Thừa Thiên Huế: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 9 lần cùng kỳ năm 2021

Theo thống kê, trong 17 ngày đầu tháng 11/2022, tất cả các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều ghi nhận thêm trường hợp mắc sốt xuất huyết.
19/11/2022 08:35

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ghi nhận thêm 162 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 50 ca so với cùng kỳ tháng 10/2022. Hiện đang có 107 ca sốt xuất huyết chưa qua 14 ngày tại 56 xã, phường, thị trấn, trong đó nhiều nhất tại TP. Huế và huyện Quảng Điền.

Số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay tại Thừa Thiên Huế là 1.270 ca (trong đó có 116 ca ngoại lai), tăng 9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ca bệnh tập trung chủ yếu tại TP. Huế (559 ca), huyện Phú Lộc (183 ca) và huyện Phong Điền (133 ca).

Thông tin từ Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Hoàng Thị Lan Hương, khoảng 3-4% số ca nhập viện do sốt xuất huyết tại đơn vị có diễn biến nặng, cần phải bù dịch cao phân tử, truyền hồng cầu, tiểu cầu mới cứu được.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đặc biệt, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Huế đang tiếp nhận, điều trị một trường hợp mắc sốt xuất huyết phức tạp do bệnh nhân có bệnh nền hội chứng thận hư, giảm albumin máu trầm trọng. Tuy nhiên, các bác sĩ tại đây nhận định có thể cứu được người bệnh.

Hiện nay, do đang vào các tháng cao điểm của dịch bệnh cùng điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế .

Dự báo tiếp tục tăng

BS Trần Thị Hạnh Chân - Phó Trưởng khoa Khoa Nhi - Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới lưu ý, khi trẻ bị sốt xuất huyết gia đình nên cho bệnh nhi ăn uống nhẹ nhàng; nếu mệt quá có thể ăn cháo, uống sữa. Cần chú ý là tránh những thực phẩm có màu đỏ như huyết, nho đỏ, thanh long đỏ. Mục đích để loại trừ yếu tố đi ngoài có phân màu khác thường (nghi ngờ có phải là xuất huyết tiêu hóa hay không) để theo dõi kỹ.

BS. Lê Văn Sanh - Trưởng khoa Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng (CDC tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, tính đến cuối tháng 10.2022, trong khi một số tỉnh miền Trung dịch sốt xuất huyết bùng phát thì số ca mắc ở Thừa Thiên Huế ở mức thấp.

Tuy nhiên, ngành chức năng cảnh báo sau những đợt mưa nắng liên tục, các ổ chứa loăng quăng, bọ gậy không được thau vét sẽ xuất hiện trở lại. Vật chứa tồn tại phong phú là môi trường tăng cường truyền bệnh.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế Trần Kiêm Hảo cho biết, cao điểm dịch sốt xuất huyết trên địa bàn năm nay bắt đầu từ tháng 6 và cao nhất vào tháng 7, sớm hơn so với các năm trước. Hiện nay, số ca mắc có xu hướng gia tăng trở lại vào tháng 11 và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng vào tháng 12.

Trước tình hình đó, ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đang tích cực xử lý triệt để các ổ dịch trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định và tiến hành đánh giá chỉ số côn trùng, chỉ số muỗi trước, sau phun hóa chất diệt muỗi; lồng ghép hoạt động vệ sinh, thau vét bọ gậy vào phong trào Ngày Chủ nhật xanh tại các địa phương mạnh mẽ vào các tháng cuối năm; đồng thời, đảm bảo đầy đủ sẵn sàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Theo Lao động

comment Bình luận

largeer