Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới ngày 25/4

Đến sáng 25/4, thế giới có trên 509,44 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,24 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
25/04/2022 11:15

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 82,65 triệu ca mắc và hơn 1,018 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 9.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp COVID-19 được coi là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 tại Mỹ, với tỷ lệ tử vong tăng ở hầu hết các nhóm tuổi. Theo báo cáo do Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 22/4, COVID-19 trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra 460.513 ca tử vong tại Mỹ trong năm 2021, tăng gần 20% so với năm 2020. Số liệu cho thấy, năm 2021 ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất kể từ năm 2003, trong đó tim mạch và ung thư là hai căn bệnh hàng đầu gây chết người.

Trong năm 2021, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Mỹ là 114,4/100.000 ca, tăng so với mức 93,2/100.000 ca của năm trước đó. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nhóm trẻ từ 1 - 4 tuổi và từ 5 - 14 tuổi là thấp nhất. Mặc dù tỷ lệ tử vong ở người từ 85 tuổi trở lên vẫn cao nhất trong năm 2021 nhưng đã giảm so với năm 2020, với 94.884 ca so với 122.707 ca trong năm 2021. Số ca tử vong tăng nhiều nhất trong nhóm dưới 75 tuổi

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 24/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,05 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 522.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 662.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,34 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Một bệnh nhân người Anh có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng đã mắc COVID-19 dai dẳng suốt 505 ngày, tức là hơn 16 tháng trước khi qua đời. Đây là ca mắc COVID-19 lâu nhất thế giới cho đến nay. Bệnh nhân này được điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesivir và đã qua đời trong năm 2021. Các nhà nghiên cứu đã từ chối tiết lộ lý do gây tử vong và cho biết, bệnh nhân mắc một số bệnh nghiêm trọng khác.

Tình trạng mắc COVID-19 dai dẳng rất hiếm và khác với COVID-19 kéo dài. Sự khác biệt là đối với COVID kéo dài, virus đã không còn tồn tại trong cơ thể, nhưng các triệu chứng vẫn xuất hiện. Còn với COVID-19 dai dẳng, virus vẫn tiếp tục nhân lên trong cơ thể trong suốt thời gian dài khiến cho người bệnh không thể khỏi hoàn toàn.

Một nghiên cứu ở Anh cho thấy, cứ 4 người mắc COVID-19 phải nhập viện có chưa đến một người bình phục hoàn toàn sau một năm. Theo đó, nhóm nghiên cứu cảnh báo hội chứng COVID kéo dài (long COVID) có thể trở thành hội chứng phổ biến. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Respiratory Medicine ngày 24/4.

Các triệu chứng COVID-19 kéo dài phổ biến nhất là mệt mỏi, đau cơ, mất ngủ, chậm chạp về thể chất và khó thở. Ông Christopher Brightling thuộc Đại học Leicester, trưởng nhóm nghiên cứu trên, nhấn mạnh, nếu không có phương pháp điều trị hiệu quả, COVID kéo dài có thể trở thành một hội chứng mới lâu dài và phổ biến.

b1

Hội chứng COVID kéo dài có thể trở thành hội chứng phổ biến

Kể từ ngày 25/4, hầu hết các bang ở Đức bắt đầu ngừng thực hiện xét nghiệm COVID-19 bắt buộc tại các trường phổ thông. Đây được xem là một trong những biện pháp chống dịch bệnh COVID-19 quan trọng cuối cùng được bãi bỏ ở Đức trong tháng này.

Kết quả cuộc khảo sát do hãng thông tấn DPA của Đức thực hiện và công bố ngày 24/4 cho biết, việc xét nghiệm bắt buộc đã được bãi bỏ hoặc kết thúc từ ngày 25/4 ở 6 bang và đến cuối tháng 4 này, thêm 6 bang áp dụng quy định mới là không thực hiện xét nghiệm COVID-19 bắt buộc với học sinh.

Chỉ còn bang Thuringia sẽ tiếp tục xét nghiệm đối với học sinh cho đến ngày 6/5 và Berlin dự kiến vẫn tiến hành xét nghiệm cho đến khi có thông báo mới. Riêng Hamburg và Saarland chưa đưa ra quyết định về việc dừng xét nghiệm tính đến tháng 5.

Chính phủ Canada đang nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 ở biên giới đối với khách quốc tế nhập cảnh Canada. Tuy nhiên, yêu cầu đeo khẩu trang trên máy bay và quy định về vaccine đối với hoạt động đi lại trong nước vẫn được giữ nguyên.

Cụ thể, kể từ ngày 25/4, hành khách đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ không còn phải cung cấp kế hoạch cách ly khi nhập cảnh và trẻ em từ 5 - 11 tuổi chưa được tiêm chủng hoặc đã được tiêm chủng một phần, đi cùng với cha mẹ hoặc người giám hộ đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ không còn phải làm xét nghiệm COVID-19 để được vào Canada.

Theo thống kê của Chính phủ Canada, nước này đã có hơn 3,69 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 38.700 trường hợp tử vong.

Một nghiên cứu được Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) công bố cho thấy, nguy cơ tái nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở phụ nữ, thanh niên trong độ tuổi từ 12 - 49 và các nhân viên y tế. Nghiên cứu của ISS nêu rõ, nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao hơn ở những người đã mắc COVID-19 cách đây 210 ngày, người chưa tiêm vaccine hoặc người mới chỉ tiêm 1 liều vaccine trong hơn 120 ngày, so với những người đã tiêm đủ liều vaccine.

Theo ISS, trong giai đoạn từ ngày 24/8/2021 - 20/4/2022, Italy có 357.379 ca tái nhiễm COVID-19, chiếm 3,2% tổng số người mắc COVID-19. Tuần trước, số ca tái nhiễm chiếm 4,5% tổng số ca, tăng so với mức 4,4% của tuần trước đó.

Dữ liệu cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong trong số những người trên 5 tuổi không tiêm vaccine trong khoảng thời gian từ ngày 25/2 - 27/3 cao gấp khoảng 5 lần so với những người đã tiêm đủ liều vaccine và cao gấp 10 lần so với những người đã được tiêm nhắc lại mũi thứ ba.

Ngày 24/4, Bộ Y tế Malaysia thông báo, nước này ghi nhận thêm 5.624 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm kể từ đầu dịch lên trên 4,42 triệu trường hợp. Trong số các ca mắc mới, có 5.607 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số người tử vong vì COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này cũng tăng lên 35.491 sau khi có thêm 9 bệnh nhân không qua khỏi.

Malaysia cũng ghi nhận thêm 10.041 ca bình phục, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 bình phục lên 4.310.599 người. Hiện Malaysia vẫn còn 80.977 ca mắc đang được điều trị, trong đó có 89 ca được điều trị tích cực.

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) cho biết, 12/77 tỉnh, thành của quốc gia Đông Nam Á này sẽ sớm có thể tuyên bố COVID-19 là một bệnh đặc hữu trước thời hạn đặt ra để chấm dứt đại dịch trên toàn quốc vào tháng 7.

Các tỉnh ở Thái Lan sẽ chuyển sang giai đoạn COVID-19 là bệnh đặc hữu khi tỷ lệ tử vong giảm xuống dưới 0,1% các ca nhiễm trong 2 tuần liên tiếp. Chính phủ Thái Lan đã ấn định thời hạn chót là ngày 1/7 để tuyên bố chấm dứt đại dịch. Theo người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin, 12 tỉnh có tỷ lệ tử vong đang giảm gần tới mức để tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu gồm Phetchaburi, Surat Thani, Krabi, Ranong, Trang, Nakhon Si Thammarat, Phuket, Satun, Songkhla, Yala, Pattani và Narathiwat.

Thái Lan ngày 24/4 ghi nhận thêm 17.784 ca mới cùng 126 người tử vong trong 24 giờ qua. Con số này chưa bao gồm 14.937ca có kết quả xét nghiệm dương tính bằng phương pháp kháng nguyên mà nếu được tính vào sẽ nâng tổng số ca mới lên 32.721 trường hợp. Kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào đầu năm 2020, Thái Lan đã có tổng cộng trên 4,16 triệu người nhiễm, trong đó có 27.778 bệnh nhân không qua khỏi.

Ngày 24/4, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã kêu gọi người dân đi tiêm phòng vaccine COVID-19 mũi tăng cường, khẳng định vai trò của mũi tiêm này giúp củng cố hệ miễn dịch.

Campuchia đã triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia phòng dịch COVID-19 từ tháng 2/2021. Theo Bộ Y tế Campuchia, đến nay, 14,88 triệu người dân, tương đương 93% tổng dân số 16 triệu người, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Trong đó, 14,14 triệu người (88% dân số) đã được tiêm 2 mũi cơ bản, khoảng 8,22 triệu người (51%) đã được tiêm mũi 3 và 1,36 triệu người (8,5%) được tiêm mũi 4.

Thủ tướng Hun Sen kêu gọi người dân Campuchia đi tiêm mũi 3 để củng cố miễn dịch cộng đồng và đảm bảo tiến trình hướng đến mở cửa hoàn toàn đất nước không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Theo ông, những người đủ điều kiện cần phải đi tiêm mũi tăng cường để củng cố hệ miễn dịch. Ông cũng yêu cầu các cơ quan y tế tập trung tiêm phòng cho công nhân các nhà máy dệt may, công trường xây dựng, người bán hàng rong và sinh viên.

Ngày 24/4, Campuchia ghi nhận 16 ca mắc mới, không có thêm ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 136.216 và 3.056.

Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia thông báo, thành phố Thượng Hải ghi nhận thêm 39 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 23/4, con số cao nhất kể từ khi thành phố này áp đặt lệnh phong tỏa từ đầu tháng này để ngăn chặn dịch. Với số ca tử vong mới được ghi nhận tại Thượng Hải, tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 tại Trung Quốc đại lục tăng lên 4.725 bệnh nhân.

Thành phố Thượng Hải cũng có thêm 1.401 trường hợp nhiễm mới lây nhiễm trong cộng đồng trong tổng số 1.566 ca mắc mới tại Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, có thêm 19.657 ca mắc mới không có triệu chứng được ghi nhận tại Thượng Hải trong tổng số 20.230 ca không có triệu chứng tại Trung Quốc đại lục.

Ngày 24/4, giới chức y tế thành phố Thành phố Thượng Hải thông báo nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nặng để giảm tỷ lệ tử vong trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này. Theo Ủy ban Y tế Thượng Hải, tổng cộng 9 đội ngũ y tế chuyên điều trị các ca bệnh nặng đã được điều động bổ sung cho 8 bệnh viện được chỉ định điều trị COVID-19. Các nhóm này gồm 360 chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị tích cực.

Ngoài Thượng Hải, 16 khu vực cấp tỉnh khác ở Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận các ca mắc mới trong cộng đồng, trong đó có 60 ca ở Cát Lâm, 26 ở Hắc Long Giang và 22 ở thủ đô Bắc Kinh. Tại Bắc Kinh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Pang Xinghuo cho biết, các quan sát sơ bộ cho thấy, dịch COVID-19 đã "lây lan một cách vô hình" trong thủ đô từ một tuần nay, ảnh hưởng đến "các trường học, các nhóm du lịch và nhiều gia đình".

Trong một nghiên cứu được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu (ECCMID) năm nay ở Bồ Đào Nha từ ngày 23 - 26/4, các nhà nghiên cứu đã xác định được một nhóm cytokine có thể giúp chẩn đoán nguy cơ chuyển biến nặng hoặc tử vong ở bệnh nhân COVID-19.

Cytokine là nhóm protein đa chức năng do các tế bào miễn dịch tiết ra để giúp cơ thể vận hành hệ miễn dịch. Một phản ứng miễn dịch quá mức, giải phóng ồ ạt cytokine gây viêm, còn gọi là "cơn bão cytokine", có thể dẫn đến nguy cơ suy đa tạng và tử vong ở bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được cytokine nào thúc đẩy quá trình này. Việc xác định nồng độ của các cytokine này khi bệnh nhân nhập viện sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nào có tiên lượng xấu, qua đó đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp.

(Theo VTV)

comment Bình luận

largeer