Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tính đến ngày 13/6

Đến sáng ngày 13/6, thế giới có trên 540,36 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,33 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
13/06/2022 08:47

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 87,31 triệu ca mắc và hơn 1,035 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 7.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã quyết định gỡ bỏ quy định khách tới Mỹ bằng đường hàng không phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 24 giờ trước khi bay. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12/6. Quyết định trên được đưa ra sau khi Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa ra đánh giá chính thức rằng việc yêu cầu xét nghiệm COVID-19 là không còn cần thiết nữa, bởi vaccine đã được tiêm chủng trên diện rộng và việc điều trị căn bệnh này cũng đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, 30 ngày sau khi áp dụng quy định mới, CDC Mỹ sẽ đánh giá lại tình hình để xem có nên tiếp tục áp dụng hay không.

covid-6-16550377973181739937237

Đến nay, hơn 540,36 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu (Ảnh: AP)

Mặc dù bỏ quy định bắt buộc hành khách đi đường hàng không phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 nhưng CDC Mỹ vẫn khuyến cáo họ nên làm xét nghiệm trước khi lên đường. Ngoài quy định mới nêu trên, Mỹ cũng gỡ bỏ một số quy định hạn chế khác liên quan tới việc kiểm soát đại dịch COVID-19.

Kết quả phân tích độc lập dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 của Moderna với trẻ dưới 5 tuổi vừa được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công bố. Theo đó, hiệu quả phòng bệnh của vaccine Moderna với nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi là 51%, ở nhóm 2 - 5 tuổi là 37%. FDA nêu rõ, dù hiệu quả vaccine ở nhóm tuổi này thấp hơn nhóm trưởng thành nhưng vẫn có hiệu quả tốt trong bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng.

FDA kết luận, các dữ liệu mà hãng dược Moderna cung cấp cho thấy, có thể tiêm phòng vaccine của hãng theo liệu trình cơ bản gồm 2 mũi với liều lượng 25 microgram/mũi cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, tức là bằng 1/4 liều lượng cho người trưởng thành. Đánh giá của FDA được coi là cơ sở để đưa ra thảo luận cấp phép vaccine Moderna cho trẻ dưới 5 tuổi trong tuần tới.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 12/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,22 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 668.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,44 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Chính phủ Chile kêu gọi người dân nước này tăng cường các biện pháp tự bảo vệ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 5.

Phát biểu tại một sự kiên ở thủ đô Santiago, Thứ trưởng Bộ Y tế Chile Cristobal Cuadrado cho biết, các ca lây nhiễm COVID-19 đang có xu hướng gia tăng tại Chile trong thời gian gần đây, trong khi nước này chuẩn bị bước vào mùa đông. Vì thế, người dân nên tăng cường các biện pháp tự bảo vệ và tự chăm sóc, bao gồm tiếp tục sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách hợp lý và tiêm phòng đầy dủ các loại vaccine ngừa bệnh.

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã lập một khoản ngân sách hơn 100 triệu Baht (khoảng 2,88 triệu USD) để vực dậy ngành du lịch bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19. TAT sẽ đề xuất với Trung tâm Xử lý Tình hình Kinh tế (CESA) để phê duyệt khoản ngân sách này.

Tổng Cục trưởng TAT Yuthasak Supasorn cho biết, mục tiêu trong năm nay của ngành du lịch Thái Lan là đón từ 7 - 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Mục tiêu đó sẽ tăng gấp đôi, lên 20 triệu lượt, tương đương 50% của năm 2019, vào năm 2023 với phần lớn đến từ phân khúc giá trị cao.

Khoản ngân sách được đề xuất nói trên dành cho năm tài chính 2023 (bắt đầu từ tháng 10/2022) nhằm thu hút ít nhất 10 triệu khách du lịch trong năm nay. Ngân sách sẽ được phân bổ cho những hoạt động thúc đẩy du lịch như tăng công suất ghế ngồi trên máy bay của các hãng hàng không lên 50% mức trước đại dịch.

Ngày 12/6, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, trong 24 giờ qua, Triều Tiên đã ghi nhận thêm hơn 40.060 ca sốt, 46.040 trường hợp phục hồi và 1 người tử vong trên cả nước. Trong 24 giờ trước đó, số ca sốt mới ghi nhận tại nước là 42.810 ca.

Theo Trung tâm Ngăn ngừa dịch bệnh khẩn cấp quốc gia Triều Tiên, kể từ cuối tháng 4, Triều Tiên có tổng cộng hơn 4,43 triệu ca sốt, trong đó có trên 4,36 triệu người phục hồi (chiếm tỷ lệ 98,4%) và ít nhất 71.160 bệnh nhân đang điều trị (1,6%). Tổng số ca tử vong là 72 ca (0,002%).

Ngày 12/5, Triều Tiên thông báo trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 ở nước này, liên quan đến dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron. Theo KCNA, số ca sốt theo ngày ở Triều Tiên đã giảm khoảng 6% kể từ ngày 15/5 vừa qua nhờ kết quả của chiến dịch chống dịch được thực hiện ở nước này.

Sau hơn một tháng khởi động hệ thống chống dịch khẩn cấp tối đa, công tác chống dịch tại Triều Tiên đã bước sang giai đoạn mới với việc duy trì biện pháp phong tỏa, song song với việc ngăn chặn virus lây lan tại quốc gia này. Cơ quan chống dịch khẩn cấp trung ương đã đề ra các kế hoạch phù hợp và cung cấp những hướng dẫn chi tiết nhằm chặn đứng nguy cơ virus lây lan thông qua việc đóng cửa hoàn toàn biên giới trên bộ, trên không và trên biển, đồng thời tuân thủ các hướng dẫn chống dịch và kiểm soát nghiêm ngặt việc thực hiện. Triều Tiên cũng đang đẩy mạnh sản xuất nhiều chất khử trùng và các loại vật tư y tế khác nhau.

Hầu hết trẻ em tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ không trở lại trường học vào tuần tới như kế hoạch ban đầu. Quyết định trên được đưa ra sau khi một ổ dịch COVID-19 bùng phát, khiến chính quyền thành phố buộc phải thay đổi quyết định nối lại việc giảng dạy và học tập trực tiếp.

Trong tuần này, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã nới lỏng nhiều biện pháp phòng dịch, nhưng hàng chục ca nhiễm mới liên quan đến một quán bar đã khiến cơ quan chức năng phải tái áp dụng một số biện pháp hạn chế. Theo người phát ngôn chính quyền thành phố Bắc Kinh, hầu hết học sinh tiểu học và trung học sẽ "tiếp tục học từ xa" từ ngày 13/6. Giới chức y tế thành phố cho biết, ổ dịch mới đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng và có nguy cơ lây lan tương đối cao.

Phần lớn trong toàn bộ 25 triệu cư dân của thành phố Thượng Hải đã bắt đầu thực hiện một đợt xét nghiệm COVID-19 mới. Giới chức Thượng Hải đã yêu cầu kiểm tra PCR đối với tất cả cư dân ở 15 trong số 16 quận của thành phố vào cuối tuần này, và 5 quận cấm người dân rời khỏi nhà trong thời gian xét nghiệm. Một quan chức thành phố cho biết, người dân nên hoàn thành ít nhất một cuộc kiểm tra PCR mỗi tuần cho đến ngày 31/7. Thượng Hải, thành phố đông dân nhất của Trung Quốc, mới chỉ dỡ bỏ lệnh phong tỏa do COVID-19 kéo dài hai tháng vào ngày 1/6.

Ngày 12/6, Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 814 trường hợp mắc mới COVID-19. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới tại Hong Kong ở mức trên 800 ca, sau hơn 2 tuần ghi nhận trên 200 ca.

Chính quyền đặc khu hành chính này ngày 12/6 cho biết vẫn phát hiện virus SARS-CoV-2 trong mẫu nước thải ở một số khu vực, do đó sẽ tiếp tục phân phối khoảng 390.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh virus SARS-CoV-2 cho người dân một số khu vực nhằm truy vết các ca mắc COVID-19. Nhà chức trách sẽ phân phát các bộ xét nghiệm cho cư dân, nhân viên vệ sinh tại một số khu vực ở đảo Cửu Long, khu vực có tải lượng virus cao trong kết quả xét nghiệm nước thải. Chính quyền Hong Kong kêu gọi những người sử dụng bộ xét nghiệm nếu có kết quả dương tính cần nhanh chóng thông báo qua các nền tảng trực tuyến của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, chính quyền đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) thông báo từ ngày 15/6 sẽ giảm thời gian cách ly đối với người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ chỉ phải cách ly tại khách sạn trong 10 ngày và 7 ngày tự theo dõi sức khỏe, thay vì 14 ngày như quy định trước đây. Nhà chức trách Macau cho biết, do thời gian ủ bệnh của biến thể Omicron ngắn nên xét nghiệm axit nucleic có thể tìm ra virus SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày.

Người nhập cảnh phải tiêm đủ liều vaccine cơ bản, có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trước khi nhập cảnh và chứng nhận đặt phòng khách sạn cách ly. Những người chưa tiêm vaccine hoặc mắc COVID-19 trong thời gian cách ly phải thực hiện cách ly ít nhất 14 ngày. Trong thời gian cách ly sẽ phải làm 5 xét nghiệm axit nucleic.

Theo quy định mới, du khách có thể rời khách sạn vào ngày thứ 11 và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày.

Hai loại vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng do hãng CanSino Biologics (Trung Quốc) sản xuất dựa trên công nghệ mRNA đã chứng minh hiệu quả trong các thử nghiệm tiền lâm sàng, qua đó cho thấy tính khả thi đối với các thử nghiệm trên người. Kết quả một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Emerging Microbes & Infections cho thấy, hai loại vaccine mRNA-Beta và mRNA-Omicron có thể tạo ra mức kháng thể trung hòa cao chống lại virus SARS-CoV-2 phiên bản gốc và nhiều biến thể của virus này, chẳng hạn như Beta, Delta và Omicron.

Nghiên cứu trên chuột khẳng định, việc tiêm 2 liều vaccine mRNA-Beta có thể tạo ra "tấm lá chắn" vững chắc trước virus SARS-CoV-2, đặc biệt là đối biến thể Beta. Trong khi đó, mRNA-Omicron được đề xuất tiêm nhắc lại ở những con chuột trước đó đã được tiêm vaccine mRNA-Beta hoặc Ad5-nCoV, loại vaccine ngừa COVID-19 tái tổ hợp do CanSino Biologics sản xuất, để tăng cường khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer