TP.HCM: Chặn trước nguy cơ lây lan dịch COVID-19 bằng việc xét nghiệm F3

Ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc HCDC cho biết, 9 ngày qua, kể từ ngày 26/5 đến 3/6, khi phát hiện ca đầu tiên của chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, thành phố ghi nhận hơn 280 trường hợp. Trong đó 66% người bệnh có triệu chứng.
05/06/2021 06:06

 Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) cho rằng vòng lây ngày càng ngắn, đề nghị xét nghiệm sớm một số F3 có tiếp xúc gần với F2, để đi trước tốc độ lây nhiễm.

Ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc HCDC cho biết, 9 ngày qua, kể từ ngày 26/5 đến 3/6, khi phát hiện ca đầu tiên của chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, thành phố ghi nhận hơn 280 trường hợp. Trong đó 66% người bệnh có triệu chứng.

Như vậy, trung bình có khoảng 30 trường hợp được ghi nhận mới mỗi ngày. Ba ngày gần đây số ca nhiễm mới đã giảm hơn so với những ngày cao điểm trước đó, nhưng số ca nhiễm "chắc chắn sẽ tăng thêm nữa", ông Dũng nói tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố, chiều 4/6.

Theo giám đốc HCDC, điểm đặc biệt và nguy hiểm của đợt dịch này là vòng lây ngày càng ngắn. Có những người chỉ ba ngày kể từ khi tiếp xúc nguồn lây đã phát bệnh. Đến khi ngành y tế phát hiện ra thì đã có một chùm ca nhiễm liên quan đến bệnh nhân rồi.

"Rất có thể dịch đã lây lan từ trước khi chúng ta phát hiện chùm ca đầu tiên, ngày 26/5", ông Dũng nói.

Ông cũng nhận định mặc dù các quận, huyện và TP Thủ Đức đã tích cực ngay từ đầu, truy vết tất cả các F1 liên quan ca dương tính, song nhiều chùm ca đã lây đến vòng thứ ba. Tức là từ một F0 đã có F1 (người tiếp xúc gần với F0), F2 (người tiếp xúc gần với F1) và F3 (tiếp xúc gần với F2) đã dương tính với nCoV.

Do đó, ông đề nghị các địa phương tận dụng khoảng thời gian đang giãn cách xã hội, cố gắng tăng tốc truy vết, xét nghiệm vượt lên trước và chặn nhanh vòng lây tiếp theo. Cụ thể, ngoài lấy mẫu xét nghiệm tất cả các F1 đang cách ly tập trung, cần lấy mẫu cho hai nhóm đối tượng khác, gồm những F2 (đang cách ly tại nhà) được xác định có tiếp xúc gần với các F1, và những F3 có tiếp xúc gần với các F2 này, như người trong cùng gia đình...

Bên cạnh đó, giám đốc HCDC cũng lo ngại, số F2 hiện nay rất nhiều, không thể xét nghiệm toàn bộ được. Do đó, trước mắt ngành y tế sẽ tập trung vào xét nghiệm cho hai nhóm đặc biệt trên, cùng với đó là xét nghiệm diện rộng ở khu vực có ca dương tính.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND thành phố cũng đồng ý phương án truy vết dịch tễ đến F3 thay vì chỉ F1, F2 như trước. Ông Đức cho rằng, chủng Ấn Độ đang lưu hành ở thành phố có tốc độ lây nhiễm rất nhanh, việc thực hiện truy vết sớm, sẽ giúp thành phố sẵn sàng cho những bước tiếp theo.

test-16207957676791204661362

Ảnh minh họa

Trong cuộc họp chiều nay, nhiều địa phương như Gò Vấp, Thủ Đức, TP Thủ Đức... cho biết họ gặp khó khăn lớn khi các khu cách ly tập trung F1 đã đầy, nhưng số F1 cần cách ly tập trung ngày một tăng. Thậm chí, có trường hợp F1 đến khu cách ly, nhưng đến nơi không đủ giường phải quay về để cách ly ở nhà, khiến người dân quanh khu vực rất lo lắng. Các địa phương đề nghị thành phố cho triển khai cách ly tập trung tại khách sạn có thu phí, để người cách ly cùng chung tay với chính quyền.

Với vấn đề này, giám đốc HCDC chia sẻ, ngành y tế yêu cầu mỗi quận, huyện đáp ứng tối thiểu 200 giường, nhưng thực tế, con số này cần nhiều hơn nữa. Thêm vào đó, thời gian cách ly tập trung hiện nay là 21 ngày, khá dài, các cơ sở đang hoạt động không đủ thời gian và công suất để cho người cũ hoàn thành cách ly và nhận người mới.

Ông phân tích, mỗi ngày thành phố ghi nhận trung bình 30 ca dương tính mới. Ước tính tối thiểu mỗi F0 có 20 F1, thì trung bình mỗi ngày có 600 F1 phải đi cách ly tập trung. Tính ra con số này, các địa phương sẽ hình dung công suất cách ly cần phải có và dễ dự trù hơn.

Hiện, một số quận, huyện ngoài cách ly F1 tại khu cách ly tập trung, đã dùng các khu vực khác để tăng công suất cách ly, như quận Tân Bình, Gò Vấp dùng khách sạn, quận Tân Phú dùng khu quân sự, quận Bình Thạnh dùng trường học.

"Các địa phương nên linh động trưng dụng nhiều khu khác nhau để đáp ứng nhu cầu cách ly tập trung lớn như hiện nay", ông Dũng đề xuất.

Từ ngày 18/5 đến nay, TP HCM ghi nhận 314 ca COVID-19, đứng thứ 4 cả nước về số ca COVID-19 cộng đồng trong đợt dịch này. Trong đó, ổ dịch liên quan nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng lớn nhất từ trước đến nay.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM đánh giá "dịch trên địa bàn có dấu hiệu chững lại và số ca nhiễm đang giảm dần". Cụ thể, từ cuối tháng 5, số ca nhiễm tại thành phố tăng mới 50 ca mỗi ngày, Từ ngày 1/6 chỉ tăng mới 43 ca, ngày 2/6 tăng 38 ca và hôm qua 3/6 tăng 26 ca.

"Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ thành phố đã truy vết, khoanh vùng kịp thời", ông Bỉnh nói.

Tuy nhiên, giám đốc Sở Y tế nhận định số ca nhiễm sẽ tăng thêm vì có những ca F1 trước xét nghiệm âm tính nhưng nay mới phát bệnh. Những trường hợp này đã được cách ly nên không còn nguy cơ lây lan cộng đồng. Thời gian tới, thành phố cũng có thể xuất hiện những ca nhiễm không rõ nguồn gốc trong cộng đồng do dịch bệnh đã âm thầm lây lan.

Đào Nguyên

comment Bình luận

largeer