Tranh cãi về thời gian cách ly Covid-19

Một số nhà nghiên cứu cho rằng bệnh nhân Covid-19 dễ lây lan virus nhất vào hai ngày trước và 5 ngày sau khi triệu chứng bắt đầu.
02/12/2020 14:54

Các chuyên gia Mỹ, Pháp đề xuất rút ngắn thời gian cách ly bởi cho rằng người nhiễm nCoV chỉ lây lan virus mạnh nhất 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng.

Tháng 11, tiến sĩ Muge Cevik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Đại học St. Andrews, Mỹ, cùng các đồng nghiệp xuất bản một báo cáo trên tạp chí Lancet. Theo đó, họ cho rằng bệnh nhân Covid-19 dễ lây lan virus nhất vào hai ngày trước và 5 ngày sau khi triệu chứng bắt đầu.

Nhóm đã phân tích quá trình lây nhiễm nCoV, sau đó so sánh với SARS và MERS. Họ xem xét gần 1.500 nghiên cứu được công bố từ năm 2003 đến năm 2020 về thời gian truyền bệnh của hàng nghìn người. Hầu hết trong số đó đều ốm đến mức phải nhập viện.

cach ly

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch mũi của một tài xế tại trạm xét nghiệm lưu động ở thành phố Oakland, California. Ảnh: NY Times

Nhóm phát hiện cả người bệnh không biểu hiện và có triệu chứng đều mang cùng một lượng nCoV. Song dường như người không triệu chứng đào thải virus khỏi cơ thể nhanh hơn. Phân tích kết luận người mắc Covid-19 dễ lây lan nhất trong một hoặc hai ngày trước và khoảng 5 ngày sau khi có biểu hiện đầu tiên. Tuy nhiên, họ có thể mang các mã di truyền của virus (không phải virus sống) trong khoang mũi, cổ họng tới 17 ngày. Cá biệt, một số trường hợp kéo dài ba tháng.

Người cao tuổi có xu hướng nhiễm nCoV lâu hơn. Song chưa có bằng chứng cho thấy virus sống quá 9 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng. Kết quả dương tính sau đó đều do kit xét nghiệm phát hiện các đoạn gene chứ không phải virus sống, bởi giai đoạn lây lan đạt đỉnh tương đối nhanh trong quá trình mắc bệnh, nhân viên y tế tại các phòng khám công cộng có nguy cơ nhiễm virus cao hơn người làm việc trong khu hồi sức tích cực.

Nghiên cứu mới đặt ra câu hỏi: Liệu có nên rút ngắn thời gian cách ly để người dân chấp hành nghiêm chỉnh hơn không? Nên kéo dài khoảng thời gian này để ngăn chặn triệt để các ca nhiễm trong cộng đồng?

Hồi tháng 7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) đã giảm khuyến cáo cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày. Song đây vẫn là khoảng thời gian quá dài đối với nhiều người. Bệnh nhân có thể gặp vấn đề về tài chính, hoặc cảm thấy bệnh tình của bản thân không đủ nghiêm trọng để làm điều này. Cơ quan đang xem xét rút ngắn thêm và ban hành hướng dẫn mới nhất vào tuần tới.

Angela Rasmussen, chuyên gia virus tại Trung tâm Khoa học và An ninh Y tế Toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho biết: "Nếu thời gian cách ly ngắn hơn, nhiều người sẽ sẵn sàng tuân thủ các nguyên tắc về sức khỏe cộng đồng".

Tháng 9, Pháp đã giảm ngưỡng tự cách ly từ 14 ngày xuống còn 5 ngày đối với người nhiễm nCoV và diện tiếp xúc F1. Tiến sĩ Cevik cho biết: "Đặt thời gian cách ly là 5 ngày có vẻ dễ chịu và giúp khuyến khích người bệnh tuân thủ nghiêm túc hơn".

Một khảo sát tại Anh thực hiện hồi tháng 9 cho thấy chỉ một phần năm trong số những người được hỏi thoải mái với việc cách ly 10 ngày. Dù tiến hành xét nghiệm nhiều hơn, nếu không thể đảm bảo mọi người tự cách ly theo quy định, họ không nghĩ chúng ta kiểm soát được sự lây lan của virus.

Tại Mỹ, nhiều người chờ khoảng một đến hai ngày sau khi biểu hiện triệu chứng bệnh mới đi xét nghiệm. Với tình trạng chậm trễ hiện nay, họ nhận kết quả sau hai hoặc ba ngày, vào cuối thời gian virus trong cơ thể phát tán mạnh mẽ.

Tiến sĩ Michael Mina, chuyên gia virus tại Đại học Harvard, cho biết: "Dù có làm xét nghiệm PCR, khi bạn nhận được kết quả, 90% quá trình virus lan truyền đã xong rồi. Nghiên cứu này cho thấy thời gian lây nhiễm của một người ngắn đến mức nào".

Tiến sĩ Megan Ranney, khoa cấp cứu Đại học Brown, cho biết một số bệnh nhân có thể mang virus trong phổi khoảng 8 ngày sau khi bắt đầu triệu chứng. Đối với những người này, thời gian cách ly có thể kéo dài hơn 5 ngày.

Phân tích mới vẫn có một số điểm hạn chế. Người cao tuổi hoặc các ca nhiễm nặng có thể mang virus lâu hơn một tuần. Tuy nhiên, nếu việc rút ngắn thời gian cách ly khiến người dân sẵn lòng hợp tác hơn, lợi ích của nó đối với cộng đồng sẽ lớn hơn rủi ro, theo tiến sĩ Stefan Baral, chuyên gia dịch tễ, Đại học Hopkins.

Một số quốc gia đã áp dụng chính sách hỗ trợ cách ly cho người dân. Hồi tháng 5, chính phủ Nhật Bản yêu cầu các bệnh nhân trẻ, ít triệu chứng ở nhà trong 4 ngày trước khi đi xét nghiệm. Hướng dẫn của nước này yêu cầu người bệnh tham khảo ý kiến của bác sĩ qua điện thoại và chỉ đi kiểm tra nếu có khả năng cao nhiễm virus. Bất cứ ai có kết quả dương tính đều được đưa vào bệnh viện hoặc khách sạn để cách ly. Tại Mỹ, thành phố New York và Vermont cũng có chính sách tương tự.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer