TP.HCM: Số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng "đi ngang"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương phải thiết lập ngay hệ thống đường dây nóng, các đội y tế cộng đồng đến từng khu dân cư để tiếp nhận, giám sát, hỗ trợ y tế tại chỗ cho bất kỳ người dân nào có triệu chứng nghi mắc COVID-19 cũng như các vấn đề sức khoẻ khác.
13/08/2021 21:07

 

bac dam

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 chủ trì cuộc họp.

Những dấu hiệu tích cực

Chiều nay (13.8), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, đến nay, biến thể Delta đã xuất hiện tại 142 nước và vùng lãnh thổ. Với biến thể Delta, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong cao tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, dịch bệnh có thể kéo dài, nhất là tại TPHCM và các địa phương phía Nam. Một số tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch trở lại, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội.

Đánh giá tình hình dịch, Bộ Y tế cho biết tại TPHCM đã bước đầu có những dấu hiệu tích cực, số mắc có xu hướng “đi ngang” sau thời gian triển khai quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị 16 và áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn địa bàn.

a3

Toàn cảnh cuộc họp.

Bộ Y tế đề xuất, nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch quyết liệt như hiện nay thì dịch bệnh tại TPHCM sẽ thực sự có xu hướng giảm trong một vài tuần tới. Các địa phương lân cận có mô hình dịch bệnh tương tự TPHCM ở giai đoạn đầu, đặc biệt tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An có nguy cơ bùng phát rất cao nếu không triệt để thực hiện các biện pháp chống dịch.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận cụ thể về những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chống dịch vừa qua ở các địa phương, nhất là tại TPHCM, để đưa vào kịch bản ứng phó dịch bệnh thời gian tới. Theo đó, nhấn mạnh kinh nghiệm lớn nhất tại các địa phương cho thấy trước hết phải bảo vệ vững chắc vùng an toàn (vùng xanh), đồng thời bao vây, thu hẹp vùng nguy cơ cao, rất cao (vùng cam, vùng đỏ).

Các thành viên Ban Chỉ đạo nêu rõ, trong điều kiện dịch bệnh xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước, tất cả các địa phương đều cần thực hiện nghiêm túc phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện những người đến, về từ địa phương khác. Khi thực hiện giãn cách xã hội nhất thiết phải thực hiện nghiêm, thực chất; tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, “chặt ngoài, lỏng trong”. Khi đã thực hiện giãn cách xã hội phải đảm bảo đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”.

Xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 đề nghị các địa phương phải thiết lập ngay hệ thống đường dây nóng, các đội y tế cộng đồng đến từng khu dân cư để tiếp nhận, giám sát, hỗ trợ y tế tại chỗ cho bất kỳ người dân nào có triệu chứng nghi mắc COVID-19 cũng như các vấn đề sức khoẻ khác.

“TPHCM đã phổ biến các đơn thuốc, phương pháp tự chăm sóc, theo dõi, bảo vệ sức khỏe cho người dân tại các khu cách ly, phong toả… Để bảo đảm người dân không ra khỏi nhà trừ trường hợp thật cần thiết, các địa phương chủ động chuẩn bị phương án vận hành hệ thống phân phối hàng hoá, lương thực, thực phẩm bảo đảm thông suốt, trong đó những người thực hiện giao hàng phải được xét nghiệm định kỳ, tiêm vaccine, có dấu hiệu nhận diện, mã QR…”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, trong công tác xét nghiệm, từ thực tiễn TPHCM, Ban Chỉ đạo lưu ý có tình trạng một số địa phương lạm dụng xét nghiệm nhanh, “ngại” xét nghiệm RT-PCR, do đó, yêu cầu công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả.

Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nếu cần xét nghiệm tầm soát cộng đồng ở những thời điểm nhất định thì thực hiện lấy mẫu đại diện gia đình, xét nghiệm mẫu gộp; dành nguồn lực xét nghiệm để tăng tần suất đối với khu vực bệnh viện, các đối tượng nguy cơ cao (phải di chuyển ra khỏi nhà), người cao tuổi, có bệnh nền. Chú ý hướng dẫn người dân tự lấy mẫu để giảm tải cho lực lượng y tế.

Đức Cường

comment Bình luận

largeer