Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới ngày 22/6

Đến sáng ngày 22/6, thế giới có trên 545,42 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,34 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
22/06/2022 10:41

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 88,08 triệu ca mắc và hơn 1,038 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 25.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bắt đầu từ ngày 21/6, Mỹ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Chiến dịch tiêm vaccine được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer và Moderna cho lứa tuổi nhỏ nhất này. Chính quyền Mỹ đã thu mua số lượng lớn vaccine cho nhóm tuổi này, với 10 triệu liều vaccine ban đầu và hàng triệu liều vaccine trong những tuần tới.

Ngày 18/6 vừa qua, Hội đồng cố vấn của CDC bỏ phiếu và nhất trí với khuyến nghị tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi và tiêm vaccine của hãng Moderna cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Một ngày trước đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp 2 loại vaccine trên ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

macau-16557994569501818556a4d6large-16558159358352097312354

(Ảnh minh họa)

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 21/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,32 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 524.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 669.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,75 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Cựu lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của Chính phủ Thụy Sĩ Tanja Stadler mới đây cảnh báo, khoảng 15% dân số Thụy Sĩ có thể bị nhiễm biến thể phụ của Omicron vào mùa hè này. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang chứng kiến sự gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19 do các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Bà Tanja Stadler tin rằng có ít nguy cơ các đơn vị chăm sóc đặc biệt bị quá tải bởi làn sóng mới, nhưng số trường hợp phải nhập viện có thể tăng.

Sau 3 tháng giảm, số ca mắc COVID-19 ghi nhận theo ngày đã bắt đầu tăng trở lại ở Thụy Sĩ. Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang (FOPH) thông báo tổng cộng có 16.610 trường hợp mới đã được báo cáo trong tuần tính đến ngày 14/6, trong đó số ca mắc trung bình mỗi ngày là 2.124, tăng 45% so với tuần trước đó. Từ tháng 4, FOPH chỉ thông báo số liệu thống kê về COVID-19 mỗi tuần một lần thay vì hàng ngày.

Theo bà Stadler, nhiều trường hợp mắc sẽ không bị phát hiện. Dựa trên các phân tích nước thải gần đây ở Thụy Sĩ, số ca mắc thực sự cao hơn so với mùa đông năm ngoái. Các thống kê gần đây nhất cho thấy, 97% dân số trưởng thành ở Thụy Sĩ đã có kháng thể chống lại COVID-19 nhờ tiêm vaccine hoặc đã từng nhiễm bệnh. Tất cả các biện pháp hạn chế về đại dịch đã được dỡ bỏ ở Thụy Sĩ kể từ ngày 1/4.

Bộ Y tế Israel thông báo đã ghi nhận 10.200 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ đầu tháng 4 tới nay. Số ca bệnh chuyển nặng cũng đang có dấu hiệu tăng nhanh, với 168 người đang trong tình trạng nghiêm trọng, trong đó 32 bệnh nhân phải đặt nội khí quản và 2 bệnh nhân phải can thiệp sâu bằng máy ECMO. Chỉ số trên cho thấy số ca bệnh chuyển nặng đã tăng tới 95% so với tuần trước đó.

Nguyên nhân chính dẫn tới số ca mắc tăng là do người dân lơ là các biện pháp cơ bản phòng chống dịch, trong đó có việc đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, nhiều người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ lại không được chẩn đoán, do vậy không có biện pháp tự cách ly đối với những người này.

Bộ Y tế Iraq cho biết đang có một làn sóng mới của dịch COVID-19 tại nước này khi có 515 ca mắc được ghi nhận trong 24 giờ qua.

Tuyên bố của Bộ trên nêu rõ: "Đây là sự gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19 trong vài ngày qua, số ca nhập viện cũng tăng, đồng nghĩa với việc Iraq dã bước vào một làn sóng lây nhiễm mới". Bộ trên cũng lưu ý rằng làn sóng mới là hậu quả khó tránh khỏi khi còn nhiều người chưa tiêm phòng dù có sẵn vaccine tại các trung tâm y tế ở thủ đô Baghdad và nhiều tỉnh thành khác, cũng như tình trạng không tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Bộ trên kêu gọi tăng tốc tiêm phòng và tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo vệ cá nhân và xã hội.

Hiện tổng số ca mắc của toàn Iraq là trên 2,33 triệu người. Ngoài ra, có 1 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 25.229 trường hợp. Số người đã tiêm phòng trong 24 giờ qua là 14.420 người, nâng tổng số người đã tiêm lên 10.797.872 người.

Bộ Y tế Philippines đã cảnh báo việc số ca mắc COVID-19 tại Philippines tăng liên tục cho thấy bắt đầu một làn sóng dịch mới, Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết, Philippines đang chứng kiến một xu hướng tương tự với những gì đã xảy ra hồi tháng 9/2021 và tháng 1/2022.

Philippines trải qua 4 làn sóng dịch COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 1/2020, với đỉnh điểm ghi nhận tới 39.004 ca mắc mới trong ngày 15/1/2022. Trong tuần trước, nước này ghi nhận khoảng 2.458 trường hợp nhiễm, tăng 70%, trong đó riêng ở vùng thủ đô Manila số ca mắc tăng gấp đôi.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Edsel Maurice Salvana cho rằng, số ca mắc dự kiến sẽ tăng do các biến thể mới dễ lây lan hơn, tuy nhiên tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát do tỷ lệ nhập viện thấp. Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines nhận định, số ca mắc tăng nhẹ còn do người dân đi lại nhiều hơn trong khi khả năng miễn dịch cộng đồng đã suy giảm. Hiện Philippines đã tiêm đủ liều vaccine cho hơn 70 triệu người.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, nước này sẽ mở cửa đường bay quốc tế thêm tại 3 sân bay vào tháng 7 tới, sau khi các biện pháp kiểm soát biên giới quốc gia nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 được nới lỏng hơn nữa. Theo Thủ tướng Kishida, 3 sân bay này gồm Sendai, Hiroshima và Takamatsu. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho phép 2 sân bay Naha và New Chitose - cửa ngõ dẫn đến các điểm du lịch nổi tiếng ở Okinawa và Hokkaido - được khai thác các chuyến bay quốc tế từ cuối tháng 6 này.

Nhật Bản đã mở cửa trở lại có điều kiện cho du khách nước ngoài từ ngày 10/6 vừa qua. Theo đó, Nhật Bản giới hạn mỗi ngày chỉ 20.000 người được phép nhập cảnh vào nước này, trong đó tính cả những công dân Nhật Bản trở về nước. Chính phủ Nhật Bản đã dần nới lỏng theo từng giai đoạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch được áp đặt trước đó, trong đó có tính đến tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới.

Một nghiên cứu do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện đăng trên tạp chí The Lancet số ra ngày 20/6 cho thấy, các kháng thể chống một số biến thể phụ của Omicron hầu như không thể phát hiện được sau hai mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm, trong khi mũi tiêm tăng cường chỉ giúp phục hồi một phần lượng kháng thể.

Trung Quốc hiện mới chỉ phê duyệt các vaccine ngừa COVID-19 nội địa, trong đó có sản phẩm của hãng Sinopharm. Nước này đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng và duy trì chính sách "Zero COVID" nhằm đẩy lui dịch bệnh. Vaccine BBIBP-CorV, một trong hai vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm được cấp phép sử dụng ở Trung Quốc, cũng là sản phẩm được xuất khẩu sang các nước.

Ngày 21/6, nhà chức trách đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) đã phong tỏa tổ hợp khách sạn và sòng bài Fortuna sau khi bùng phát một ổ dịch COVID-19 tại địa điểm này. Hình ảnh trên truyền thông cho thấy cảnh sát mặc bảo hộ phong tỏa khách sạn Fortuna để ngăn mọi người ra vào. Nhà chức trách cũng chuẩn bị tiến hành xét nghiệm cho 700 người bên trong khu nghỉ dưỡng Fortuna 9 một sòng bài vệ tinh thuộc sở hữu của tập đoàn SJM Holdings. Hiện cả khách sạn và chính quyền Macau đều chưa có bình luận về sự việc.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Macau quyết định tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với toàn bộ người dân tại đặc khu hành chính này sau khi phát hiện ít nhất 12 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng vào ngày 18/6.

Đợt bùng phát COVID-19 gần đây nhất tại Macau là vào tháng 10/2021, nhưng khu vực này trước đó đã không áp đặt lệnh phong tỏa hay cách ly trên diện rộng nào. Mặc dù Macau đã ghi nhận một số trường hợp mắc COVID-19 vào cuối tuần qua nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều số ca nhiễm mới hàng ngày tại đặc khu hành chính Hong Kong, với số ca nhiễm mới theo ngày vượt trên 1.000 ca trong những ngày gần đây.

Macau đang tuân thủ nghiêm ngặt chính sách "Zero COVID" của Chính phủ Trung Quốc nhằm khống chế dịch bệnh. Phần lớn người dân được yêu cầu ở nhà, trong khi các nhà hàng phải đóng cửa và những biện pháp kiểm soát biên giới được siết chặt. Đặc khu này hiện chỉ có một bệnh viện công để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe hàng ngày của người dân. Nhà chức trách quyết định xét nghiệm trên diện rộng trong bối cảnh đặc khu này duy trì việc mở cửa biên giới với Trung Quốc đại lục, với nhiều cư dân sinh sống và làm việc tại thành phố Chu Hải lân cận.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer