TP. HCM ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng hơn 2 lần

Trong tuần 22, TP. HCM ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng hơn 2 lần so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh tay chân miệng tăng ở cả 2 nhóm điều trị nội trú và ngoại trú. Trong khi đó số ca mắc sốt xuất huyết là 154 trường hợp, giảm 3,3% so với trung bình 4 tuần trước.
09/06/2023 14:42

Tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM)

Trong tuần 22, Thành phố ghi nhận 287 ca bệnh, tăng 133,3% so với trung bình 4 tuần trước (123 ca). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc tích lũy đến tuần 22 là 1.972 ca. 

hinh-tcm-2_86202316

Biểu đồ bệnh tay chân miệng theo tuần

Thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh của Thành phố, có 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh TCM có triệu chứng nặng đang điều trị tại các bệnh viện nhi của Thành phố được phát hiện Enterovirus 71 (EV71) và đều có kiểu gen B5 khi tiến hành giải trình tự gen (thực hiện tại OUCRU). EV71 chính là tác nhân gây dịch lớn năm 2011, 2018. Với số ca bệnh nặng kèm sự xuất hiện của EV71, tình hình dịch bệnh TCM được dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian sắp tới.

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue

Thành phố ghi nhận 154 trường hợp mắc bệnh, giảm 3,3% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 11,1% và số ca ngoại trú tăng 3,2%. Tính đến tuần 22, Thành phố ghi nhận 7.753 trường hợp mắc bệnh, giảm 29,7% so cùng kỳ năm 2022 (11.035 ca), không ghi nhận trường hợp tử vong do Sốt xuất huyết. Trong tuần 22, ghi nhận 14/22 quận huyện có số ca mắc giảm, 08/312 phường xã có số ca bệnh tăng so với số mắc trung bình 4 tuần trước.

Tình hình bệnh COVID-19

Thành phố ghi nhận 146 ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố, giảm 37% so với tuần 21 (231 ca). Tính từ ngày 01/01/2023 đến ngày 04/6/2023 ghi nhận 5.004 ca xác định.

Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh

Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục triển khai lễ phát động chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết”. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP (HCDC) tiếp tục tăng cường giám sát các điểm nguy cơ cũng như hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Trong tuần qua, HCDC đã giám sát phát hiện có 10/23 điểm nguy cơ có lăng quăng tại quận 4, quận 5, quận 10, Tân Phú và Gò Vấp. Các điểm nguy cơ trên đã được Sở Y tế thông tin cho UBND quận huyện biết để chỉ đạo xử lý.

Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh tay chân miệng, Ngành Y tế tổ chức khẩn Hội nghị giao ban trực tuyến nhằm triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức.

Khuyến cáo

Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới, bên cạnh sự phối hợp khẩn trương, kịp thời trong công tác phòng chống dịch của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài Ngành Y tế, phụ huynh thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh cho trẻ:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.

2. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày.

3. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

4. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC)

comment Bình luận

largeer