Triệu chứng, cách điều trị và các cấp độ của xuất huyết tiền phòng

Tình trạng xuất huyết tiền phòng cần được điều trị kịp thời, nếu không bệnh có thể gây ra tăng nhãn áp và suy giảm thị lực, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh.
07/12/2022 15:25

Xuất huyết tiền phòng là gì?

Tiền phòng là phần không gian từ sau giác mạc tới phần trước của mống mắt, đây là nơi chứa thủy dịch (một dung dịch trong suốt), có nhiệm vụ cung cấp chất dinh dưỡng cho những thành phần bên trong mắt. 

Xuất huyết tiền phòng là một hiện tượng tích tụ máu ở khoang trước của mắt. Cùng là xuất huyết ở mắt nhưng tình trạng này nguy hiểm hơn nhiều so với hiện tượng xuất huyết ở kết mạc. 

Bệnh có thể chia ra thành nhiều cấp độ khác nhau dựa vào lượng máu tích tụ ở tiền phòng. Lượng máu tích tụ càng nhiều thì mức độ nguy hiểm của bệnh càng cao. Trường hợp máu tích tụ ở toàn bộ tiền phòng được gọi là xuất huyết tiền phòng toàn phần và nguy cơ gây tổn thương cho mắt là rất lớn. 

Những trường hợp máu có màu đỏ đậm hoặc màu đen được coi là nguy hiểm hơn máu đỏ tươi vì nó là dấu hiệu của việc tắc nghẽn thủy dịch và biểu hiện có tình trạng giảm oxy trong khoang trước của mắt. 

xuathuyettp

Phân biệt

Xuất huyết dưới kết mạc: Một phần hoặc toàn bộ lòng trắng của mắt (màng cứng) có màu đỏ tươi như máu, do một mạch máu nhỏ ở mắt bị vỡ ra. Nhưng tình trạng này thường vô hại, không gây đau đớn.

Xuất huyết tiền phòng (Hyphema): Thường xảy ra sau chấn thương hoặc tự phát trên bệnh nhân rối loạn đông máu và điều trị rối loạn đông máu, khiến mạch máu bị vỡ và máu tích tụ lại ở khoang trước của mắt (tiền phòng). Đây khoảng không gian giữa giác mạc và mống mắt có chứa một loại chất lỏng trong suốt là thủy dịch, có vai trò cung cấp dinh dưỡng cho các thành phần bên trong của mắt.

Các cấp độ xuất huyết tiền phòng (được đánh giá dựa trên lượng máu tích tụ bên trong mắt)

Cấp độ 0 (vi mạch): Thường không nhìn thấy được máu tụ, nhưng có thể thấy các tế bào hồng cầu trong khoang trước của mắt thông qua kiểm tra bằng kính hiển vi.

Cấp độ 1: Tụ máu ít hơn 1/3 phía dưới của tiền phòng mắt.

Cấp độ 2: Tụ máu tăng lên từ 1/3 đến 1/2 của tiền phòng mắt.

Cấp độ 3: Tụ máu >1/2 ở tiền phòng mắt nhưng chưa chiếm hết tiền phòng.

Cấp độ 4: Tụ máu toàn bộ ở khoang trước của mắt. Nếu máu có màu đỏ tươi sẽ được gọi là hyphema toàn phần.

Triệu chứng xuất huyết tiền phòng

Ngoài triệu chứng xuất hiện máu tụ trong mắt, xuất huyết tiền phòng có thể gây ra các vấn đề như: nhìn mờ hoặc méo hình; đau mắt; nhạy cảm với ánh sáng; đau đầu. Người bệnh cần lưu ý các tình trạng như đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng và đau đầu có khả năng cao xảy ra nếu xuất huyết tiền phòng gây tăng nhãn áp (IOP).

Xuất huyết tiền phòng có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào cấp độ xuất huyết tiền phòng, mức độ xuất huyết tiền phòng càng cao thì nguy cơ gây tổn thương mắt và mất thị lực càng lớn. Mắt bị tụ máu màu đỏ sẫm hoặc đen là nguy hiểm nhất, bởi có thể làm giảm sự lưu thông của thủy dịch và lượng oxy trong khoang trước của mắt.

Nếu lượng máu đông nhiều sẽ gây tắc nghẽn các ống lưu hoặc gây tổn thương cấu trúc ở ngoại vi của tiền phòng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến dòng máu chảy của thủy dịch ra khỏi mắt dẫn đến tăng nhãn áp, thậm chí nặng hơn có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác và không thể phục hồi dẫn đến mất thị lực. Chính vì thế, khi gặp phải chấn thương gây bầm mắt, người bệnh nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời

Một số trường hợp xuất huyết lần thứ 2 sau lần chấn thương đầu tiên có thể khiến cho nhãn cầu mắt bị tổn thương (thường xảy ra trong vòng vài ngày kể từ khi bị chấn thương).

Điều trị

Cách điều trị tình trạng xuất huyết tiền phòng là kích thích sự tiêu máu, giảm thiểu tình trạng tăng nhãn áp và ngăn ngừa chảy máu thêm. Tùy vào mức độ xuất huyết và các yếu tố liên quan mà bác sĩ nhãn khoa sẽ đưa ra chỉ định phù hợp, ở những bệnh nhân có tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.

Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2

comment Bình luận

largeer