Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của thủy điện sau khi xả lũ?
Người dân trắng tay vì không kịp di tản
Con sông Rô chảy từ phía huyện Phước Sơn theo đường Hồ Chí Minh về xã Cà Dy bỗng cuồn cuộn sóng. Nước đổ về nhanh khiến bà con ở đây không kịp di tản. 15g, thủy điện Đắk Mi 4 thông báo xả lũ. Tin chưa kịp truyền tới tai dân thì 15g30, nước đã ầm ầm chảy xuống, nhấn chìm làng Pà Ong trong biển nước.
Anh ALăng Ơn - ở làng Pà Ong, xã Cà Dy - bàng hoàng khi nhìn vào ngôi nhà tan hoang của mình sau trận lũ. Chỉ sau một đêm, tất cả tài sản, cơ ngơi của vợ chồng anh trôi theo dòng nước. “Mất hết rồi. Tiền bạc, giấy tờ cũng không còn” - anh Ơn thẫn thờ.
Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ với lưu lượng lớn khiến hạ du ngập trong biển nước.
Vợ chồng anh Ơn nấu ăn cho học sinh Trường trung cấp nghề Thanh niên dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam, cách nhà vài cây số. Khi bão số 9 xảy ra, nước lũ dâng cao, vợ chồng anh không thể về nhà, phải ở lại trường. Bão tan, lũ rút, anh cùng vợ tất tả về làng, cùng chết lặng khi căn nhà chỉ còn lại khung gỗ trống hoác. Phải mất một lúc lâu, hai người mới định thần, đi quanh tìm những gì còn sót lại dưới lớp bùn đất. “Cũng may, ba đứa con đã gửi về nội” - anh Ơn rùng mình.
Làng có 25 hộ thì hơn phân nửa chịu chung số phận. Lũ vùi không thương tiếc. Bao nhiêu của cải đều trôi sạch. Anh Bhờ Nướch Ninh cho biết, chưa bao giờ, anh thấy nước lũ về nhanh và nhiều như vừa rồi. “Khoảng 14g bão vô, chưa kịp tan thì 16g nước lũ đổ về, không ai kịp mang theo thứ gì, phải bỏ của chạy lên đồi cao, chỉ 30 phút sau, nước đã ngập nhà hơn 2m. Bàn ghế, áo quần, lúa gạo trôi hết, bây giờ chẳng còn gì” - anh Ninh kể.
Cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền từ trưa 28/10 rồi quần thảo 4-5 giờ. Người dân làng Pà Ong vừa chạy bão xong thì lại phải vật lộn với lũ. “Sức người có hạn. Đến khi mệt quá cũng đành phó mặc cho số phận” - ông Bling Phấn - ở làng Pà Dấu 1, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang - thở dài. Nhà ông cũng chẳng còn gì sau cơn lũ.
Theo báo cáo của UBND huyện Nam Giang, trong cơn bão số 9 vừa qua, ngoài một người bị thương, còn có bốn căn nhà sụp đổ hoàn toàn, hơn 80 căn nhà tốc mái, hư hại, 275 căn nhà bị ngập lụt, đất đá trôi vào nhà, hàng trăm gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, tuyến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nặng.
Trước lũ, lúc 15g ngày 28/10, Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Mi thông báo, thủy điện Đắk Mi 4 dự kiến sẽ vận hành xả lũ vào lúc 15g30 ngày 28/12, lưu lượng xả tràn dự kiến 11.400 m3/giây. Việc xả lũ chỉ diễn ra sau 30 phút kể từ khi có thông báo. Xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ cách hồ thủy điện Đắk Mi 4 lần lượt khoảng 40 và 50km.
Lửng lơ chuyện bồi thường cho dân
Ông A Viết Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang - cho rằng việc thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ ngay và trong cơn bão với lưu lượng lớn là không hợp lý, là nguyên nhân chính gây hư hại nhà cửa của dân.
Làng Pà Ong xơ xác sau khi bị lũ quét qua.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Giang - trước đây thủy điện Đắk Mi 4 có trang bị hệ thống loa thông báo xả lũ tại các cụm dân cư, nhưng khoảng ba năm trở lại đây, hệ thống loa này đã bị hỏng mà không được sửa chữa, khiến người dân không được thông báo xả lũ kịp thời. “Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Mi có trách nhiệm trong việc xả lũ gây ngập úng, mất mát tài sản người dân” - ông Chương khẳng định.
Thế nhưng, trong ngày 3/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam có văn bản cho rằng, thủy điện Đắk Mi 4 đã cắt lũ được cho hạ du khỏi ngập nặng.
Theo văn bản này, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 (cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua), trên lưu vực hồ Đắk Mi 4 đã xuất hiện mưa đặc biệt lớn cục bộ dẫn đến lưu lượng nước về hồ lớn bất thường trong thời gian ngắn. Do vậy, buộc phải vận hành giảm lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn đập, lưu lượng xả lớn nhất (7.074 m3/s) thấp hơn rất nhiều so với lưu lượng lớn nhất về hồ (13.398,39 m3/s). Hơn nữa, việc quyết định lưu lượng xả tối đa được thực hiện từ lúc 16g nhằm tranh thủ thời gian còn thuận lợi để di dời dân, nếu xả muộn hơn sẽ vừa mất an toàn đập, vừa khiến nước dâng đột ngột vào ban đêm, gây hậu quả vô cùng lớn.
“Như vậy, sau 17 giờ vận hành giảm lũ cho hạ du, hồ Đắk Mi 4 đã cắt được đỉnh lũ 13.398,39m3/s (vượt lũ thiết kế 11.400m3/s) và điều tiết về hạ du với lưu lượng trung bình bằng 56,09% lưu lượng đến và nhờ đó, đã giảm lũ cho hạ du được 43,91%” - văn bản này nêu.
Cũng trong văn bản này, thủy điện Đắk Mi thừa nhận, do việc vận hành quá khẩn cấp nên việc thông báo cho chính quyền và nhân dân cũng có phần khẩn cấp, gây ảnh hưởng cho người dân là không thể tránh khỏi.
Một chuyên gia trong ngành thủy lợi cho rằng, nói thủy điện Đắk Mi 4 đã cắt lũ cho phía hạ du chỉ là nhìn từ con số. “Họ nói nếu không có thủy điện thì hơn 13.000m3 nước đó sẽ đổ thẳng xuống hạ du, gây nên lũ lịch sử. Nhưng tại sao họ không đặt ngược lại vấn đề là, nếu không có thủy điện Đắk Mi 4, lượng mưa đó sẽ được phân bổ đều trên diện rộng của tất cả các địa phương, sẽ có lũ nhưng không tàn phá đến mức nặng nề như thế. Hơn nữa, khi thủy điện tích nước rồi không chịu được nữa thì xả tống, xả tháo, chẳng khác gì một vòi tăng áp đang xịt nước vào hạ du. Làm sao chịu cho thấu?” - vị này phân tích.
Trao đổi với chúng tôi chiều 3/11, ông A Viết Sơn cho biết, chính quyền địa phương và đại diện Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Mi đã lập đoàn kiểm tra những thiệt hại do lũ để tiến hành đền bù. Tuy nhiên, phía công ty chưa cho biết có đền bù cho người dân hay không.
“Chúng tôi sẽ làm việc với đồng chí chủ tịch UBND tỉnh để đề xuất phương án di dời một số hộ dân. Cần phải làm nhà tránh lũ cho cộng đồng, trang bị ca-nô, bo bo để ứng cứu kịp thời mỗi khi có lũ xảy ra. Đặc biệt là phải có quy định cụ thể về thời gian, thời điểm xả lũ chứ không thể mới thông báo xả lũ, dân chưa kịp nghe thì lũ đã về rồi” - ông Sơn nói.
Theo luật sư Ngô Thanh Tài (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam), nếu thủy điện không đền bù thiệt hại cho người dân thì họ có thể khiếu nại tập thể lên tòa án tỉnh. “Đây thuộc về trường hợp khiếu nại bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự. Nếu muốn khởi kiện Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Mi, phải đảm bảo được ba yếu tố: phải chứng minh được hành vi vi phạm (lỗi), có thiệt hại xảy ra, chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả” - luật sư Tài cho hay. |
Theo Phunuonline
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Reborn Lift – Phương pháp trẻ hóa đa điểm giúp căn chỉnh gương mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng
Phương pháp Reborn Lift được nhiều chị em lựa chọn vì mang đến giải pháp trẻ hóa toàn diện, giúp điều chỉnh các đường nét khuôn mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng, tạo nên vẻ đẹp hài hòa và tự nhiên. Sử dụng công nghệ nâng cơ đa điểm tiên tiến, Reborn Lift không chỉ giúp làn da trở nên săn chắc mà còn hỗ trợ định hình cấu trúc khuôn mặt, duy trì sự cân đối và nét tươi trẻ lâu dài.November 23 at 6:06 pm -
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm