Tiềm năng lớn để phát triển cây dược liệu Kim ngân hoa ở Hải Dương

Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Hoa Thám (TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương) phát triển và nhân rộng mô hình làm giàu từ cây dược liệu Kim ngân hoa. Mô hình hy vọng mở ra giải pháp mới, giúp phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xóa đói giảm nghèo.
27/08/2021 10:42

Tiềm năng lớn để phát triển cây dược liệu

Hoàng Hoa Thám là một xã miền núi của TP Chí Linh, nơi có 10 dân tộc anh em (Sán Dìu, Tày, Nùng…) sinh sống. Địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, dân trí hạn chế, đường xá đi lại khó khăn là những yếu tố cản trở địa phương này phát triển. Phụ nữ nơi đây sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác manh mún, tự phát, cần được hỗ trợ về nguồn vốn, kiến thức để phát triển kinh tế.

Tuy vậy, nơi đây lại có tiềm năng lớn để phát triển cây dược liệu, trong đó có cây Kim ngân hoa. Đây vốn là cây dược liệu có tự nhiên trên rừng, từ rất lâu đã được các thầy lang nơi đây lấy đem về dùng làm nguyên liệu thuốc Nam để chữa trị viêm khớp, tiêu chảy, lở ngứa.

base64-1630036684865227297643

Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Hoa Thám (TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Là loại cây mọc leo, thân quấn, khi phát triển Kim ngân hoa có thể đạt tới chiều dài trên 10 mét; lá xanh tươi tốt quanh năm, không rụng vào mùa lạnh như các loại cây khác. Kim ngân hoa có thể trồng được trên đất kém màu mỡ, bị hoang hóa, góp phần chống xói mòn đất, giữ nước, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái thiên nhiên.

Đa số các bộ phận của cây (lá, thân) đều dùng được làm thuốc chữa bệnh, trong đó hoa Kim ngân được sử dụng chủ yếu. Nhận biết được điều này, người dân đã đem trồng Kim ngân hoa phổ biến trong vườn nhà, nhưng chủ yếu dùng trong phạm vi gia đình, không trồng với mục đích buôn bán.

Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm từ loại cây này, một số hộ dân đã nhanh nhạy triển khai trồng đại trà trên các diện tích đồi thấp, đất nông nghiệp kém hiệu quả. Đến nay diện tích trồng cây Kim ngân hoa tại xã Hoàng Hoa Thám là 7ha, chiếm khoảng 1,5% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn.

Tiềm năng phát triển kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo

Mỗi năm cây Kim ngân hoa cho thu hoạch hai lần, vào tháng 4 và vào tháng 7. Hoa Kim ngân sau khi đã được phơi khô giá dao động từ 280.000 - 300.000 đồng/kg; thân, lá phơi khô giá dao động từ 28.000 - 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, mỗi sào trồng Kim ngân hoa một năm cho thu nhập trung bình 10 triệu đồng.

Tuy nhiên trước kia, xã Hoàng Hoa Thám thiếu cơ sở chế biến Kim ngân hoa. Việc phơi khô dược liệu này phụ thuộc chủ yếu vào ánh nắng tự nhiên, trường hợp mưa kéo dài, việc phơi sấy không đảm bảo sẽ dẫn tới giảm chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Khi đó, bà con thường bị các thương lái ép giá, có khi thân, lá Kim ngân giảm xuống còn 18.000 - 20.000 đồng/kg.

Nắm tình hình trên, nhận thấy cây Kim ngân có tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế, góp phần giải quyết lao động dôi dư, tạo việc làm cho phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số. Tháng 4/2021, Hội LHPN xã Hoàng Hoa Thám đã xây dựng ý tưởng khởi nghiệp bằng mô hình làm giàu tư cây dược liệu Kim ngân hoa; hướng tới thành lập tổ sản xuất, chế biến dược liệu triết xuất từ Kim ngân hoa.

Bắt đầu từ tháng 5/2021 khi đợt dịch COVID-19 diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh Hải Dương thì với việc tạo dựng này đã giúp ích rất nhiều cho người dân nơi đây.

"Cây Kim ngân hoa hy vọng mở ra hướng đi mới cho nông sản của Hoàng Hoa Thám nói riêng và TP Chí Linh nói chung; tạo đà cho sản phẩm đạt thương hiệu OCOP, hình thành vùng trồng cây dược liệu trên địa bàn", bà Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Hoa Thám chia sẻ.

Ưu thế của sản phẩm này so với các nông sản khác trên địa bàn như nhãn, vải, thanh long… là không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí sản phẩm OCOP và quan điểm của Hội LHPN Việt Nam trong vấn đề bảo vệ môi trường.  

Không những vậy, hoa Kim Ngân còn giúp tạo cảnh quan, điểm nhấn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, kết hợp với du lịch tâm linh – chùa Thanh Mai trên địa bàn.

Để thu hút các hội viên, phụ nữ chuyển đổi diện tích cây trồng cho thu nhập thấp sang trồng cây Kim ngân hoa, tháng 8/2020, bà Nguyễn Thị Hòe đã trồng 3 sào cây được liệu này trên đất nông nghiệp của gia đình. 

Cùng với đó, Hội LHPN xã cùng UBND xã phối hợp với một trung tâm nghiên cứu dược liệu ở Hà Nội hỗ trợ bà con nông dân giống, kinh nghiệm trồng, thu hoạch, chế biến Kim ngân hoa để bà con có điều kiện sản xuất nhất là trong đợt dịch COVID-19 khi lượng lao động thất nghiệp rất nhiều thì đây là lựa chọn tối ưu.

"Chúng tôi sẽ làm việc với một công ty dược liệu có trụ sở ở TP Chí Linh để tạo thị trường và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Mục tiêu dự kiến mở rộng vùng trồng lên tới 50ha, nếu cho hiệu quả tích cực, chúng tôi sẽ tiến tới chuyển đổi cấy trồng, quy hoạch thành vùng trồng dược liệu Kim ngân hoa", bà Dương Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám, cho biết.

Đánh giá về mô hình khởi nghiệp trên, bà Lê Thị Hoan, Trưởng ban Kinh tế - Gia đình Xã hội, Hội LHPN tỉnh Hải Dương, đại diện Ban Tổ chức Cuộc thi "Ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp" 2021 cho biết: "Đây là mô phát triển cây dược liệu mới của chị em phụ nữ dân tộc. Chúng tôi rất tâm đắc, mô hình cho hiệu quả kinh tế thấy rõ. Tới đây, chúng tôi sẽ thành lập đoàn công tác đến khảo sát, nghiên cứu việc hỗ trợ thành lập hợp tác xã hay tổ hợp tác về cây dược liệu Kim ngân hoa".

Trường Hùng

comment Bình luận

largeer