TP.HCM: Vẫn đủ nguồn thực phẩm nếu Vissan ngừng cung cấp

Ngay sau khi Vissan thông báo hôm nay (28/7) tạm ngừng giao thịt heo tới các hệ thống siêu thị và điểm bán ở TP HCM để củng cố công tác phòng chống dịch, các hệ thống siêu thị cho biết họ luôn có nguồn hàng thay thế.
28/07/2021 20:20

 

Nếu Vissan ngưng cung cấp hàng, siêu thị TP HCM sẽ đề nghị các đầu mối khác tăng cường, còn cơ quan nhà nước đã kết nối các nguồn từ Đồng Nai để thay thế.

Theo đó, Saigon Co.op đã tăng cường nguồn hàng từ các nhà cung cấp khác để bù cho lượng thịt nhập từ Vissan. Đặc biệt là khu vực TP HCM, nhà cung cấp Anh Hoàng Thy và Nam Phong đã tăng nguồn hàng. Đồng thời, siêu thị này cũng tăng lượng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản để người dân có thêm lựa chọn thay thế thịt heo khi cần.

Tại các hệ thống Satra, Aeon mall...cũng cho biết sẽ điều tiết nguồn hàng thay thế khác từ nhiều đầu mối. Ông Bùi Trung Chính, Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm, Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, tính đến hiện tại, công ty chưa ghi nhận bất kỳ khó khăn nào từ phía các nhà cung cấp trong việc cung ứng mặt hàng thịt heo.

Ông khẳng định Aeon Việt Nam vẫn đủ nguồn cung thịt heo tươi mỗi ngày với mức giá ổn định tại 2 siêu thị Aeon Tân Phú và Bình Tân, phục vụ nhu cầu mua hàng của người dân trên cả 3 kênh bao gồm tại siêu thị, qua các kênh trực tuyến và các điểm bán hàng lưu động.

"Hiện chúng tôi vẫn duy trì nhập vào trung bình khoảng 3-4 tấn thịt heo tươi mỗi ngày. Vì thế, người dân có thể an tâm về nguồn cung ứng và giá cả các mặt hàng thịt heo tại các siêu thị Aeon khu vực TP HCM" ông nói và cho biết, trước đó, các siêu thị của Aeon đã chủ động tăng lượng dự trữ các mặt hàng bảo quản lạnh được chế biến từ thịt như xúc xích, giò chả,... để đáp ứng nhu cầu mua lương thực, thực phẩm của người dân.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM cũng cho rằng, Vissan thông báo tạm ngưng cung ứng mặt hàng thịt khay để củng cố công tác phòng chống dịch tại nhà máy có thể làm gián đoạn việc cung ứng nguồn thịt cho các hê thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên, trên bình diện tổng thể, thành phố không có ảnh hưởng lớn do nguồn cung từ các địa phương rất dồi dào.

"Hiện Vissan cung cấp mỗi ngày khoảng 600 con heo, tương đương 10% tổng lượng cung của thành phố. Bên cạnh Vissan, các đơn vị cung ứng khác như Sagrifood, Masan, Anh Hoàng Thi, CJ, CP, Feddy... vẫn còn dư thừa công suất và năng lực cung ứng sẽ có kế hoạch bù đắp nguồn", ông Phương nói và cho rằng, các hệ thống phân phối hiện đại vẫn có thể tiếp tục cung ứng thịt từ nguồn thịt đông lạnh và các cửa hàng đại lý của Vissan vẫn đang duy trì cung ứng heo mảnh thông qua nguồn cung từ các đối tác.

g d

TPHCM đủ nguồn thực phẩm cho người dân

Ông Phương cho biết thêm, thời gian qua, số lượng các chợ truyền thống tạm dừng hoạt động khá nhiều nên kênh phân phối tại các chợ của Vissan thực tế cũng đã tạm dừng. Vì vậy, việc cung ứng mặt hàng thịt gia súc sẽ không có nhiều ảnh hưởng và giá cả vẫn tiếp tục ổn định trên địa bàn thành phố.

Cũng khẳng định có nguồn thịt heo dồi dào để thay thế, lãnh đạo tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cho biết, cách đây hai ngày, tổ này đã làm việc với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để nắm bắt tình hình thị trường, kết nối cung cầu và điều tiết hàng hoá thiết yếu trong khu vực phục vụ người dân, nhất là TP HCM.

Đồng Nai cũng là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi lớn nhất cả nước với tổng đàn heo gần 2,5 triệu con, hoàn toàn có thể cung ứng thêm nguồn cung cho TP HCM khi thiếu hụt.

Trong thông báo mới nhất được phát đi chiều nay (28/7), Vissan cho biết đã được UBND quận Bình Thạnh, Trung tâm Y tế Bình Thạnh chuyển các ca F1 đến tập trung trên địa bàn nên công ty vẫn tiếp tục cung ứng nguồn hàng thực phẩm tươi sống tại thị trường TP HCM. Riêng với hoạt động kinh doanh khác, công ty sẽ khôi phục dần dần khi lực lượng lao động tại các khu vực cách ly đủ điều kiện trở lại làm việc.

Trước đó, Vissan đã gửi công văn lên cơ quan chức năng đưa ra 2 phương án hoạt động và tạm ngưng hoạt động khi có 43 ca F0 và hàng trăm ca F1,F2.

Trong đó, phương án thứ nhất, đưa toàn bộ các trường hợp F0 cách ly tập trung theo quy định. Các nhân sự còn lại sẽ thực hiện xét nghiệm sàng lọc và sau đó kết quả kết quả âm tính công ty sẽ bố trí các nhân sự này vào các khu vực riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng để tiếp tục sản xuất. Các đối tượng này sẽ được xét nghiệm định kỳ ba ngày một lần. Tiếp tục bóc tách phân lập những nhân sự có kết quả âm tính tập trung lại với nhau thành các khu riêng biệt độc lập để đảm bảo an toàn cho người lao động.

Phương án hai là gửi các ca thuộc đối tượng F1 về địa phương khi kết quả xét nghiệm âm tính và tiến hành cách ly F2 không được sản xuất theo quy định. Do đó công ty đề nghị được dừng sản xuất cho đến khi số lượng F1 và F2 hết thời hạn cách ly được quay trở lại làm việc. Nếu thực hiện phương án này công ty có khả năng ngừng hoạt động 3 đến 4 tuần.

 

Theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, một số ngành hàng nguồn cung dồi dào và có nhiều dấu hiệu dư thừa. Ví dụ như các loại rau củ, trái cây và thuỷ sản cần tiêu thụ tới gần 6.000 tấn mỗi ngày.

Đến ngày 26/7, có 414 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác để được hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Các tỉnh đã tháo gỡ khó khăn về lưu thông nên lượng hàng về các đầu mối đang tăng.

 

Minh Linh

comment Bình luận

largeer