Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Suốt cuộc đời hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng trăm bài báo, bài viết, bài nói chuyện, ký các sắc lệnh gửi các ngành y tế, thể thao, thương binh, phụ lão, thanh niên..
18/05/2021 22:43

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Suốt cuộc đời hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng trăm bài báo, bài viết, bài nói chuyện, ký các sắc lệnh gửi các ngành y tế, thể thao, thương binh, phụ lão, thanh niên.. chỉ rõ quan điểm về y đức, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe Nhân dân nói chung, thương - bệnh binh nói riêng... Bản thân Bác là tấm gương sáng về tự rèn luyện chăm sóc sức khỏe.

ho-chi-minh

 Chủ  tịch Hồ Chí Minh thăm Viện Mắt Trung ương.

Về vị trí, vai trò của sức khỏe

Ngay từ buổi đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được vị trí, vai trò của sức khỏe đối với mỗi con người, cũng như sự nghiệp "kháng chiến kiến quốc". Theo Người, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc đều cần đến sức khỏe, có sức khỏe là có tất cả, sức khỏe không chỉ cần cho mỗi cá nhân mà cho cả quốc gia, dân tộc: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công" [1] Sức khỏe của mỗi cá nhân có mối quan hệ mật thiết đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe ... Dân cường thì nước thịnh" [2]

Người nhấn mạnh sức khỏe chính là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự nghiệp "kháng chiến kiến quốc" đi đến thắng lợi: "Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công" [3]

Chính sách chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân

Nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe đối với mỗi con người cũng như sự nghiệp "Kháng chiến kiến quốc", dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, kể cả những lúc cách mạng còn đang ở trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

shbjksvz,nv

Chủ  tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)

Người nhấn mạnh: Việc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là trách nhiệm của toàn thể xã hội, trong đó, trước hết là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Sức khỏe của mỗi người dân có quan hệ mật thiết đến sức khỏe của cộng đồng, đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Trên cơ sở đó, Người đã khuyên tất cả mọi người hãy tập thể dục để rèn luyện thân thể coi đó là trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước. Đồng thời chỉ ra ích lợi của việc luyện tập thể dục đối với mỗi người: "Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái, trai, già, trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được ... Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe … Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập." [4]

Chăm sóc sức khỏe Nhân dân phải gắn liền với xây dựng đời sống mới, trong sinh hoạt, ăn, ở, công tác phải biết giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, điều đó đồng nghĩa với việc bảo vệ sức khỏe chính bản thân, gia đình và cộng đồng. “Sạch sẽ tức là một phần của đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới.” [5]

Vai trò của ngành y tế và người thầy thuốc

Trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của ngành y tế và các thầy thuốc. Trong “Thư gửi Hội Quân y” tháng 3/1948, Người nhắc nhở trách nhiệm của thầy thuốc ngoài việc khám, chữa bệnh, còn phải quan tâm động viên về mặt tinh thần cho người bệnh: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu … người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền” [6]

hjjfbjbxjv

Chủ  tịch Hồ Chí Minh thăm Viện Quân y (Hải Phòng)

Theo Người, vai trò của người thầy thuốc là rất quan trọng trong việc giữ gìn, chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Người thầy thuốc phải là người sống, làm việc có trách nhiệm, tận tâm tận lực phục vụ Nhân dân, phải có tình yêu thương con người, luôn coi người bệnh, người dân như anh chị em ruột của mình, phải chỉ rõ cho nhân dân biết cách tự chăm sóc sức khỏe của mình: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.” [7]

Trong các lá thư gửi Ngành Y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vấn đề y đức của người thầy thuốc. Người chỉ rõ, người thầy thuốc giỏi về chuyên môn thôi là chưa đủ mà còn cần phải có đạo đức nghề nghiệp, phải hết lòng hết sức cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách vô điều kiện. Đó là một nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc và ngành y tế, cần được gìn giữ, phát huy: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.” [8]

ho-chi-minh.pbng

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y dược Hà Nội

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân kể từ khi ra đời đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mang tầm vóc thời đại. Trong bối cảnh đất nước ta ngày càng tham gia hội nhập quốc tế sâu, rộng, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thì cần thiết phải có sự đầu tư phát triển nguồn nhân lực phát triển toàn diện, trong đó sức khỏe là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do vậy, việc đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới càng trở nên cần thiết. Qua đó, góp phần đào tạo đội ngũ "thế hệ cách mạng cho đời sau" khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, sớm đưa nước ta “sánh ngang với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn.

Thạc sỹ Vũ Văn Chương

Tài liệu tham khảo:

 

  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 540.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 540.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 88.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 540.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 96.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 393.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 476.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 288.

 

 

 

comment Bình luận

largeer