Trường hợp đặc biệt về thầy tu 40 tuổi dự thi tốt nghiệp THPT

Sáng ngày 7/7, thí sinh Nguyễn Khoa Thanh Tú (sinh năm 1981) là người xuất gia với pháp danh Minh Tuấn mặc bộ quần áo "đặc biệt" có mặt tại điểm thi trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngoài ra còn có hai trường hợp ở xa về Hà Nội dự thi.
07/07/2022 22:03

Thí sinh Thanh Tú chia sẻ, trước đây anh xem nhẹ việc học hành, bằng cấp. Tuy nhiên khi vào thực tế cuộc sống nhận thức được ngoài kiến thức, trình độ, năng lực thì bằng cấp được xem là nền tảng, yếu tố cần thiết ở trong mọi lĩnh vực nên đã quyết tâm học hành để lấy bằng.

Thầy Tú cho hay, thầy sinh ra tại Huế nhưng xuất gia tu nghiệp tại Vũng Tàu và từng được học tại Trường Cao đẳng phật học Đại Tùng Lâm ở thành phố này.

Empty

"Xã hội bây giờ ngoài năng lực cần phải có thêm yếu tố bằng cấp. Đó là nền tảng vững chắc đầu tiên để bước vào đời, bước vào cuộc sống và làm nên sự nghiệp. Muốn thành danh phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết", thầy Tú chia sẻ.

Tính từ khi thầy Tú thôi học rồi xuất gia đạo Phật đến nay đã 20 năm. Ngần ấy thời gian khiến những kiến thức, chương trình học có nhiều thay đổi. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, quyết tâm, thầy Tú đã tự học online, tự ôn thi ở nhà trong quãng thời gian dịch bệnh để chuẩn bị kiến thức và quyết tâm tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

"Mọi người trong số chúng ta dù trong hoàn cảnh nào cũng không được bỏ cuộc, phải cố gắng, phải có lòng kiên trì và chí tiến tủ", thầy Tú tâm sự.

Bên cạnh câu chuyện của thầy Thanh Tú, tại điểm thi trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội còn có thí sinh đặc biệt khác là Cao Nguyễn Minh Nhật (SN 1990).

Empty

Các thí sinh Cao Nguyễn Minh Nhật, Nguyễn Khoa Thanh Tú, Giáp Văn Phiên

Thí sinh Cao Nguyễn Minh Nhật cho biết, anh quê ở quận 1 TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do cuộc sống xô đẩy khiến anh phải ra Hà Nội lập nghiệp. Khi công việc ổn định, anh quyết tâm thi lấy tấm bằng tốt nghiệp THPT còn thiếu trước đây.

Để thực hiện kế hoạch đó, ngoài giờ làm anh Nhật tham gia học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên để đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT.

Đánh giá về đề thi môn Ngữ Văn trong buổi thi đầu tiên anh Nhật cho hay: "Với đề thi này mình nhận định đạt được khoảng 80% điểm. Đề thi không khó đối với mình. Mình sẽ cố gắng để thi tốt trong những môn tiếp theo".

Chung câu chuyện với thí sinh Cao Minh Nhật, cũng tại điểm thi THCS Tây Mỗ còn có thí sinh Giáp Văn Phiên sinh năm 1980 đến từ huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang).

Anh Phiên chia sẻ, anh làm lao động tự do với đủ nghề nghiệp khác nhau. Nhưng cuộc sống thị thành khiến anh nhận ra cần có tấm bằng THPT để học nghề hay lựa chọn công việc khác đỡ vất vả hơn.

Để thực hiện điều đó anh Phiên tham gia học tập tại Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP. Hà Nội và tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

"Nhà mình nghèo, mình nghĩ chỉ có cố gắng phấn đấu học tập, có kiến thức may mắn mới đỡ phải lao động bằng sức lực, cơ bắp. Cơ hội để thay đổi cuộc sống sẽ cao hơn. Bằng cấp không phải là tất cả nhưng là bước đệm cần thiết", anh Giáp Văn Phiên nói.

"Không dám khẳng định kết quả đạt 90 hay 100 %, nhưng mình tự chấm cho mình đạt khoảng 8 điểm với môn Ngữ Văn", anh Phiên quả quyết sau khi kết thúc môn thi đầu tiên.

Ước mơ của thầy Tú, anh Nhật hay anh Phiên đã không còn xa khi ngày thi thứ nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã sắp trôi qua. Dù kết quả thế nào thì câu chuyện của họ cũng chính là động lực cho nhiều người, chứng minh việc học tập không bao giờ là quá muộn khi có quyết tâm.

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer