“Tỉnh xanh” duy nhất của Việt Nam chưa xuất hiện COVID-19 trong cộng đồng

Là một tỉnh giáp biên, nhiều huyện, xã tiếp giáp với Trung Quốc, thế nhưng trải qua 4 đợt bùng phát dịch, đến nay Cao Bằng vẫn là “tỉnh xanh” - trở thành địa phương duy nhất của cả nước không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
22/08/2021 07:05

 Chống dịch hiệu quả từ khâu sàng lọc, cách ly đều được kiểm soát chặt chẽ

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, tính đến 9 giờ sáng 21/8/2021, trên địa bàn chưa ghi nhận, phát hiện trường hợp nào mắc COVID-19 trong cộng đồng. Từ tháng 2/2020 đến nay, địa phương này đã tiếp nhận hơn 24.200 công dân từ Trung Quốc trở về qua biên giới tỉnh Cao Bằng để thực hiện cách ly y tế tại các cơ sở cách ly tập trung, đã có hơn 22.000 công dân cách ly đủ số ngày theo quy định. 

Tỉnh Cao Bằng có hơn 1.200 người trở về từ các địa phương có dịch theo thông báo của Bộ Y tế đang thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe. Địa phương này cũng tiếp nhận, cách ly và điều trị cho 158 F0 liên quan đến "chùm bệnh" ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Còn trong các đợt đón công nhân từ vùng dịch trở về, Cao Bằng đã sàng lọc và đưa đi cách ly đúng theo quy định nên đã kiểm soát được ngay từ đầu vào. 

Tỉnh Cao Bằng cũng xây dựng từ sớm các kịch bản để có thể xử lý mọi tình huống theo phương châm 4 tại chỗ, trên cơ sở đảm bảo nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch.

cao-bang

Lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng quán triệt nội quy cho công dân đang thực hiện cách ly theo dõi sức khoẻ trong khu cách ly xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang. Ảnh: Đức Giang

Trao đổi với báo chí, ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cao Bằng cho biết: "Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, mật độ dân cư chưa cao là yếu tố thuận lợi phòng, chống dịch nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập bất cứ lúc nào. Vì Cao Bằng có đường biên giới dài trên 333 km với nhiều cửa khẩu, lối mở, đường mòn qua biên giới. Hệ thống y tế từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến lực lượng y, bác sĩ không phải quy mô lớn.

Mặc dù Cao Bằng là tỉnh khó khăn nhưng đã bố trí hàng trăm tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch cho lực lượng phòng, chống COVID-19. Trong đó chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm vật tư trang thiết bị cũng như các hóa chất cho hoạt động phòng, chống dịch.

Chúng tôi đã thành lập hàng chục khu cách ly, trong đó có nhiều khu cách ly lớn tập trung ở tỉnh, ngoài ra ở các huyện, nhất là các huyện biên giới đều có ít nhất từ một đến hai khu cách ly. 

Dù vậy, năng lực cách ly của địa phương chỉ đáp ứng khoảng 1.000 người nhưng có thời điểm tiếp nhận cùng lúc hơn 1.500 người Việt Nam trở về từ Trung Quốc. Trong đêm, chúng tôi phải liên hệ các tỉnh lân cận để xin hỗ trợ, đảm bảo việc phòng chống dịch được an toàn", ông Phong chia sẻ.

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, Giám đốc Sở Y tế luôn trăn trở về sự thiếu thốn nhân lực và cơ sở vật chất. Dù tỉnh Cao Bằng đã cho chủ trương tuyển thêm cán bộ y tế, nhưng đợt tuyển 200 người mới đây cũng chỉ có 300 người đăng ký (trong khi trước đây mỗi đợt lên tới hàng nghìn người).

cao-bang-

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại điểm tiêm Thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Đức Giang

"Thiếu thốn trăm bề nhưng Cao Bằng vẫn đang rất may mắn khi chưa có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Chính vì thế trong đợt dịch thứ 4 khi các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp, Cao Bằng cũng đã huy động những y bác sĩ tốt nhất, lập các đoàn chi viện, hỗ trợ tỉnh bạn chống dịch. 

Về công tác tiêm chủng, số lượng vaccine thiếu so với nhu cầu nhưng chúng tôi tận dụng tối đa, thực hiện chiến lược tiêm cho lực lượng tuyến đầu; người dân khu vực nguy cơ cao; các huyện có biên giới, giao lưu đi lại lớn... Đến nay, Cao Bằng đã đạt 86.000 mũi tiêm trong đó có gần 30.000 người đã tiêm đủ 2 mũi  vaccine, tất cả đều an toàn", Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng chia sẻ.

 

Có sự tham gia nhiệt tình của đông đảo người dân

Bà Bế Thị Bạch, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng (CDC) cũng cho biết, dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, CDC đã thực hiện hướng dẫn đội ngũ làm công tác tại các chốt liên ngành quy trình chuẩn về rà soát, phân loại người về từ vùng dịch. Cố gắng đảm bảo xử lý các tình huống phát sinh.

"Việc nâng cao năng lực của đội ngũ y tế, đặc biệt là đội lấy mẫu xét nghiệm, truy vết là yếu tố quyết định việc ngăn chặn ngay từ sớm những nguy cơ dịch có thể xâm nhập và bùng phát trên địa bàn. Đội ngũ kíp trực y tế tại các huyện, trung tâm y tế được đảm bảo hoạt động 24/24 để luôn sẵn sàng xử lý khi có trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm xuất hiện", bà Bế Thị Bạch khẳng định.

Theo Giám đốc CDC Cao Bằng, thời gian gần đây năng lực lấy mẫu xét nghiệm của đội ngũ y tế cơ sở đã được nâng lên rất nhiều. Trước kia cán bộ của CDC tỉnh phải về tận huyện, xã khi có trường hợp cần lấy mẫu nhưng nay việc này tuyến cơ sở đã làm được giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực.

Đặc biệt, xác định nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng là thường trực, ngành y tế đã tuyên truyền đến người dân luôn có ý thức phòng chống dịch. Đây là yếu tố quan trọng ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào địa bàn.

cao-bang-6-1629516624709954888977

Tỉnh Cao Bằng kiểm soát tốt dòng người về qua biên giới và các vùng có dịch trên cả nước để ngăn chặn từ sớm nguy cơ mầm bệnh phát tán ra cộng đồng.

Công tác thông tin tuyên truyền về dịch COVID-19 được triển khai đến từng thôn, xóm, tổ dân phố bằng nhiều hình thức như tờ rơi, loa phát thanh, loa lưu động, họp xóm, họp tổ, tuyên truyền ở mỗi cơ quan, đơn vị và qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Các tấm biển cảnh báo "không lơ là, chủ quan với dịch COVID-19", "khuyến cáo 5K"… được đặt ở những khu vực trung tâm, nơi nhiều người qua lại. Đặc biệt, mỗi người dân trở thành "tai mắt" của chính quyền, luôn chủ động báo với cơ quan chức năng khi phát hiện có người nhập cảnh trái phép hoặc trốn cách ly tại khu dân cư.

Cao Tuân

 

 

comment Bình luận

largeer