Thừa Thiên Huế: Tăng cường giám sát cộng đồng, chủ động quyết liệt chống COVID - 19

Nhiều giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đã và đang được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai quyết liệt, đặc biệt kiểm soát chặt nguồn dịch, nhất là kiểm soát người về từ vùng dịch.
03/08/2021 05:57

 Dịch bệnh phức tạp

Giám đốc Sở Y tế - Trần Kiêm Hảo cho biết, đến hết ngày 2/8, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhân 70 ca F0, chủ yếu là người dân tự phát trở về từ vùng dịch bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô: 60 trường hợp), tất cả đều đã được sàng lọc cách ly từ đầu.

Để kịp thời phát hiện ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng và kiểm soát tốt, tránh lây lan dịch bệnh, Sở Y tế tổ chức lấy mẫu tầm soát COVID-19 tại các vùng trọng điểm tại các địa phương cấp huyện.

vb

Nhiều cơ sở cách ly tập trung được thành lập

Đối tượng được lấy mẫu là các hội gia đình ở gần các chốt kiểm soát y tế (mỗi hộ lấy 1 mẫu của người có giao lưu, đi lại nhiều nhất; tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối, chợ trung tâm tại địa phương (chọn người có tiếp xúc nhiều khách hàng hoặc tiếp xúc nhiều với lái xe đường dài để giao nhận hàng); nhân viên cây xăng, nhân viên quán ăn, nhân viên gara sửa xe ô tô dọc tuyến Quốc lộ 1A, đường tránh Huế, đường Hồ Chí Minh (mỗi điểm lấy 1 mẫu, chọn người có giao tiếp nhiều).

Thông tin về hiện trạng các khu cách ly, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - Thượng tá Ngô Nam Cường cho biết, đến nay, các khu cách ly đã cách ly hơn 12.000 công dân tại 38 khu cách ly tập trung cấp tỉnh, cấp huyện và dịch vụ; trong đó có hơn 10.000 công dân về từ vùng có dịch.

Thượng tá Ngô Nam Cường cho rằng, để vận hành các khung, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động tất cả lực lượng hiện có để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Các khu hậu cần cũng đã có phương án điều chỉnh phù hợp; đồng thời đang tiến hành xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cho những khó khăn tiếp theo.

“Hiện nay lực lượng các đơn vị chức năng phải phân bổ khắp các khung, túc trực liên tục nên nguồn nhân lực hiện tại mỏng. Vì vậy phải cần sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cách vận hành tại các khu cách ly vẫn chưa khoa học, hiệu quả vẫn chưa cao; tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao lây chéo ở các khu cách ly, tại các chốt kiểm soát y tế… Đây là vấn đề lo lắng nhất hiện nay”, Thượng tá Cường nói.

Chủ động, quyết liệt hơn

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho rằng, hiện nay tỉnh đang kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, hiện hữu. Chính vì vậy, chính quyền địa phương phải thực hiện quyết liệt hơn, hạn chế một số hoạt động tập trung đông người chưa cấp thiết trên địa bàn tỉnh, nhằm hạn chế cao nhất nguy cơ lây nhiễm nếu bùng phát dịch bệnh.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các lực lượng phải kiểm soát chặt nguồn dịch, nhất là kiểm soát người về từ vùng dịch. Các địa phương phải phối hợp với lực lượng chức năng để hỗ trợ người về từ vùng dịch đi qua địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông cũng như công tác phòng chống dịch của tỉnh.

Sở Y tế tổ chức tầm soát diện rộng tại các điểm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Tổ chức kiểm soát, giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly tại nhà, buộc phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch. Lực lượng địa phương phải nắm chắc địa bàn, nếu có trường hợp về địa bàn phải nắm bắt, giám sát ngay; tiếp tục quán triệt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Tăng cường quản lý tại các khu cách ly, tránh lây nhiễm chéo, đảm bảo các quy trình theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời nghiên cứu, sẵn sàng các kịch bản ứng phó mới mức độ cao nhất, trong đó phải tính đến phương án hình thành bệnh viện dã chiến.

Bí thư Tỉnh ủy kêu gọi toàn dân cùng chung sức phòng chống dịch, bằng cách mọi người dân phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K”; chung tay, hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại địa phương, “Có sức góp sức, có lương thực, thực phẩm góp lương thực, thực phẩm...”.

Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID -19, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các lực lượng nghiên cứu phương án xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng chống dịch của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, điều phối một số hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiện nay; tất cả các hoạt động đông người (cưới, đám tang,...) phải đăng ký qua chính quyền địa phương, trong đó các hoạt động phải đảm bảo giãn cách và không mời khách ngoại tỉnh.

“Lãnh đạo các địa phương phải xuống hiện trường để tuyên truyền cho bà con nhân dân về các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn; đồng thời phải đảm bảo an toàn tại các khu cách ly. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm hoàn toàn trước lãnh đạo tỉnh nếu để xảy ra tình trạng vi phạm quy định phòng chống dịch tại địa phương và trong khu cách ly. Các địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, bị động trong bất kỳ tình huống nào; kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định phòng chống dịch của tỉnh. Tăng cường giám sát cộng đồng, tầm soát liên tục, nắm chắc địa bàn...”, ông Phương nhấn mạnh.

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 3 đợt đón công dân từ TP. HCM trở về bằng tàu hỏa và máy bay, với 849 người. Những công dân về Huế gồm người lớn tuổi, người có bệnh mong muốn về điều trị, phụ nữ có thai và con nhỏ, người dễ bị tổn thương do dịch bệnh...

Văn Lâm

comment Bình luận

largeer