Tranh cãi việc Trung Quốc chỉ cấp thị thực cho người tiêm vaccine 'made in China'

Trung Quốc đang tiếp tục xử lý thị thực cho người nước ngoài từ hàng chục quốc gia, nhưng chỉ khi họ đã được tiêm phòng bằng loại vaccine COVID-19 do nước này sản xuất.
19/03/2021 06:32

Theo trang The Guardian (Anh), động thái này đang làm dấy lên nhiều tranh cãi khi vẫn còn nhiều quốc gia đã mở cửa đi lại với Trung Quốc nhưng chưa phê duyệt các loại vaccine của nước này. 

Trong tuần này, đại sứ quán của Trung Quốc ở khoảng 20 quốc gia đã công bố chính sách mới, nhằm nới lỏng việc cấp thị thực cho những người đã tiêm vaccine do nước này sản xuất. Trung Quốc sẽ không chấp nhận người nước ngoài tiêm vaccine được sản xuất ở nơi khác nhập cảnh vào nước này, kể cả những loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới WHO chấp thuận.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 15/3, những người đến Trung Quốc với mục đích làm việc và thăm người nhà sau khi đã tiêm vaccine COVID-19 của Trung Quốc có thể xin cấp thị thực theo các yêu cầu như trước khi có dịch.

Tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho biết nước này hiện sẽ cho phép "công dân nước ngoài và các thành viên gia đình của họ đến Trung Quốc đại lục để tiếp tục làm việc và sản xuất trong các lĩnh vực khác nhau". Trung Quốc cũng mở rộng phạm vi đi lại cho các “mục đích nhân đạo” không khẩn cấp, dành cho các thành viên gia đình của công dân hoặc cư dân Trung Quốc muốn đến thăm, đoàn tụ gia đình, chăm sóc người thân già yếu, ốm đau hoặc dự đám tang.

1803-sinovac

Bắc Kinh đã cấm hầu hết việc đi lại không cần thiết đến Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch. Việc mở cửa trở lại chính là nỗ lực phục hồi kinh tế mà nhiều quốc gia đang hướng đến, trong đó có hộ chiếu vaccine được các quốc gia cùng nhau công nhận, trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới đang triển khai các đợt tiêm phòng trong nước.

Cho đến nay, Trung Quốc mới mở cửa cho người nước ngoài từ các khu vực bao gồm Hong Kong, Mỹ, Anh, Ấn Độ, Australia, Iraq, Thái Lan, Croatia, Israel, Pakistan và Philippines. Bất kỳ ai nhập cảnh vào nước này cũng phải tiêm 2 mũi vaccine hoặc mũi đầu tiên ít nhất 14 ngày trước khi nộp đơn xin thị thực. Đặc biệt, vaccine phải là một trong những loại được sản xuất trong nước. Cùng với đó, các biện pháp cách ly và xét nghiệm vẫn được áp dụng.

Trung Quốc lần đầu tuyên bố thay đổi đối với quy trình cấp thị thực cho người nước ngoài ở Hong Kong, nơi Sinovac của Trung Quốc là một trong những loại vaccine đã được cung cấp cho công chúng. Vaccine của Trung Quốc cũng đã được chấp thuận sử dụng ở Philippines, Thái Lan và Iraq. Nhưng vẫn còn một số quốc gia khác mà Trung Quốc đã mở cửa đi lại không có sẵn vaccine của nước này.

Điều này có nghĩa là những người ở Australia - những người chỉ có thể tiêm vaccine đã được phê duyệt do bác sĩ kê đơn - sẽ bị loại khỏi danh sách cấp thị thực đến Trung Quốc theo mặc định.

Paul Griffin, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Australia, cho biết có khả năng các cơ quan quản lý của nước này cuối cùng sẽ chấp thuận một loại vaccine của Trung Quốc. Tuy nhiên, không rõ Cục Quản lý Hàng hóa Trị liệu (TGA) có xem xét hay không và chắc chắn không có thỏa thuận mua bán.

Sau những chỉ trích ban đầu và sự nghi ngờ về việc thiếu dữ liệu thử nghiệm, giờ đây vaccine của Trung Quốc đã được chấp thuận rộng rãi hơn, mặc dù tỷ lệ hiệu quả được báo cáo rất khác nhau.

Trung Quốc hiện có 5 loại vaccine được phê duyệt để sử dụng chung hoặc khẩn cấp, trong đó có 3 loại đang được phân phối cho nước ngoài thông qua thương mại hoặc viện trợ. Việc thúc đẩy cung cấp vaccine ra thị trường quốc tế của Trung Quốc được cho là một chiến dịch “ngoại giao vaccine” nhằm nâng cao vị thế của nước này trên trường quốc tế, với tư cách là một quốc gia có đóng góp cho sức khỏe toàn cầu, chủ yếu tập trung ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.

Trong một cuộc họp báo hôm 16/3, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã phủ nhận quy định được đưa ra nhằm mục đích thúc đẩy các nước khác công nhận vaccine của Trung Quốc.

“Đề xuất của chúng tôi được đưa ra sau khi xem xét kỹ lưỡng tính an toàn và hiệu quả của vaccine Trung Quốc,” ông nói. “Đây là một thỏa thuận do phía Trung Quốc đơn phương đưa ra. Nó khác hoàn toàn với việc công nhận vaccine ”.

Ông Robert Booy, chuyên gia về vaccine và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sydney, cho biết tuyên bố của Bắc Kinh là "một dấu hiệu tốt" cho những người muốn quay trở lại Trung Quốc làm việc.

“Tôi nghĩ rằng tất cả các quốc gia, dù Trung Quốc hay bất kỳ nước nào, đều tự hào về một loại vaccine an toàn, hiệu quả và sẽ muốn chứng kiến một loại vaccine chất lượng được sử dụng rộng rãi. Do đó, tôi muốn đưa chính trị ra khỏi vấn đề này”, ông nói.

Nhưng thực tế, vaccine do Trung Quốc sản xuất hiện không có sẵn ở nhiều nước đã khiến mọi thứ trở nên khó khăn. “Tôi hy vọng các nhà chức trách Trung Quốc sẽ chấp nhận bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào có uy tín,” ông Booy nói.

Theo Báo tin tức

comment Bình luận

largeer