Thừa Thiên Huế xử lý khẩn cấp các điểm di tích bị sạt lở

Hệ thống di tích Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế trải dọc trục sông Hương đang đối diện với nguy cơ sạt lở vào mùa mưa bão như: Điện Huệ Nam, khu vực lăng Cơ Thánh... Một số di tích kiến trúc gỗ đối mặt với ngập lụt, gió bão… Tỉnh đang tập trung xử lý các điểm di tích bị sạt lở, ứng phó với mưa bão.
06/10/2023 07:20

Di tích điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) có gần 10 công trình, được xây dựng ở khu vực núi Ngọc Trản, xã Hương Thọ, thành phố Huế. Đây là nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na và thường được tổ chức lễ hội vào tháng 3, tháng 7 âm lịch hàng năm, thu hút nhiều tín hữu đạo Mẫu, du khách trong cả nước về dự. Cụm di tích này nằm sát bờ sông Hương, tựa lưng vào núi có nguy cơ bị sạt lở, sụt lún.

Các đợt mưa lớn trong tháng 9 vừa qua, di tích này bị sạt lở, cuốn trôi đất đá trên sườn đồi, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của các công trình, vật kiến trúc cũng như hoạt động văn hóa du lịch. Đoạn kè đá trước sân Minh Kính điện thuộc cụm di tích này cũng bị sụt lún. Nhiều khách du lịch đến tham quan di tích này đều lo ngại khi nhìn thấy không đảm bảo an toàn.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai một số biện pháp khẩn cấp, giằng néo, dùng rọ thép để giữ cố định hệ thống cây xanh và các tảng đá lớn ở khu vực triền đồi phía núi Ngọc Trản, xã Hương Thọ, thành phố Huế, tập trung bảo vệ di tích điện Huệ Nam.

Nhiều di tích cố đô Huế phải chống đỡ trong mùa mưa bão. Ảnh: Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai

Nhiều di tích cố đô Huế phải chống đỡ trong mùa mưa bão. Ảnh: Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai

Di tích điện Huệ Nam vừa được trùng tu năm 2020. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng xây dựng một nhà tránh trú bão gần điện Hòn Chén để nhân viên và bảo vệ di tích tránh trú khi xảy ra bão lũ. Khu vực vườn ươm cạnh Lăng Cơ Thánh, xã Thủy Bằng, thành phố Huế cũng đang đối diện với tình trạng sạt trượt nghiêm trọng.

Ban Tư vấn Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: “Vừa rồi có hiện tượng đất lở tương đối trầm trọng. Do đó, vấn đề an toàn không được đảm bảo. Hiện tại Trung tâm gia cố bằng dây cáp rồi néo ngược lên phía trên núi để giữ những tảng đá mồ côi, giữ cho đất đá khỏi rơi và tránh tình trạng sạt lở lớn”.

Quần thể Di tích Cố đô Huế có gần 1.000 di tích, bao gồm hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc gỗ độc đáo. Hệ thống Quần thể Di tích này nằm khắp các địa bàn từ vùng trũng trong khu vực Kinh thành Huế đến các khu lăng tẩm gò đồi phía Tây Nam thành phố Huế. Nhiều điểm di tích nằm ven sông Hương thường chịu sự tác động của ngập lụt, gió bão như: Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, Cung An Định, lầu Tàng Thơ… Trước mùa mưa bão năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành giằng néo, chống đỡ di tích, bảo vệ các cổ vật bên trong di tích cũng như đảm bảo an toàn cho du khách, nhân viên ở các điểm di tích.

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Trung tâm xây dựng lực lượng tại chỗ khoảng 200 người, bố trí trực 24/24 để theo dõi tình hình và khắc phục kịp thời nếu xảy ra sự cố.

Vào mùa mưa bão, đối với các công trình kiến trúc, chúng tôi đã có các phương án và đã lắp đặt hệ thống cáp neo để chằng chóng các công trình có nguy cơ gãy đổ. Để khắc phục tình trạng nước dâng cao, chúng tôi kê đặt các hiện vật cổ vật tài sản trên các vị trí cao ráo để tránh ảnh hưởng của lũ lụt xảy ra.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai

comment Bình luận

largeer