TP HCM cho trẻ mầm non, tiểu học đi học trực tiếp từ ngày 14/2

Sáng ngày 25/1, TP HCM quyết định tổ chức đón trẻ em thuộc khối giáo dục mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học tập trực tiếp từ ngày 14/2 trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và học sinh.
25/01/2022 11:27

Theo quyết định của UBND TPHCM, cho phép trẻ em thuộc khối giáo dục mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học tập trực tiếp từ ngày 7/2 trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và học sinh.

Lộ trình từ ngày 7/2 cơ sở giáo dục thực hiện các công tác chuẩn bị đón trẻ và học sinh trở lại trường học tập trực tiếp.

Từ ngày 10/2 đến 13/2, cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh trẻ, học sinh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ; tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường; tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học.

Từ ngày 14/2, tổ chức đón trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp, sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trưởng, học tập trực tiếp.

Trường hợp cha mẹ học sinh chưa đồng thuận cho học sinh (từ lớp 1 đến lớp 6) đến trường học tập trực tiếp, học sinh tiếp tục học trên môi trường Internet, trên truyền hình, giao bài tự học theo hướng dẫn của Sở GDĐT.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo kế hoạch của Sở GDĐT, ở bậc mầm non dự kiến cho trẻ 3-6 tuổi đi học trước giúp các trường từng bước thích ứng, có kinh nghiệm xử lý tình huống khi cho toàn bộ trẻ đi học lại.

Thời gian đầu, các trường mầm non được tổ chức bán trú nhưng không có ăn sáng. Giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ thực hiện các thao tác vệ sinh cá nhân như rửa tay, đeo khẩu trang, sát khuẩn đúng cách; giáo dục ý thức giữ gìn bản thân, nhận biết các biểu hiện bệnh. Với trẻ 5 tuổi, các trường đảm bảo nội dung giáo dục nhằm chuẩn bị nền tảng, kỹ năng học tập trước khi vào lớp 1.

Ở bậc tiểu học, các em học trực tiếp tuỳ theo cấp độ dịch của địa phương.

Với địa phương thuộc cấp độ 1 (vùng xanh), các trường có thể dạy học hai buổi, bán trú cho tất cả các khối. Trong tuần đầu tiên, giáo viên dành thời gian hướng dẫn cho học sinh thói quen phòng dịch, xây dựng nề nếp, ôn tập kiến thức trước đó.

Tuần thứ hai, nhà trường dạy học theo tiến độ chương trình, đồng thời củng cố kiến thức đã học trực tuyến. Tuần thứ ba, trường tổ chức kiểm tra học kỳ I cho khối 1 và 2.

Ở địa phương thuộc cấp độ 2 (vùng vàng) trong tuần đầu tiên, nhà trường được dạy học hai buổi, bán trú cho khối 1 và 2. Với khối 3, 4, 5, các em chỉ học trực tiếp một buổi. Công việc trong các tuần tiếp theo được thực hiện tương tự vùng xanh.

Các trường ở địa bàn cấp độ 3 (vùng cam) chỉ tổ chức cho lớp 1, 2 học một buổi; được kiểm tra học kỳ I trong tuần thứ ba. Học sinh khối 3, 4, 5 học trực tuyến. Với địa bàn thuộc cấp độ 4 (vùng đỏ), cấp tiểu học chưa đến trường.

Ở bậc trung học, học sinh khối 6 trong tuần đầu đến trường được củng cố kiến thức, trước khi kiểm tra học kỳ I trực tiếp.

Với khối còn lại, nhà trường thực hiện kế hoạch dạy học theo thời khoá biểu. Các trường có thể tổ chức học hai buổi, kế hoạch học buổi thứ hai rõ ràng, trên tinh thần tự nguyện của học sinh.

Sở GDĐT đưa ra ba lý do cho việc đề xuất tất cả học sinh trở lại sau Tết Nguyên đán.

Thứ nhất, tình hình dịch bệnh tại TPHCM đã được kiểm soát tốt, người dân từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm đủ hai mũi vaccine, độ phủ mũi ba đang được thực hiện. TPHCM hiện là vùng xanh dịch ở cấp độ 1.

Thứ hai, tất cả trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 - trừ học sinh tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ - chưa đến trường học trực tiếp suốt hơn 8 tháng qua. Nhiều gia đình vì thế gặp nhiều khó khăn khi vừa phải đi làm vừa phải trông con. Việc ở nhà quá lâu cũng khiến học sinh gặp các vấn đề về sức khoẻ, tinh thần.

Thứ ba, 2021-2022 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông đổi mới với học sinh lớp 1, 2 và 6. Quá trình học trực tuyến gây khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục.

Theo Lao động

comment Bình luận

largeer