Tiêm vaccine - Yếu tố quan trọng để sống chung với COVID-19

Trong khi cuộc chiến chống dịch còn kéo dài, tiêm vaccine chính là "chiếc khiên" quan trọng bảo vệ con người cho một tương lai sống chung với COVID-19.
07/07/2021 06:56

Thế giới đang chứng kiến sự lây lan nhanh chóng của các biến thể SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta. Sự lây lan này khiến nhiều nước và vùng lãnh thổ bùng phát dịch trở lại, ngay cả ở những nơi đã từng chống dịch thành công nhờ các biện pháp phong tỏa. Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra rằng, chỉ các biện pháp hạn chế thôi thì chưa đủ, trong khi cuộc chiến chống dịch còn kéo dài. Do đó, tiêm vaccine chính là một "chiếc khiên" quan trọng bảo vệ con người.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đang đặt ra thách thức lớn với chiến lược zero COVID - không có ca mắc COVID-19. Australia và Hong Kong (Trung Quốc) là hai ví dụ chỉ ra những lỗ hổng trong chiến lược này, cho thấy các biện pháp hạn chế tạm thời không thể thay thế cho tiêm chủng hàng loạt.

Ở chiều ngược lại, các chuyên gia lấy 2 ví dụ khác là Anh và Israel - những nước hiện có tỷ lệ tiêm chủng thuộc hàng cao nhất thế giới. Tỷ lệ dân số đã được tiêm đủ liều vaccine tại Anh là hơn 50%, trong khi ở Israel là hơn 57%.

Empty

Một cụ bà được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ (Ảnh: Reuters)

Những quốc gia này gần đây đã ghi nhận sự tăng trở lại các ca mắc. Trong tháng 6, Anh ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ đầu tháng 2 năm nay, còn tại Israel, người dân đã bắt đầu đeo khẩu trang trở lại. Tuy nhiên, số ca tử vong do COVID-19 tại những nước này không có dấu hiệu gia tăng hoặc chỉ tăng rất ít, số ca nhập viện điều trị cũng thấp hơn so với giai đoạn trước.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng vaccine hạn chế nguy cơ bệnh trở nặng và khiến mối liên hệ giữa các ca bệnh và tử vong "yếu đi nhiều". Do đó, Anh tuyên bố sẽ giữ nguyên kế hoạch mở cửa vào ngày 19/7 tới và kêu gọi người dân học cách sống chung với virus.

Bà Anne Johnson - Nhà dịch tễ học Anh nói: "Học cách sống chung với virus có nghĩa là phải giảm thiểu số ca tử vong, mà trọng tâm chính là chiến dịch tiêm chủng".

Trong giai đoạn hiện tại, biến thể Delta đang lây lan mạnh, nhưng dữ liệu của các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao cho thấy, phần lớn rủi ro rơi vào những người không được tiêm chủng. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ biến mất, do vậy chúng ta cần trang bị cho mình chiếc khiên bảo vệ cho một tương lai sống chung với COVID-19 mà không gì khác đó chính là vaccine.

au060721-16255458886921616588186

Người dân châu Âu đeo khẩu trang ra đường (Ảnh: Reuters)

Lộ trình sống chung với đại dịch

Tuy nhiên, việc chấp nhận sống chung với COVID-19 đòi hỏi có một chiến lược rõ ràng, mà yếu tố tiên quyết là phải đạt được mục tiêu tiêm chủng trước. Đối với các nước mà hiện nay tỷ lệ tiêm chủng còn thấp thì vấn đề hiện tại là phải gấp rút hoàn thành việc phủ vaccine. Còn với các nước đang trên đà hoàn thành mục tiêu tiêm chủng thì đã bắt đầu chuẩn bị lộ trình cho kế hoạch: Thay vì khi cần lại phải phong tỏa, con người có thể sống chung với COVID-19 một cách chủ động.

Tính đến đầu tháng 7, đã có 2/3 dân số Singapore được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Nhờ có chiến dịch tiêm chủng phủ rộng toàn dân, số ca bệnh COVID-19 thể nặng hoặc tử vong sẽ giảm thiểu. Và vì thế, Singapore đang chuẩn bị lộ trình sống chung với COVID-19 như một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Khi đó, Singapore sẽ chỉ theo dõi những người mắc COVID-19 thể nặng. Xét nghiệm không chỉ là công cụ truy nguồn khoanh vùng ổ dịch, cách ly, mà sẽ được sử dụng nhiều hơn để sàng lọc, đảm bảo các sự kiện đông người, hoạt động xã hội và các chuyến đi nước ngoài có thể diễn ra an toàn.

Khi đủ số người được tiêm chủng để tạo miễn dịch cộng đồng, COVID-19 sẽ được kiểm soát giống như các bệnh khác như cúm thông thường.

Các giai đoạn "chung sống với virus" cũng được Chính phủ Australia xây dựng, nhằm hướng tới kiểm soát COVID-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường giống cúm mùa. Tuy nhiên, giới chức Australia chưa đưa ra thời điểm cụ thể để áp dụng lộ trình này, bởi còn tùy thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng và xem xét kỹ những nguy cơ có thể bùng dịch từ du khách nhập cảnh.

Empty

Một bệnh viện ở Tel Aviv, Israel, tổ chức buổi biểu diễn ăn mừng việc gỡ bỏ các lệnh hạn chế vì COVID-19 hôm 1/6 (Ảnh: Reuters)

Nếu như việc áp dụng các biện pháp chống dịch cứng như phong tỏa và khoanh vùng triệt để để ngăn virus lây lan gây tác động trực tiếp đến nền kinh tế khiến hàng triệu người mất việc, hàng nghìn doanh nghiệp và cửa hàng nhỏ phải đóng cửa, thì phương án "sống chung với COVID-19", mở cửa từng bước thận trọng dựa trên độ phủ tiêm chủng, sẽ phần nào vừa khôi phục lại được nền kinh tế, vừa giúp người dân thích nghi với cuộc sống bình thường mới.

Một ví dụ điển hình có thể nhắc tới là Thái Lan, khi kể từ đầu tháng này, Thái Lan mở cửa đảo du lịch Phuket, cho phép du khách đã tiêm đủ vaccine đến từ các nước có nguy cơ thấp nhập cảnh mà không phải cách ly. Các nhà kinh tế dự đoán, kinh tế Thái Lan sẽ phục hồi trong năm nay, tuy nhiên vẫn phải cẩn trọng trước mối nguy dịch bùng phát.

Giới chức y tế ở nhiều nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh, Israel và Mỹ đều đồng tình rằng quá trình "sống chung với COVID-19" không diễn ra trong một sớm một chiều, mà lại càng phải thận trọng hơn. Muốn sống chung và kiểm soát COVID-19, chúng ta phải đảm bảo rằng: Thứ nhất là hệ thống y tế đủ đáp ứng nếu tình huống số ca bệnh phải nhập viện tăng; phác đồ điều trị tích cực, hiệu quả. Thứ hai, người dân tiêm vaccine đủ đạt miễn dịch cộng đồng. Thứ ba, quy định nghiêm ngặt theo dõi, phát hiện sớm và chặn đứng nguồn lây của virus, giảm ảnh hưởng đến các F xuống thấp nhất. Và cuối cùng, thứ tư, ý thức xã hội của người dân trong việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer