TP. Hồ Chí Minh tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết

Nhằm kiểm tra và đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, sáng ngày 10/7/2024, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Đồng thời kiểm tra các công tác khác như khám sức khỏe người cao tuổi, triển khai đề án cộng tác viên sức khỏe cộng đồng và công tác quản lý trẻ trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia tại Quận 12.
17/07/2024 08:53

Đoàn công tác của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh do TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu , Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn cùng với lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC), Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đã có buổi giám sát thực tế hoạt động phòng chống dịch bệnh và công tác khám chữa bệnh người cao tuổi tại phường Tân Thới Hiệp, Quận 12. Sau đó, đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân Quận 12, Trung tâm Y tế, Phòng Y tế cùng với lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Trạm Y tế các phường tại trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 12.

Qua đợt kiểm tra, đoàn đã ghi nhận những nỗ lực của quận trong công tác phòng chống dịch, tuy nhiên cũng chỉ ra một số tồn tại cần được giải quyết khẩn trương. ThS.BS. Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC cho biết tương tự như các năm trước, dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay có thể diễn tiến tăng cao vào tháng 10, 11 sau đó mới giảm dần. Do đó, Quận cần tập trung rà soát, giám sát chặt chẽ các điểm nguy cơ và nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch.

Empty
Empty

Những điểm nguy cơ dễ bỏ sót ở các bãi đất trống tại phường Tân Thới Hiệp, Quận 12 với những vật phế thải đọng nước

Ths.BS Lê Hồng Nga cũng nhận định đối với bệnh tay chân miệng, do đặc thù của Quận 12 có nhiều nhóm trẻ gia đình, lớp bán trú nên nguy cơ dễ lây lan khi có dịch bệnh. Trong đó, cần chú ý dịch bệnh tay chân miệng có thể tăng cao vào tháng 9 khi trẻ đi học trở lại. Vì thế, quận cần tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở này, đảm bảo vệ sinh môi trường, hướng dẫn phụ huynh phòng chống dịch cho trẻ hiệu quả.

Đối với hoạt động tiêm chủng mở rộng và quản lý trẻ, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng của Quận 12 năm 2023 đạt 92,1%, thấp hơn 2,9% so với chỉ tiêu cần đạt (≥95%). Trên quy mô phường xã chỉ có 3/11 phường đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên 95% trong năm 2023 và và chưa có phường nào đạt chỉ tiêu này trong năm 2024. Tính đến tuần 27, khảo sát của HCDC thực hiện trên 45 trẻ tại 4 phường của quận cho kết quả có 38,6% trẻ sống tại địa bàn nhưng không nằm trong danh sách quản lý của Trạm Y tế, trong đó chỉ 75% trẻ được tiêm ngừa mũi sởi. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc tăng tỷ lệ bao phủ vaccine.

Empty
Empty

Đoàn kiểm tra thực tế tại trường học, khảo sát tiêm chủng tại hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi và kiểm tra số liệu tiêm chủng tại phường Tân Thới Hiệp, Quận 12

Đối với đề án cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, đoàn ghi nhận Quận 12 đã có 722 cộng tác viên đăng ký, đạt 64,93% so với chỉ tiêu (1112 cộng tác viên). Trong số này, 50,84% đã ký hợp đồng và 80,92% đã qua tập huấn. Quận cần đẩy mạnh vai trò của cộng tác viên và triển khai cụ thể các hoạt động.

Trong hoạt động khám sức khỏe cho người cao tuổi, mặc dù Quận 12 mới chỉ khám khoảng 6% so với chỉ tiêu (4.593/69.000 người cao tuổi), nhưng đã phát hiện gần 10% số người có bệnh cần điều trị. Như vậy chương trình khám sức khỏe cho người cao tuổi thật sự là một hoạt động thiết thực giúp phát hiện sớm các bệnh lý tuổi già và quản lý toàn diện các bệnh mạn tính ở người cao tuổi. Tuy nhiên qua phỏng vấn ngẫu nhiên 8 hộ thì 3/8 người cao tuổi không có trong danh sách quản lý của Trạm Y tế phường Tân Thới Hiệp và 5/8 người không nhận được thông tin về khám sức khỏe người cao tuổi.

Kết luận tại buổi kiểm tra, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh về các hoạt động quan trọng cần thực hiện. Thứ nhất, cần lập danh sách tất cả người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên trên địa bàn, đặc biệt là những người chưa được chẩn đoán và điều trị bệnh mạn tính. Thứ hai, cần lập danh sách trẻ em thực tế sống trên địa bàn để khi triển khai chiến dịch tiêm sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi, có thể mời được tất cả trẻ thuộc đối tượng này. Cuối cùng là cần tăng cường các biện pháp truyền thông hữu hiệu về chương trình khám sức khỏe người cao tuổi cho người dân biết. Bên cạnh đó, Quận 12 cần tận dụng và huy động nguồn lực từ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng để tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch, tiêm chủng và khám sức khỏe cho người cao tuổi. Việc phối hợp chặt chẽ với các ban ngành là cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và đảm bảo sức khỏe cộng đồng...

Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh

comment Bình luận

largeer