Thủ tướng triệu tập họp toàn quốc với cả trăm điểm cầu bàn chống Covid-19

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 sáng nay, 29/5, ngoài 63 tỉnh, thành còn được tổ chức tại những huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
29/05/2021 09:55
tt

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

 Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với tinh thần được quán triệt là "chống dịch như chống giặc".

Theo thông tin triệu tập cuộc họp, tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ ngành: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình mới, diễn biến mới phức tạp hơn của dịch bệnh đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn thì mới có thể kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp, theo tinh thần chung là "chống dịch như chống giặc", mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thần tốc hơn.

Thủ tướng yêu cầu, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch phải hết sức tập trung, trách nhiệm với tinh thần tổng lực, toàn diện, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức.

Hà Nội, TPHCM có thể tiếp tục phát sinh các ổ dịch trong cộng đồng

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đợt dịch lần này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái (chủ yếu trong khu công nghiệp, sau đó lây lan ra cộng đồng), đa chủng lây nhiễm.

Virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có 1 vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân. Đặc biệt, virus lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí.

Triệu chứng bệnh trên nhiều bệnh nhân có dấu hiệu tăng nặng. Do đó, hoạt động điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức.

Tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, do mật độ công nhân đông, không gian nhà máy hẹp, khép kín, dùng chung nhà vệ sinh, ăn uống tập trung, đi xe chung, ở chung khu nhà trọ, tỉnh sẽ kiểm soát được dịch trong thời gian tới nhưng không thể trong thời gian ngắn.

Tại Bắc Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long quan ngại, việc lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp có xu hướng phức tạp hơn. Bộ Y tế nhận định và dự báo, tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang cố gắng từng bước kiểm soát. Tỉnh Bắc Giang chủ động và xây dựng phương án ứng phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm, còn Bắc Ninh là 3.000 ca nhiễm.

Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, TPHCM có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng. Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, mặc dù ghi nhận các chùm ca bệnh, ca bệnh khác nhau, nhưng hai địa phương triển khai rất bài bản các giải pháp để giữ vững và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Ngoài việc ca nhiễm tăng cao ở Bắc Giang và Bắc Ninh liên quan đến ổ dịch trong các khu công nghiệp, dịch đã xuất hiện trở lại TPHCM với 58 ca liên quan tới nhóm hoạt động tôn giáo.

Chiều qua, 28/5, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong ngày, Bắc Giang đã lấy mẫu xét nghiệm với 14.000 người là những F1 tại các khu vực có nguy cơ cao. Dự kiến, trong ngày hôm nay, ngành Y tế sẽ công bố số ca nhiễm rất cao vì cuối giờ chiều qua, ít nhất 123 ca dương tính đã được xác định.

Sáng sớm nay, Bộ Y tế công bố thêm 87 ca mắc COVID-19 trong nước, gồm 57 ca ở Bắc Giang, Bắc Ninh có 27 ca; Bạc Liêu, Gia Lai và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều mỗi nơi có một ca.

Các bệnh nhân ở Bắc Giang được ghi nhận trong khu cách ly và khu vực phong tỏa, liên quan công nhân làm tại khu công nghiệp.

Bạc Liêu có ca bệnh đầu tiên được xác nhận là F1 của bệnh nhân COVID-19 liên quan ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở TPHCM.

Những bệnh nhân mới tại Bắc Ninh, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) và Gia Lai đều thuộc diện F1, liên quan ổ dịch cũ, đã được cách ly.

Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 3.594 ca mắc COVID-19 trong nước tại 33 tỉnh, thành phố. Bắc Giang vẫn là địa phương có số lượng người mắc cao nhất với 1.881 ca, tiếp đó là Bắc Ninh có 736 ca và Hà Nội có 356 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 90 ca, 44 ca ở Bệnh viện K).

8 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Từ 29/4 đến nay, tổng số mẫu xét nghiệm ngành y tế đã thực hiện là hơn 1.130.000 cho hơn 2 triệu lượt người.

Hiện tại, số người phải cách ly là hơn 161.000. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là gần 5.400 người, 32.400 trường hợp được cách ly tập trung tại cơ sở khác. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú là gần 123.700 người.

Vũ Vũ

comment Bình luận

largeer