguy cơ mắc bệnh.

Dưỡng ẩm hàng ngày, ngay cả khi vùng da chàm đã lành để tránh khô và ngứa.

Với trẻ bị viêm da cơ địa nặng, có thể sử dụng thuốc bôi chứa corticoid, nhưng phải dùng theo chỉ dẫn của bác si để tránh tác dụng phụ như gây teo da, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và khả năng hấp thu canxi của trẻ.

Trẻ dị ứng đạm sữa nên được bú mẹ hoặc các loại sữa công thức nguồn gốc từ đậu nành.

Sử dụng sữa tắm, nước xả vải nguồn gốc tự nhiên, không mùi.

Hạn chế tắm nước nóng vì sẽ bốc hơi nhanh khiến vùng da mau khô hơn.

Để nhiệt độ phòng khoảng 26-27°C để tránh trẻ bị nóng.

Mặc đồ cotton thay vì đồ vải len, thô ráp, dễ gây kích ứng.

Trúc Lâm

comment Bình luận

largeer