Thừa Thiên Huế tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình đê điều trên địa bàn tỉnh, ngày 22/3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công văn số 2534/UBND-XD yêu cầu tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023.
23/03/2023 11:16

Cụ thể, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng để có thể xử lý ngay nếu có sự cố xảy ra. Tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn công trình đê điều thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn và bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục ngay các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa, lũ, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình đê điều. Huy động mọi nguồn lực của địa phương để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ thêm đối với các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố khi có lũ, bão.

Ảnh minh họa: Tạp chí Môi trường và cuộc sống

Ảnh minh họa: Tạp chí Môi trường và cuộc sống

Đảm bảo an toàn các cống dưới đê trong lũ, bão, tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các cống dưới đê, phát hiện các cống yếu, các cống bị hư hỏng để sửa chữa. Đối với cống do Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh hoặc các HTX Nông nghiệp quản lý phải có quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và địa phương trong việc thực hiện phương án bảo vệ, xử lý các sự cố. Đối với những cống dưới đê khác, giao cho UBND cấp huyện chỉ định ngay tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành.

Chủ động, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong lũ, bão: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan tiến hành tổng kiểm tra đánh giá, hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê điều; xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê tương ứng với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ”; UBND các cấp, các Sở, ban, ngành theo chức năng, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu, trọng điểm theo kế hoạch; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ đê, phương án ứng phó trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế; Tổ chức phát quang mái đê, chân đê, trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều để phục vụ công tác tuần tra canh gác và xử lý sự cố giờ đầu trong mùa mưa lũ.

Công tác quản lý đê điều: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường bảo đảm an toàn công trình, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân. UBND cấp huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; nhất là ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm các vi phạm tập kết vật liệu với quy mô lớn trên bãi sông, xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép trên bãi sông và lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ; chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trước ngày 15/5/2023.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer