Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 28/12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, phân tích cơ hội, thách thức năm 2021. Từ đó đề ra các giải pháp, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH năm 2021 và những năm tiếp theo.
23/02/2021 10:41

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020, nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. Đến nay, đất nước Việt Nam thực sự khởi sắc. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, biên cương, bờ cõi được giữ vững; niềm tin với Đảng và Chính phủ được củng cố; niềm tự hào với bè bạn năm châu được nhân lên. Trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là nước chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. 

thu tuong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Hội nghị Chính phủ với các địa phương.

Theo Thủ tướng, năm 2020 là năm có những thành tựu đáng nhớ, dưới tác động của COVID-19, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam chúng ta là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương. Dịch bệnh trong nước được kiểm soát vững chắc, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế; an sinh xã hội được bảo đảm, văn hoá, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thông tin truyền thông đạt nhiều kết quả ấn tượng, công tác tuyên giáo, dân vận chính quyền phát huy được nhiều ảnh hưởng tạo sức lan tỏa trong cán bộ - công chức và nhân dân. Đến thời điểm này, có thể khẳng định chúng ta đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Nhìn rộng hơn, chúng ta không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi COVID-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ đại suy thoái 1929 - 1932, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%.Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD - đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Chính phủ không tập trung vào một vài ngành kinh tế mà các nền công nghiệp, dịch vụ, và đặc biệt là nông nghiệp đều cùng giữ vai trò và đóng góp quan trọng. Ở lĩnh vực ngoại thương, với việc ký kết nhiều hiệp định FTA, Việt Nam đã không quá tập trung vào một vài thị trường truyền thống; đồng thời chú trọng hơn nữa thị trường trong nước. Thu NSNN đạt kết quả ấn tượng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra; chi NSNN chặt chẽ hơn, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tăng trưởng GDP có nhiều ý nghĩa vì phía sau đó là những nỗ lực bền bỉ của những ngày lao động cần cù, vất vả của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, GDP không tính đến tuổi thọ và sức khỏe của người dân, không đo lường được sự tận tụy, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, không đong đếm được tình người trong bão lũ ở miền Trung và đại dịch COVID-19 vừa qua, và không thể phản ánh đầy đủ được bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước.

Trong 5 năm qua, hơn 8 triệu việc làm mới được tạo ra. Nhờ có việc làm tốt hơn, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội được nâng lên cao hơn. Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD/năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000USD.

Thủ tướng lưu ý, thu nhập là một tiêu chí quan trọng nhưng chúng ta chứng kiến, có những quốc gia có thu nhập tăng nhưng tuổi thọ của người dân không tăng, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh hay tỷ lệ học vấn của người dân không được cải thiện. Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Tuổi thọ trung bình của người dân nay đã tăng lên gần 74 tuổi. Theo UNICEF, chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao tỷ lệ sống sót của trẻ dưới 5 tuổi. Trong báo cáo gần đây của UNDP, Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam đã được xếp vào nhóm phát triển cao của thế giới. Kinh tế phát triển nhanh và tình trạng bất bình đẳng được kiểm soát tốt, cả bình đẳng về thu nhập lẫn bình đẳng giới. Việt Nam cũng đạt được nhiều thành quả vô cùng ý nghĩa về giảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 3% so với 10% của 5 năm trước. Cách đây hơn 1 năm, Thủ tướng rất cảm động khi đọc tin thấy cụ bà Đỗ Thị Mơ ở Thanh Hóa, dù đã 83 tuổi nhưng vẫn đạp xe lên xã xin trả lại sổ hộ nghèo. Tinh thần của cụ là tấm gương có sức lan tỏa trong cả nước.

Về giáo dục, Đảng và Nhà nước luôn thống nhất quan điểm "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển", xem "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu". Mỗi năm ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục không thấp hơn 20% tổng chi ngân sách, tương đương trên 5,7% GDP, thuộc nhóm cao trên thế giới. Chất lượng giáo dục nhìn chung được nâng lên. Việt Nam tiếp tục giữ vững truyền thống xưa nay là giành nhiều thành tích quan trọng ở các kỳ thi khu vực và quốc tế.

Bên cạnh giáo dục, y tế cũng được Đảng và Nhà nước đầu tư và thực hiện ngày một tốt hơn, mạnh mẽ hơn. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia có mô hình chống dịch hiệu quả hàng đầu trên thế giới. Thành quả chống COVID-19 có được là ý chí của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn dân và đã phần nào cho thấy tính hiệu quả của hệ thống y tế công cộng mà Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư. Cùng với đó, chính sách bảo hiểm y tế đang đóng vai trò rất lớn trong mạng lưới an sinh xã hội. Nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không may mắc bệnh hiểm nghèo, rất cần sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế.

Chương trình nông thôn mới đã đem lại nhiều thay đổi rất tích cực. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã ưu tiên nguồn lực ngân sách đáng kể để đầu tư kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế và các thiết chế văn hóa... vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, thực hiện chính sách giảm nghèo, vừa phục vụ đời sống người dân. Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận những đóng góp quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng của đất nước.

cn

Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng chung.

Trong các chương trình nghị sự, Chính phủ đặt quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm. Chính phủ đã đưa nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia lên Nghị quyết số 02, chỉ sau Nghị quyết 01 về nhiệm vụ phát triển KT-XH trong những năm qua. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực được bảo đảm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ đang trở thành xu hướng; xuất khẩu nông sản đạt hơn 41 tỷ USD. Công nghiệp chuyển biến theo chiều sâu với tỉ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 23% lên 50% trong cùng kỳ. Nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học, công nghệ cao như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử phát triển khá nhanh.

Bên cạnh kinh tế Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng lớn mạnh và trở thành mũi nhọn tại một số ngành/lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng đạt điểm kỷ lục lịch sử với 1.200 điểm vào tháng 4/2018. Quy mô vốn hóa thị trường đạt trên 100% GDP, trong đó cổ phiếu đạt gần 70% GDP, giúp bổ sung thêm khoảng trên 120 tỷ USD vào tài sản quốc gia so với cách đây 5 năm.

Cán cân thanh toán quốc tế, nhất là cán cân vãng lai, trong đó đặc biệt là cán cân thương mại hàng hóa liên tục thặng dư trong suốt 5 năm qua nhờ những lợi thế cạnh tranh có tính cơ cấu, và nhờ sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều hành tỷ giá của Việt Nam không nhằm mục tiêu duy trì lợi thế xuất khẩu mà phản ánh khách quan các quan hệ của thị trường.

Cùng với cân đối bên ngoài tốt, cân đối bên trong cũng được cải thiện tích cực. Tỷ lệ bội chi ngân sách và nợ công đều được kéo giảm xuống mức an toàn hơn, nhờ đó không gian tài khóa và dư địa chính sách của chúng ta được nâng lên đáng kể. Chính dư địa này đã trở thành bệ đỡ, giúp nền kinh tế vượt qua muôn vàn khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh do COVID-19 vừa qua.

Tuy nhiên, còn những hạn chế, khó khăn mà nền kinh tế nước ta đang gặp phải, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững. Công ăn việc làm của một bộ phận người dân chưa được đảm bảo, nhất là ở vùng nông thôn, khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức. Mặt bằng thu nhập vẫn còn thấp và thiếu ổn định, nhất là dưới tác động của COVID-19. Nhiều địa phương đang tăng trưởng nhanh nhưng không phải địa phương nào cũng tìm được động lực tăng trưởng tương xứng với tiềm năng, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, miền núi, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn chung vẫn còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp. Các vấn đề cơ cấu của nền kinh tế, những nút thắt về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh... vẫn còn nhiều trở ngại, mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản.

Trong khi đó, chất lượng giáo dục, y tế và các chính sách xã hội nước ta nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đô thị hóa phát triển nhưng vẫn còn những khu nhà lụp xụp, quá tải. Những vấn đề sát sườn với đời sống người dân như tai nạn giao thông, an ninh trật tự, tội phạm xã hội, ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi, nhiều giá trị xã hội bị suy giảm; nhất là tình trạng suy nghĩ lệch lạc, mất định hướng giá trị, sống thiếu hoài bão, thiếu lý tưởng trong một bộ phận giới trẻ; ô nhiễm môi trường và tác động do biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện rõ; vấn đề bạo lực, xâm hại và đuối nước ở trẻ em còn nhiều; không ít người già còn neo đơn, không người chăm sóc...

Nhìn lại những đánh giá cách đây 5 năm, không ai nghĩ rằng kinh tế thế giới lại rơi vào suy thoái nghiêm trọng như hiện nay. Thậm chí cách đây chỉ 1 năm, từ “COVID” chưa hề xuất hiện trong từ điển của con người, tuy nhiên cách mạng 4.0, chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo... luôn là từ khóa xuất hiện trong những năm qua. Nhiều người nói đến những thay đổi không chỉ về mặt công nghệ, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mà còn các mô thức kinh doanh mới, những loại hình việc làm mới, và cả những thay đổi trong cấu trúc xã hội, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số, và cả biến đổi khí hậu cực đoan...

Các đột phá trong y học ghép tạng giúp con người có thể sống khỏe mạnh và thọ hơn. Đơn cử là việc các nhà khoa học hiện nay chỉ mất gần 1 năm để tìm ra vaccine COVID-19 trong khi thường cần khoảng 10 năm. Việt Nam cũng bắt đầu tiến hành những thử nghiệm lâm sàng về vaccine COVID-19 trên người, qua đó cho thấy nền y học của nước nhà không thua kém nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển. Tuy nhiên, cũng có những thay đổi làm phát sinh nhiều rủi ro và làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng, nguy cơ mất việc làm và sự suy giảm thu nhập.

Biến đổi khí hậu mà Việt Nam là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tượng "lũ chồng lũ, bão chồng bão" hiếm có ở miền Trung mới đây là một ví dụ; tình trạng hạn hán, sa mạc hóa ở Nam Trung bộ; tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long... Trách nhiệm của Nhà nước là phải kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tối đa những thiệt hại cho người dân và nền kinh tế.

Thủ tướng tin rằng những đặc tính của dân tộc như tinh thần đoàn kết, ý chí, quyết tâm, tính cần cù, lạc quan và thích ứng nhanh sẽ làm nên thành công. Bởi cha ông ta, cũng với tinh thần đó, đã đứng vững trước mọi thách thức của thiên tai, đẩy lùi mọi cuộc xâm lược để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta. Cũng với tinh thần đó, các nhà lãnh đạo đi trước đã giành được nhiều thành tựu vô cùng ý nghĩa trong gần 35 năm đổi mới. Chính tinh thần ấy đã giúp chúng ta thực sự tiến bộ không ngừng trong 5 năm qua. Chính nhờ tinh thần ấy, tăng trưởng kinh tế luôn thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Cũng tinh thần ấy, tinh thần "chống dịch như chống giặc", Việt Nam đã kiểm soát được sự lây lan và giảm thiểu được thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra. Những thành quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, là sự hòa quyện của "Ý Đảng và lòng dân".

Bên cạnh việc đầu tư những dự án lớn của quốc gia, những dự án nhỏ, những con đường, chiếc cầu ở nông thôn, miền núi cũng được quan tâm. Cùng với giao thông, hạ tầng viễn thông cũng sẽ được nâng cấp và bao phủ hơn nữa, nhất là mạng 5G.

Thủ tướng khẳng định giáo dục, đào tạo và dạy nghề là một cách trao cơ hội tốt nhất để mỗi người dân có thể tự mình tìm kiếm được một công việc phù hợp. Chất lượng giáo dục, dạy nghề được nâng cấp, khuyến khích những thầy giáo, cô giáo có năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và đạo đức nghề, luôn đề cao tinh thần "tôn sư trọng đạo", "tiên học lễ, hậu học văn". Tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, khói thuốc và chất kích thích, nhất là tệ nạn ma túy; xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, dễ dàng tiếp cận và chi phí phù hợp cho mọi người dân, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo được quan tâm phát triển. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế lên 100% trong thời gian sớm nhất, đồng thời sớm thực hiện thông tuyến, mở rộng phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế, nhất là đối tượng trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn; hướng tới trẻ em dưới 16 tuổi cần được Nhà nước chi trả bảo hiểm y tế hoàn toàn. Chính phủ cũng nỗ lực để không ai bị bỏ rơi do chi phí vaccine cao vượt khả năng chi trả.

Mạng lưới an sinh xã hội rộng lớn được đầu tư xây dựng để bảo vệ những người yếu thế trong xã hội. Chăm lo cho những người có công với đất nước; người nghèo, người tàn tật, người già, nhất là người già neo đơn; bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái trước vấn nạn xâm hại tình dục, trẻ em bị ngược đãi về thể chất và tinh thần. Cùng với bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp cũng rất quan trọng để giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, tìm được một cơ hội việc làm mới. Thường xuyên quan tâm đến công tác quốc phòng an ninh và đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển, đặc biệt là trên Biển Đông.

Thủ tướng nhấn mạnh: Cả hệ thống chính trị cùng nhau xây dựng một xã hội phát triển toàn diện, ở đó mọi tầng lớp nhân dân bất kể thành phần, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, tuổi tác... đều có cơ hội chung tay góp sức, chia sẻ khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Sau khi điểm lại những thành quả đạt được trong 5 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu KT-XH khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình COVID-19 trong nước và thế giới. Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu KT-XH khác.

Cuối cùng, Thủ tướng lưu ý, đất nước sẽ tiếp tục đối diện với nhiều cơ hội mới, đan xen thách thức mới. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cần tiếp tục hun đúc, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ cho 5 năm tiếp theo và xa hơn, với niềm tin và sự kiên định lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Ngọc Minh (Lược ghi)

 

 

comment Bình luận

largeer