TP.HCM tính toán giãn cách xã hội ở nơi nguy cơ cao

Tình hình dịch đang được kiểm soát, nhưng, theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ở nơi nguy cơ dịch bệnh cao, Thành phố sẽ tính toán giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, hoặc chỉ thị 16
28/05/2021 10:05

 

Thông tin này được Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Anh Đức phát biểu tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với TP HCM, ngày 27/5.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức cho biết tính đến 10h hôm nay, Thành phố ghi nhận thêm một số trường hợp dương tính lần một liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (29 người sinh hoạt tại tại phường 3, quận Gò Vấp), nâng tổng số ca dương tính lên tới 25 ca. Thống kê, 16 quận, huyện (TP Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, các quận 1, 3, 4, 5, 10, 12) có người liên quan tổ chức tôn giáo này.

c3

Người dân khu vực Thanh Đa, quận Bình Thạnh được lấy mẫu xét nghiệm, do có ca nghi nhiễm liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng tại quận Gò Vấp

Hiện, lực lượng y tế TP HCM đã lấy mẫu xét nghiệm 70 F1 và 336 F2. Trong ngày 27/5, ngành y tế tiếp tục tầm soát những người tiếp xúc gần với F2 (F3) và xét nghiệm tầm soát rộng ở khu vực phong tỏa. Trước mắt, Thành phố ngừng một số hoạt động, giảm quy mô tập trung xuống dưới 10 người, dừng tất cả các hoạt động liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng; tạm ngừng các cuộc họp không cần thiết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc giãn cách xã hội trên địa bàn TP HCM theo quy mô, mức độ nào, thuộc thẩm quyền của lãnh đạo thành phố. Việc giãn cách xã hội, phong toả và cách ly cần phù hợp, đảm bảo mục tiêu kép, vừa an toàn, vừa phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng nêu rõ các địa phương giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành theo chỉ thị 15, hoặc cách ly xã hội toàn tỉnh theo chỉ thị 16 phải báo cáo Thủ tướng. Việc này để Thủ tướng chỉ đạo bộ ngành, địa phương lân cận phối hợp, tránh tình trạng "ngăn sông cấm chợ". Trường hợp cần giãn cách xã hội quy mô toàn quốc, Bộ trưởng Y tế báo cáo Thủ tướng về mặt hành chính, còn trong chỉ đạo điều hành, trước hết Bộ Y tế báo cáo Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia.

c4

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với TP HCM, sáng 27/5. Ảnh: Đình Nam

"Cho đến giờ phút này, Bộ Y tế chưa khi nào đề xuất giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc. Ngoài ra, nếu thấy tỉnh nào cần thiết phải giãn cách xã hội toàn tỉnh, nhưng lãnh đạo tỉnh đó không đề nghị, Bộ Y tế có quyền đề nghị Thủ tướng chỉ đạo thực hiện", Phó Thủ tướng Đam nói.

Vấn đề giãn cách xã hội ở TP HCM cũng được Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong nêu ra trong buổi làm việc của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố sáng nay. Sở Y tế được lãnh đạo chính quyền TP. HCM giao tham mưu quyết định phạm vi và thời gian thực hiện giãn cách ở những khu vực nguy cơ cao như nơi ở, làm việc của các ca F0.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, khả năng đợt dịch này kéo dài hơn các đợt trước. Không loại trừ F0 còn ở cộng đồng vì chuỗi lây nhiễm ở hẻm 257 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 và ở điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo phục hưng vẫn chưa tìm được nguồn lây. "Ngành y tế Thành phố cố gắng sớm tìm ra nguồn lây của điểm sinh hoạt tôn giáo này", ông Phong nói.

Tại buổi làm việc này, Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Văn Nên nêu quan điểm thành phố phát hiện tới đâu giãn cách tới đó. Tuy nhiên, ở chuỗi lây nhiễm này chưa nắm được nguồn lây, nên việc giãn cách ban đầu cần tính toán rộng phạm vi rồi thu hẹp dần. Việc giãn cách cần hạn chế tối đa thiệt hại, ảnh hưởng người dân.

Hồi tháng 2/2021, khi ổ dịch ở Sân bay Tân Sơn Nhất bùng phát, lây lan ca nhiễm cộng đồng tới nhiều quận huyện, UBND Thành phố yêu cầu áp dụng Chỉ thị 16 - giãn cách xã hội ở khu vực ghi nhận người nhiễm nCoV tại 6 quận và TP Thủ Đức. Những khu vực nằm gần nơi có ca nhiễm có thể áp dụng Chỉ thị 15. Trước đó, từ đầu tháng 4/2020, cùng với 11 tỉnh thành có nguy cơ cao, TP HCM đã 22 ngày áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Viết Tuân

comment Bình luận

largeer