TP. HCM: Bé trai 4 tháng tuổi phải đoạn chi do nhiễm não mô cầu

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường, học sinh, sinh viên đi học lại làm tăng tiếp xúc, trong khi thời gian qua việc tiêm chủng vaccine não mô cầu bị gián đoạn. Những đối tượng chưa được tiêm chủng như trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và thanh thiếu niên chưa được tiêm mũi vaccine nhắc lại có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
06/05/2022 12:32

Theo PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Giảng viên Vi sinh và An toàn tiêm chủng, Viện Pasteur TP.HCM, nhiều phụ huynh chưa có ý thức đầy đủ về tiêm chủng cho trẻ thanh thiếu niên, mà chỉ tập trung vào tiêm chủng cho đối tượng trẻ nhỏ. 

Trên thực tế, tỷ lệ thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng bệnh do nhiễm não mô cầu còn khá cao. Trong khi đó, đối tượng thanh thiếu niên lại là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất do thường xuyên tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội, vui chơi và học tập.

Mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 50-100 ca viêm não mô cầu. Số ca bệnh không cao nhưng được coi là một trong những căn bệnh nguy hiểm hàng đầu. Theo các khảo sát trước đây cho thấy, cứ 5 thiếu niên được kiểm tra sẽ có 1 trường hợp mang vi khuẩn Neisseria meningitidis (vi khuẩn não mô cầu). Số liệu từ CDC Hoa Kỳ cho thấy mỗi năm trên thế giới có khoảng 1.2 triệu trường hợp được phát hiện bệnh.

Cùng với đó tỷ lệ tử vong của do nhiễm não mô cầu lên tới 50% nếu không được điều trị kịp thời. Ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị đầy đủ, tỷ lệ tử vong ở bệnh này vẫn ở khoảng 5-15%. Nếu bệnh nhân sống sót vẫn có thể gặp phải những di chứng nặng nề như tổn thương não, điếc, tàn tật...

Vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây não mô cầu. Ảnh: Britannica

Vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây não mô cầu. Ảnh: Britannica

Theo TS.BS Nguyễn An Nghĩa - Phó khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa mới tiếp nhận 2 ca bệnh nhiễm não mô cầu. Một ca bệnh 4 tuổi đã tử vong sau 6 tiếng nhập viện.

Một bệnh nhi 4,5 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao giờ thứ 12 kể từ khi khởi phát triệu chứng. Vài tiếng sau bé có tình trạng sốc, xuất hiện các nốt tử ban lan rộng trên da. Cùng với đó là suy hô hấp, các bác sĩ đã phải cho bé thở máy, dùng nhiều loại kháng sinh liều cao. Đến ngày thứ 5, bé hết nguy kịch.

Tuy nhiên, sau quá trình điều trị nam bệnh nhi phải đối diện với những di chứng nặng nề và ảnh hưởng tới cuộc sống sau này. Cụ thể bé bị đoạn chi phải tới đầu gối, cùng với nhiều ngón chân trái và một số ngón tay.

Bên cạnh những di chứng đoạn chi thì trẻ bị nhiễm não mô cầu có thể gặp phải các di chứng nặng nề như bại não, liệt, viêm màng não mủ, sốc nhiễm khuẩn, viêm màng ngoài tim, chậm phát triển tâm vận, trẻ bị suy thận cấp, tổn thương gan, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi... Thậm chí trẻ có thể tử vong trong vòng 24-48 giờ.

Bệnh vào mùa, phụ huynh cần đặc biệt chú ý

Não mô cầu là bệnh lưu hành hàng năm trên khắp thế giới. Bệnh thường bùng phát vào thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa. Hiện tại miền Nam của Việt Nam đang vào thời gian giao mùa nên đây là thời gian bệnh não mô cầu phát triển, nguy cơ lây nhiễm cao.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa cho rằng: "Não mô cầu là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Khoảng thời gian từ tháng 6 tới tháng 10 là thời gian bệnh não mô cầu phát triển mạnh nhất nên phụ huynh cần đặc biệt lưu ý tới các nhóm trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh cao như trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ thanh thiếu niên từ 10 – 16 tuổi. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lơ là vì đây là bệnh mà tất cả các nhóm tuổi đều có thể mắc phải".

Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh não mô cầu như: Sốt; Đau đầu; Buồn nôn, nôn; Cổ cứng, phát ban xuất huyết hình sao hoặc mụn nước...

Các dấu hiệu này rất dễ gây nhầm lẫn với những bệnh thường gặp khác như cúm vậy nên bệnh rất khó chẩn đoán.

Trong 8 giờ đầu tiên trẻ sẽ xuất hiện tình trạng sốt, tinh thần không ổn định, cáu gắt, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, chán ăn, sổ mũi, đau nhức người.

9-15 giờ tiếp theo trẻ sẽ bắt đầu phát ban, xuất huyết, cứng cổ và sợ ánh sáng.

Trong 16-24 giờ trẻ sẽ gặp phải tình trạng hôn mê, mê sảng, co giật, mất ý thức và trẻ có thể tử vong trong giai đoạn này.

Điều đáng chú ý là trẻ càng nhỏ, các dấu hiệu nhận biết bệnh càng khó phát hiện. Bệnh diễn tiến nhanh và để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh, phổ biến nhất là viêm màng não, tàn tật, tổn thương não, điếc... Vậy nên, phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới trẻ để phát hiện ra những dấu hiệu cảnh báo sớm nhất để có hướng xử trí kịp thời, giúp trẻ tránh được những di chứng nặng nề về sau.

Bác sĩ Hữu Nghĩa cũng khuyến cáo: "Nhóm thanh thiếu niên, lứa tuổi mang mầm bệnh cao cần được tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ để vừa bảo vệ chính mình, vừa tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Việc tiêm nhắc lại các loại vaccine phòng các bệnh mỗi 10 năm 1 lần giúp duy trì kháng thể phòng bệnh".

CDC Hoa Kỳ và Hội Y học Dự phòng Việt Nam đã khuyến cáo tiêm mũi vaccine nhắc này cho trẻ em và thanh thiếu niên giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn sự xuất hiện và lây lan dịch bệnh.

Theo Sức khỏe đời sống

comment Bình luận

largeer