TP.HCM: Tiếp tục giãn cách xã hội để xử lý triệt để các chuỗi lây nhiễm

Từ 0h ngày 15/6, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 14 ngày, theo Chỉ thị 15 của Chính phủ.
14/06/2021 17:02

Đó là kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM, sáng 14/6.

Giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 14 ngày

Sau khi nghe báo cáo và đề xuất từ các quận, huyện, TP Thủ Đức và các sở, ban, ngành, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết, bằng sự quyết tâm và nỗ lực, sau hai tuần thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15, tại Q. Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Q. 12 theo Chỉ thị 16 thì dịch đã cơ bản kiểm soát.

Tuy nhiên, về tổng thể tình hình vẫn còn phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện liên tiếp các ca bệnh trong cộng đồng, cho thấy dịch xâm nhập vào thành phố từ tháng 5 và qua nhiều thế hệ.

14-6 hop 2

Toàn cảnh cuộc họp ngày 14/6

Chính vì vậy, qua ý kiến đề xuất của các đơn vị sở ngành, quận, huyện, từ 0 giờ ngày 15/6, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm hai tuần; riêng Q.Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Q.12 cũng chuyển từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15.

Tùy theo diễn biến của dịch bệnh và mức độ kiểm soát, thành phố có thể ứng dụng linh hoạt các chỉ thị để phòng, chống dịch bệnh tốt hơn.

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Đến nay tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều đáng ngại, đáng lo dù đã nỗ lực. Số lượng F1, F2 ngày càng lớn, còn nhiều chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây. Dịch bệnh có nhiều khả năng vẫn còn âm thầm lây lan. Do đó, thời gian tới đặt ra một thử thách là biện pháp kịp thời ngăn chặn dịch bệnh và cải tạo lại sản xuất.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đề nghị, bên cạnh sự ứng dụng linh hoạt các chỉ thị, thì thời gian tới Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố cần tăng cường phối hợp, kiểm tra việc thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các cấp, các ngành. Chủ tịch UBND TP, Bí thư các quận, huyện, người đứng đầu các cấp cần chỉ đạo tăng cường thanh kiểm tra tại đơn vị, xem xét các trường hợp để xảy ra lây nhiễm. Nếu có yếu tố lỗi sự chủ quan cần xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố cần chỉ đạo xét nghiệm lại điểm lây nhiễm ở BV Bệnh Nhiệt đới. Tăng cường lực lượng điều tra phục vụ truy vết. Cần chọn người có khả năng, trình độ tham gia vì đây là công đoạn cực kỳ quan trọng, để truy vế chính xác. Cần xử lý nghiêm những người khai báo không trung thực, làm lạc hướng sự truy vết. Đồng thời, thời gian tới cần xúc tiến nhanh các biện pháp sử dụng công nghệ phòng, chống dịch.

Quyết liệt truy vết tận gốc

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá TP.HCM đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, bằng việc huy động mọi nguồn lực tham gia để đạt được các kết quả về kinh tế, xã hội.

Dịch bệnh xâm nhập từ đầu tháng 5, sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, người dân quay trở lại thành phố làm việc và một số người đã mang theo mầm bệnh, trong đó có virus Delta. Virus này lây lan cực kỳ nhanh, có thể gây tử vong nhanh và khó kiểm soát, khó lường, nếu thành phố không kịp thời áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 thì mức độ lây lan sẽ không biết ở mức độ nào.

Theo ông Trương Hoà Bình, kết quả phòng, chống dịch của TP.HCM lại chưa đạt được như mong muốn ban đầu là “phải dẹp được dịch trong nửa tháng”, bởi việc đánh giá nguy cơ mới chủ yếu tập trung vào chuỗi lây nhiễm ở điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, trong khi đó hiện nay xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Thành phố đang giữ được kiểm soát, nhưng chưa đẩy lùi được dịch bệnh và xảy ra những bất cập khó lường, khiến thành phố gặp khó khăn.

Vì thế, bên cạnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phải tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn nữa. Ngoài những giải pháp chung phải tiếp tục truy vết tới tận gốc; truy nhanh, khoanh vùng các ca mới, đảm bảo nắm chắc từng địa bàn và không để lọt các ca. Đây là những yếu tố mang tính quyết định, nếu làm chậm thì mức độ lây lan rất nhanh, kéo theo đó là yếu tố khó lường và lại càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, thành phố cần quản lý chặt chẽ các hoạt động cộng đồng, hoạt động mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, khu cách ly… phải đảm bảo quy trình, quy chế chống dịch và có chế tài xử lý nếu để xảy ra lây lan dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện nghiêm 5K + Vắc xin, đặc biệt nâng cao ý thức người dân, cộng đồng trong việc đeo khẩu trang nơi đông người mới tạo được thế phòng ngự vững chắc.

Tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, xét nghiệm nhanh có trọng tâm, trọng điểm. Chuẩn bị các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến với tính cho 5.000, 10.000, 20.000 ca bệnh, đảm bảo không lây nhiễm chéo trong những khu này.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Không vì dịch mà để ảnh hưởng đến kinh tế, an sinh xã hội, nhưng cũng không vì kinh tế mà đưa ra các giải pháp thiếu mạnh mẽ. Vừa qua thành phố đã xuất hiện các ca bệnh tại khu công nghiệp thì phải tập trung xử lý, đảm bảo có sự giãn cách. Rút kinh nghiệm từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai để làm tốt phòng chống dịch bệnh, đảm bảo dây chuyền sản xuất an toàn”.

Hoài Thương

comment Bình luận

largeer