Trâu với phong tục của các dân tọc thiểu số Việt Nam

Không chỉ trở thành vật nuôi phổ biến và có tác động to lớn tới truyền thống văn hóa của người Kinh, trâu còn là loài vật hiện diện trong đời sống và phong tục của các dân tộc thiểu số Việt Nam, ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp tạp quán và bản sắc của họ.
05/03/2021 10:42

BRU - VÂN KIỀU

Trên đầu đốc nhà của người Bru - Vân Kiều có cắm bộ phận hình một chiếc sừng trâu để trang trí và trừ ma quỷ.

Đối với các đôi vợ chồng, chỉ khi tổ chức được lễ “khơi” thì người vợ mới thực sự thuộc nhà chồng. Lễ thường có giết trâu và việc trao tặng vật giữa cậu và vợ chồng người cháu được tiến hành trong lễ đâm trâu này.

CHĂM

Trâu là con vật không thể thiếu trong nhiều nghi lễ, phong tục của người Chăm. Nó là lễ vật dâng cúng thần linh, ông bà, cha mẹ, thu hút sự chăm lo giúp sức của người thân và bà con láng giềng. 

Vào tháng Bảy theo lịch Chăm, cứ 7 năm một lần, một con trâu trắng dùng làm lễ vật được đem dâng cúng với nghi lễ linh đình tại chân núi Đá Trắng (núi Giang Patao) thuộc làng Như Bình, Phước Thái, Ninh Phước (Ninh Thuận). Còn vào tháng Tư theo lịch Chăm hàng năm, lễ hội chém trâu tế thần được tổ chức cầu kỳ ở Lạc Tánh (Bình Thuận), một con trâu đực lành lặn được cúng dâng thần linh tại đền Pô Rum Păn.

THÁI

Trâu giữ vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống kinh tế với câu tục ngữ “Con trâu là cái nền nhà” (Tô quai tại hương). Trâu cũng được sử dụng vào mục đích tín ngưỡng, tôn giáo, là lễ vật cúng tế trong đám tang nhà giàu, chức dịch hoặc bậc cao niên và nhất là các dịp cúng bản cúng mường để tạ ơn trời đất, cầu an cho dân. Ngày Tết, trâu được ăn bánh chưng, lá dong...

Người Thái Mường Lò ở Văn Chấn (Yên Bái) còn có tục cúng vía trâu: lễ cúng được tổ chức trang trọng vào sáng sớm Tết “xíp xí”, tức ngày 14 tháng Bảy

CƠ HO

Trâu được coi là tài sản quý nhất, rồi mới đến chiêng, ché. Trâu đực thường được nuôi để dành riêng cho việc tế thần.

CƠ TU

Trâu là hình ảnh thiêng liêng nối kết ước vọng của con người với thế giới thần linh. Nghi lễ Khóc tế trâu (Boóch tế trâu) có điệu hát Lý khóc trâu và nhạc chuông riêng đặc sắc. Trâu còn được coi là đơn vị tài sản cơ bản để đánh giá, trao đổi, mua bán hàng hóa giá trị cao.

Nhà công cộng (gươl) của dân làng là công trình khang trang, bề thế và đẹp nhất. Ngôi nhà này được tạo hình đầu trâu trên mặt ván be quanh sàn, vừa để trang trí, vừa dùng làm bậc lên xuống, cứ mỗi cặp sừng trâu là một bậc. Còn nhà mồ (pinh blâng) thì có hai cột ngang đỡ mái được kéo dài với đầu nhô ra phía trước cũng là hình đầu trâu.

bna_image_6289864_2662020

DAO 

Mỗi họ dùng một con thú khác nhau làm lễ vật chính cúng tổ tiên. Họ Phùng dùng dê, họ Bàn dùng bò..., còn họ Triệu thì dùng trâu để cúng.

Sừng trâu là biểu tượng may mắn của người Dao đỏ. Nó thường được khắc tên người chủ gia đình và luôn được treo hoặc cắm trên đầu một cây gậy gỗ, để cạnh bàn thờ - nơi trang trọng nhất trong nhà.

GIA RAI

Trong lễ bỏ mả (đoạn tang) có tục đâm trâu cúng người chết. Khách mỗi làng đến dự tập hợp thành một đoàn và mang theo dàn cồng chiêng để tham gia trình diễn. Kết thúc lễ bỏ mả, mỗi đoàn đều được chia phần gồm 1 đầu trâu và 1 đuôi trâu.

KHƠ MÚ

Khi cậu chết, cháu rể tổ chức tang lễ và được hưởng một đùi trâu cúng.

LA CHÍ

Dân tộc La Chí có giết trâu cúng người chết và đem sọ trâu treo bên mộ. Lễ vật cúng hồn gia chủ, ngoài các món thịt lợn, chuột, chim, cá, còn có da trâu luộc và thịt trâu chua (đã để 7-10 ngày cho lên men). Cũng theo phong tục của dân tộc này, mỗi bản có một nhà cúng bái chung, tại đó khoảng 3 năm có tế bằng trâu một lần, sọ trâu tế đều được lưu giữ dưới mái nhà. Hàng năm, khi ăn Tết Cơm mới (tháng 8 âm lịch), người La Chí gói cơm gạo mới vào lá và cuộn trong cỏ cho trâu ăn trước. Sáng mồng 1 Tết Nguyên đán, trâu còn được ăn bánh chưng do chủ nhà cố ý bỏ sót trong lá bánh.

LỰ

Tập tục người Lự quy định nếu gái bỏ chồng sẽ bị phạt 1 trâu, trai bỏ vợ sẽ bị phạt 1 bò.

Giống như người Thái Mường Lò, người Lự cũng có tục cúng vía trâu.

bna_nghi_le_ruoc_trauanh_dang_cuong8705222_2662020

MÔNG

Đám ma cần có lợn và trâu

hoặc bò để cúng người chết. Trong đời mỗi người đàn ông đều phải cúng báo hiếu cha mẹ một lần, với vật hiến tế là đầu trâu hoặc bò (lễ này gọi là “đám ma trâu”, kéo dài 2 đêm 1 ngày).

M'NÔNG

Trâu được coi là vật quý, chỉ xếp sau voi, nên gia đình nào có trâu được xem là giàu có. Người ta dùng trâu để giải quyết nhiều việc lớn của cá nhân, gia đình, dòng họ và buôn làng. Trâu còn được sử dụng làm vật hiến sinh để thể hiện lòng tôn kính, biết ơn giữa con người với thế giới thần linh; tin rằng hồn trâu, thần trâu luôn ở bên cạnh và mang lại may mắn cho gia đình, cộng đồng...

MƯỜNG

Trước Tết vài ngày, người Mường chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia đình cày ruộng. Họ cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, sào, đòn gánh... để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình, với quan niệm con trâu hay cái cày cũng đều cần được nghỉ Tết sau một năm làm việc trên đồng.

PHÙ LÁ

Dân tộc Phù Lá coi trâu là thủy tổ của mình với truyền thuyết rằng, xa xưa, ông tổ người Phù Lá mồ côi từ rất sớm, may nhờ có trâu cho bú nên đã sống được và trưởng thành. Chính từ quan niệm ấy, con cháu họ về sau kiêng ăn thịt trâu để tỏ lòng biết ơn.

SÁN CHAY

Ngôi nhà của người Sán Chay có mô hình phỏng theo con trâu thân thuộc của họ: 4 cột ở giữa là 4 chân, rui mè là xương sườn, đòn nóc là sống lưng... Thùng cám được đặt ngay chân cột chính, cạnh cửa ra vào chính là dạ dày của trâu thần, người và gia súc nương bám vào đó mà sống (bởi vậy đây là chỗ linh thiêng trong nhà, là nơi thờ thần nuôi của gia đình).

SÁN DÌU

Trong đám tang bố hoặc mẹ mình, con cái phải bò một vòng quanh huyệt, vừa bò vừa xô đất xuống lấp quan tài. Mai táng xong, mỗi người cầm một nắm đất chạy nhanh về, không được ngoái đầu nhìn lại, rồi vứt nắm đất đó vào chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà... với mong ước vật nuôi sẽ nhanh phát triển, sinh sôi.

TÀY

Dân tộc Tày đầu năm có tục “hát vài xuân” (“vài” theo tiếng Tày có nghĩa là con trâu). Người hát rong nghèo khổ vào dịp Tết đến đứng trước mỗi nhà cất lời hát chúc mừng năm mới tốt lành và nhất là hát chúc mừng con trâu mùa xuân, vừa hát vừa dán lên cánh cổng ra vào tờ tranh nền đỏ, khổ bằng bàn tay, có hình một con trâu béo khỏe, bên cạnh là dòng chữ “tân niên đại cát”. Chủ nhà thích thú lắng nghe từ đầu đến cuối, dứt bài hát liền chạy ra biếu người hát rong một cái bánh chưng, vài phong bánh khảo hoặc một món tiền trong phong bao giấy đỏ.

THỔ

Trong cưới xin, đồ dẫn cưới của nhà trai thường phải có một con trâu.

XƠ ĐĂNG

Trâu được dùng để dẫm ruộng trước khi đi cày. Cả làng nhốt trâu chung một chuồng. Cửa chuồng được trang trí đẹp, giữa chuồng có trồng cây nêu cao vút và gắn nhiều vật thiêng. Tháng 2 dương lịch mở đầu năm mới với lễ cúng trâu. Mỗi năm, chuồng được thay một lần và lễ cúng trâu tổ chức trong dịp này. Mọi người dự lễ đều cầu mong những điều tốt lành cho làng, cầu cho trâu được khỏe mạnh, sinh con đàn cháu đống. Tiếp đó là nghi thức 5, 7 hoặc 9 người cùng rút gióng thả trâu ra khỏi chuồng mới.

Ngoài ra, nhiều dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam còn có chung những phong tục lạ liên quan đến trâu. Chẳng hạn, phụ nữ Dao, Gia Rai, Pà Thẻn khi có chửa đều kiêng bước qua dây buộc trâu, vì họ sợ làm vậy sẽ đẻ khó, các dân tộc ở Tây Nguyên đều có tục đâm trâu độc đáo trong lễ cắt việc (mơ tloh bróa) dành riêng cho người con trai tuổi trưởng thành (từ 18 đến 20 tuổi), ở Tây Nguyên trâu được coi là một trong những tài sản giá trị, dùng để phân định mức độ giàu nghèo của từng gia đình và là đại lượng để mua bán trao đổi các vật quý hiếm (ví dụ, có chiếc ché hoặc bộ cồng chiêng phải đổi bằng hàng chục con trâu).

Sơn Hà

comment Bình luận

largeer