TP.HCM: Tiếp tục giãn cách xã hội đến cuối tháng 9

Chiều 13/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì họp báo cung cấp thông tin về kế hoạch giãn cách xã hội của TP.HCM sau 15/9.
13/09/2021 17:50

Mở đầu buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ một số kết quả nổi bật và các kế hoạch dự kiến của TP.HCM thời gian tới.

5 kết quả sau thời gian siết chặt giãn cách xã hội

Nói về các kết quả trong phòng chống dịch của thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định trong khoảng thời gian dài, thành phố đã nỗ lực phòng chống dịch, đặc biệt trong đợt cao điểm từ 23/8 đến nay. Thời gian qua, thành phố nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, chia sẻ, tạo điều kiện của Trung ương, các địa phương bạn, người dân trong TP và người dân TP ở nước ngoài.

TP cũng nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở giúp pháp đài xã phường thị trấn, doanh nghiệp phòng chống dịch tốt hơn. Đây là những kết quả quan trọng, có tính chất nền tảng.

15-08-2021-tphcm-tiep-tuc-gian-cach-xa-hoi-theo-chi-thi-16-den-het-ngay-159-7ADBFBD6

Kết quả thứ hai là việc giãn cách được thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả. Tỷ lệ vùng đỏ, cam đã thu hẹp rõ và vùng xanh được mở rộng. Những ngày qua, thành phố đang rà soát, vẽ lại bản đồ vùng xanh. Tuy nhiên, qua rà soát, đến nay có 53% tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản là vùng xanh và tỷ lệ ca dương tính giảm rõ rệt qua các vòng xét nghiệm. Ông Mãi tin thời gian tới vùng xanh sẽ được mở rộng.

Các địa phương như huyện Cần Giờ, Củ Chi, quận 7 đã đạt được kết quả tích cực, chiếu theo tiêu chí của Bộ Y tế thì đây là những địa phương đầu tiên của TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch.

Các địa phương như huyện Nhà Bè, quận 5, 11, Phú Nhuận cũng đạt kết quả tốt. Dự kiến, ngày 15/9 một số địa phương công bố kết quả tích cực như huyện Cần Giờ, Củ Chi, quận 7.

Kết quả thứ ba là công tác quản lý, thu dung, điều trị F0 có cải thiện đáng kể. Từ quản lý F0 tại nhà, mô hình này đã được Thủ tướng đánh giá cao, phù hợp diễn biến dịch phức tạp. F0 được phân loại, tư vấn thường xuyên, tiếp cận thuốc sớm và được hỗ trợ y tế khi có nhu cầu.

Chính vì thế, việc quản lý, thu dung, điều trị F0 tại nhà bằng cách tăng trạm y tế lưu động, sự hiện diện của tổ quân y đã giúp quản lý, thu dung, hỗ trợ F0 trở nên hiệu quả. Bên cạnh đó, năng lực điều trị tại các tầng và kết quả dùng thuốc, sự liên thông giữa các tầng cũng tốt hơn. Nhờ đó, công tác quản lý, thu dung F0 đạt kết quả tốt.

Gần đây, tín hiệu đáng mừng là số ca cấp cứu và tử vong giảm. Đây là chỉ số cho thấy thành phố đang đạt được nhiều kết quả, dần dần tiến đến kiểm soát dịch bệnh ở góc độ giảm ca chuyển nặng và tử vong.

Kết quả thứ tư là tiêm vaccine. Đến nay, thành phố đã đạt trên 6,5 triệu người tiêm mũi 1 - trên 90% dân số trên 18 tuổi. Mũi 2 đạt trên 1,3 triệu mũi - tương đương 19% dân số trên 18 tuổi. Mức độ tiếp cận bao phủ vaccine là điều kiện quan trọng để khôi phục cuộc sống bình thường mới và mở rộng kinh tế xã hội sau này.

Kết quả thứ 5 là trong quá trình thành phố tăng cường siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội thì từng lúc, từng địa bàn, thành phố đã mở ra một số dịch vụ.

Ví dụ như thành phố đã mở rộng hoạt động của siêu thị ở xã, phường, thị trấn gắn với shipper. Với sự tham gia của hệ thống siêu thị và shipper thì việc cung ứng đơn hàng đã tăng đáng kể, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, dịch vụ ăn uống mang về sau này cũng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu ăn uống của bà con.

“Dù giãn cách nhưng TP liên tục điều chỉnh những ngành an toàn để phục vụ người dân”, ông Mãi nói.

Mở cửa an toàn trong điều kiện còn có dịch

Ông Mãi nhận định so sánh với mục tiêu Nghị quyết 86 đề ra và tiêu chí của Bộ Y tế thì thành phố còn một số nội dung chưa đạt tiêu chí. Chính vì thế, để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững hơn và thành phố từng bước nới lỏng, phục hồi hoạt động kinh tế xã hội sao cho hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch và mở lại các hoạt động kinh tế, thành phố quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9.

Một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch tốt như huyện Cần Giờ, Củ Chi, quận 7... thì có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+ để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững và thành phố có thêm sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn phục hồi, mở cửa sau dịch bệnh.

Từ nay đến cuối tháng 9, thành phố tập trung các hoạt động củng cố kết quả, trong đó, tập trung cho việc tiêm vaccine. Mũi 1 hiện đã phủ trên 90% và thành phố sẽ phấn đấu đạt được tỷ lệ mũi 1 cao nhất dù có thể khó đạt 100%.

Đồng thời, TP đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 2 để những trường hợp tới hạn sẽ được tiêm. Các mũi tiêm quy định 8-12 tuần mới tiêm thì TP sẽ xem xét đẩy nhanh tiêm sớm hơn nhằm sớm phủ vaccine. Mục tiêu là nhanh chóng mở lại các hoạt động bình thường.

Việc thứ hai là tập trung củng cố năng lực của y tế cơ sở. Cụ thể là các trạm y tế cố định, lưu động sẽ được củng cố hoạt động; đồng thời, thành phố quan tâm đầu tư, phát triển y tế dự phòng và y tế công cộng.

Song song đó, TP sẽ mở rộng năng lực điều trị để nâng khả năng tiếp nhận và điều trị khi tiến hành mở cửa. Tỷ lệ phủ vaccine và năng lực điều trị của hệ thống y tế là rất quan trọng để TP đủ sức giải quyết các vấn đề.

Thứ ba, thành phố chuẩn bị kỹ hơn kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn sau tháng 9.

Trong tuần này, TP sẽ hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau tháng 9 để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân... Mục tiêu là đảm bảo phòng chống dịch, đồng thời, mở cửa an toàn trong điều kiện còn có dịch.

Thời gian qua, TP đã thí điểm hoạt động của siêu thị, shipper, thương mại điện tử, ăn uống mang về... TP sẽ mở thêm các dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu của bà con nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Ví dụ sản xuất an toàn dịch vụ y tế, giao hàng, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, dịch vụ công ích, các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân theo nguyên tắc an toàn để đáp ứng hoạt động của người dân, doanh nghiệp...

Chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội theo "thẻ xanh COVID-19"

Trước đó, tại hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tối 11/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định có thể TP.HCM không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành.

Do đó, TP.HCM phải “xin thêm” thời gian, có thể tới hết tháng 9 để tập trung thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 86. Ông giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM thảo luận để có văn bản sớm xin ý kiến của Chính phủ.

Tại buổi tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh tối 12/9 của VTV1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết tinh thần là đến cuối tháng 9, TP.HCM vẫn giãn cách theo Chỉ thị 16. Một số địa phương vẫn duy trì Chỉ thị 16+ và một số nơi có tình hình tương đối ổn định như huyện Cần Giờ, Củ Chi có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+.

Sau 15/9, TP.HCM chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội theo "thẻ xanh COVID-19" và "thẻ vàng COVID-19" mà cần thêm một thời gian nữa.

TP.HCM đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội các mức độ. Từ ngày 23/8, TP.HCM siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đó"; người dân được "đi chợ hộ". Công an TP.HCM cấp giấy đi đường cho 17 nhóm đối tượng được phép ra đường.

Ngày 7/9, TP.HCM ban hành văn bản cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày, chỉ được bán hàng mang đi.

Thành phố cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động chỉ trong phạm vi quận, huyện, TP Thủ Đức. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày.

Dự kiến lộ trình phục hồi kinh tế của TP.HCM

Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 đến 31/10), người có "thẻ xanh COVID-19" có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Người có "thẻ vàng COVID-19" có xét nghiệm âm tính với nCoV được tham gia một số lĩnh vực.

Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10 đến 15/1/2022), TP mở rộng các hoạt động được phép cho người có "thẻ xanh COVID-19" gồm: Trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).

Giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), TP lên kế hoạch mở cửa tất cả hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có "thẻ xanh COVID-19".

Linh Nguyễn

comment Bình luận

largeer