TP.HCM giải thích việc cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm shipper

Sở Công Thương TP.HCM khẳng định các đơn vị quản lý shipper đều có mong muốn tự thực hiện xét nghiệm để được chủ động, "không thể vì một hai ý kiến mà thay đổi chủ trương".
22/09/2021 17:45

Tại họp báo chiều ngày 22/9, trả lời câu hỏi về việc các ứng dụng công nghệ gặp khó khi tự xét nghiệp cho shipper, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết ngày 21/9, Sở đã phối hợp hướng dẫn tập huấn xét nghiệm cho 34 doanh nghiệp giao hàng công nghệ từ 14 đến 16h30.

Các bác sĩ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tham gia hướng dẫn. Từ 19 đến 20h30, Sở Thông tin Truyền thông phối hợp với FPT hướng dẫn doanh nghiệp cập nhật dữ liệu xét nghiệm lên phần mềm, ứng dụng y tế HCM.

"Hôm nay, các doanh nghiệp đang làm quen với việc sử dụng tài khoản cũng như cập nhật thông tin trên phần mềm", ông Phương nói. Ông cho biết chiều 22/9, Sở đã nhận được 63.000 kit test từ HCDC. Sáng 23 và 24/9, Sở sẽ cấp cho các doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm.

Theo ông Phương, thời gian qua khi shipper đăng ký hoạt động tăng, một số địa điểm xét nghiệm quá tải do phân bổ lượng xét nghiệm theo địa bàn, một số địa bàn do shipper quá đông dẫn đến tình trạng tập trung đông. "Tuy nhiên các shipper tập trung đông nhưng xếp hàng trật tự", ông đánh giá.

Ông Phương cho biết các sở ngành đã tham mưu cho lãnh đạo TP và bản thân các doanh nghiệp quản lý shipper đã có đề xuất và liên hệ một số đơn vị, bệnh viện để có xét nghiệm riêng cho shipper.

"Trên tinh thần đó, chúng tôi đã đề xuất cho doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm trên tinh thần hỗ trợ miễn phí kit test", ông nói.

86

Shipper xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại trạm y tế lưu động lưu động trường mầm non Quỳnh Hương (118 Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp) ngày 20/9

Việc khó khăn của doanh nghiệp, ông cho biết đến ngày mai khi triển khai thực tế sẽ có đánh giá. Việc doanh nghiệp tự tổ chức là xu hướng bắt buộc phải thực hiện khi TP mở cửa nền kinh tế thay vì phụ thuộc vào các đơn vị y tế.

"Đồng thời việc, này sẽ phát huy tính chủ động và điều kiện thực tế từng doanh nghiệp. Nếu khó khăn doah nghiệp báo cáo và được cơ quan quản lý hỗ trợ giải quyết. Bây giờ xu hướng chung là các đơn vị đều có mong muốn thực hiện như vậy để họ được chủ động. Không thể vì một hai ý kiến mà thay đổi chủ trương", ông đánh giá.

Trước đó, Gojek nhận định các doanh nghiệp gọi xe công nghệ hoàn toàn không có chuyên môn về y tế cũng như nguồn lực cần thiết để thực hiện việc test nhanh COVID-19, do đó có thể thực hiện không đúng kỹ thuật test mẫu gộp ở quy mô lớn, dễ dẫn đến lãng phí dụng cụ test, và kết quả không chính xác.

Ngày 21/9, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo từ ngày 22/9 đến hết ngày 23/9, các công ty giao nhận và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc ứng dụng do Sở TTTT hướng dẫn.

Sở Y tế sẽ cung cấp bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công Thương theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày/lần. Các doanh nghiệp quản lý shipper nhận bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại Sở Công Thương. Trong thời gian này các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.

Kể từ ngày 24/9 đến ngày 30/9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho dữ liệu dùng chung của TP theo hướng dẫn của Sở TTTT để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Theo Zing

comment Bình luận

largeer